Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Bản quyền âm nhạc năm qua thu về 32,5 tỷ đồng

 
Năm 2010, các hình thức nhạc chuông điện thoại, karaoke và trang web tải nhạc còn thu về nhiều tiền bản quyền hơn các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp. Thực trạng này tồn tại một phần do bất cập về luật sở hữu trí tuệ.> Thiếu thống nhất về tiền bản quyền trong tổ chức biểu diễn/ ‘Bảo vệ quyền tác giả giúp cứu vãn danh dự nhạc sĩ’
Tại buổi tổng kết hoạt động năm 2010 hôm 22/1 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam công bố mức thu từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm qua 32,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009.
Theo báo cáo của trung tâm, những nguồn thu chủ yếu là bản quyền nhạc chuông điện thoại (9,7 tỷ đồng); karaoke, quán rượu, phòng trà (3,9 tỷ đồng); các khu vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng, khu mua sắm (3,6 tỷ đồng). Các trang web tải nhạc phổ biển hiện nay cũng nộp lên 2,5 tỷ đồng tiền bản quyền, trong đó có những trang thực hiện nghiêm túc như Zing, Nhaccuatui hay Nhacso.
Trong khi đó hoạt động biểu diễn ca nhạc - luôn đòi hỏi có bản quyền - chỉ thu về 1,9 tỷ đồng. Đây là số tiền thu được từ xấp xỉ 20% hoạt động biểu diễn ca nhạc trong cả nước năm qua chứ không phải tất cả. Ngoài ra, một số hình thức khác cũng phải được cấp quyền biểu diễn là các tụ điểm ca nhạc, sự kiện truyền thông và các sự kiện có cấp phép khác thu về vỏn vẹn 411 triệu đồng.
Lý giải cho thực tế này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng còn nhiều bất cập về mặt pháp luật gây khó khăn cho hoạt động của trung tâm. Trong Quy chế 47 về tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa Thể thao ban hành năm 2004, điều 22 quy các cơ quan Nhà nước có quyền cấp phép biểu diễn mà chưa biết nhà tổ chức đã xin phép tác giả hay chưa, không yêu cầu có hợp đồng xin phép tác giả trong hồ sơ xin cấp phép.
Vì sự bất cập này, theo thống kê của trung tâm, trong 6 tháng đầu năm 2010 có gần 400 buôi biểu diễn được cấp phép tại Hà Nội thì chỉ có 8 buổi được sự đồng ý của tác giả. Trong 6 tháng cuối năm, tình hình còn “bi đát” hơn khi không có buổi diễn được cấp phép nào nào tôn trọng quyền tác giả. Chỉ có chương trình ca nhạc của ca sĩ Tuấn Vũ hồi tháng 8 ở Nhà hát Lớn là Trung tâm phải đến tận nơi yêu cầu trả tiền bản quyền.
Ngoài ra, điều 26 Luật sở hữu trí tuệ còn quy định sử dụng tác phẩm đã công bố “không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao” (theo văn bản sửa đổi tháng 6/2009). Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng điều luật này khiến chủ sở hữu tác phẩm “không còn quyền không cho phép” các tổ chức biểu diễn và phát sóng sử dụng tác phẩm của mình. Trên thực tế, các tổ chức này cứ tự sử dụng và chỉ việc trả tiền nhưng trả bao nhiêu, trả thế nào cũng do chính các tổ chức quyết định.
Kết quả là trong quá trình hoạt động, trung tâm đã vướng phải nhiều khó khăn trong việc đàm phán thu tiền bản quyền. Có nhiều tổ chức đã mặc cả để trả số tiền “nhỏ đến mức vô lý”. Trung tâm nhiều khi phải chấp nhận thu mức phí “rẻ như bèo” từ các hộ kinh doanh sử dụng âm nhạc. Chẳng hạn, một phòng karaoke ở các xã, huyện vùng sâu vùng xa chỉ trả 700.000 đồng tiền bản quyền mỗi năm, tức 1.900 đồng mỗi ngày cho các bài hát mà họ sử dụng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn viện dẫn trường hợp đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Từ năm 2007 đến nay, trung tâm đã đàm phán với VTC tổng cộng 7 lần, có biên bản hẳn hoi và vẫn chưa đi đến kết quả. Trung tâm cũng gửi gần 30 công văn đến VTC trong vòng 4 năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông cũng có văn bản nhắc nhở, nhưng Ban Giám đốc VTC vẫn không hề có ý kiến phản hồi nghiêm túc.
Mặc dù vậy, số tiền 32,5 tỷ đồng Việt Nam thu được còn cao hơn Indonesia, Thái Lan và gần như tương đương với Philippines, theo đánh giá của ông Ang Kwee Tiang, giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC).
Trong số 32,5 tỷ đồng thu được, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đã phân phối 22,8 tỷ đồng cho các nhạc sĩ, tác giả. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, có 34 nhạc sĩ nhận được trên 100 triệu đồng tiền bản quyền trong năm qua, trong đó có 3 nhạc sĩ thu được gần 250 triệu đồng. Các nhạc sĩ ở miền Bắc kiệm bộn nhất bao gồm Tường Văn, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phú Quang, Nguyễn Cường, Nguyễn Hoàng Linh, An Thuyên, Văn Cao, Hồ Hoài Anh và Phó Đức Phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét