Cô gái có số phận đen đủi ấy là Lâm Thị Bích Thủy (17 tuổi) ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Là con đầu trong gia đình có 2 chị em, từ nhỏ đến lớn, Thủy là niềm tự hào của cả nhà bởi sự xinh xắn, thông minh và đặc biệt là rất ít khi đau ốm. Càng lớn, Thủy càng nết na và trở thành hoa khôi của xóm núi.
Bi kịch cuộc đời em xảy ra vào năm 2008, sau buổi đi học về, Thủy thấy đau ở vùng thắt lưng cùng những cảm giác khó chịu ở xương sống. Nghĩ rằng con gái mình đang tuổi dậy thì nên bố mẹ chỉ đưa em đi khám thông thường rồi cho em uống thuốc giảm đau nhưng tình trạng ngày một nặng hơn.
Sau khi cố gắng thu xếp đưa em đi khám ở bệnh viện huyện rồi xuống bệnh viện tỉnh, bố mẹ Thủy đau đớn khi các bác sĩ kết luận em bị chứng bệnh chảy máu tủy sống, phải ra Hà Nội điều trị.
Từ ngày Thủy nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bà nội hơn 70 tuổi chăm lo. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Nhà nghèo, họ phải bán trâu, bán lợn và cả lúa non đưa con gái ra Hà Nội. Sau hơn một tháng điều trị tại các khoa Thần kinh, Khoa Đông y, Khoa huyết học truyền máu,... của Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ số tiền đã hết sạch trong khi bệnh tình của con vẫn chưa thuyên giảm.
Mặc dù các bác sĩ đã rất động viên gia đình tiếp tục để cháu lại điều trị nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên anh Triều – chị Phượng đành nuốt nước mắt đưa con về, với bệnh án bác sĩ kê "liệt hai chi dưới do chảy máu tủy sống chèn ép - cần phải điều trị lâu dài". Căn bệnh như một bản án tử đối với Thủy, bởi gia cảnh nhà cô gái trở nên vô vọng.
Kể từ ngày đó, anh Triều chị Phượng phải làm việc quần quật hơn để kiếm tiền chữa bệnh, lo thuốc thang cho con nhưng vẫn không xuể. Số tiền hàng chục triệu để đưa con đi chữa bệnh dài ngày ở Hà Nội thực sự là một nỗi ám ảnh với họ.
Từ đó đến nay, tình trạng của Thủy càng trầm trọng, em bị liệt phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống, phải nằm bất động và thường xuyên bị những cơn đau hành hạ.
“Suốt hai năm qua, cháu cứ nằm khóc nức nở, mong khỏi bệnh để được trở lại trường cùng bạn bè. Nhiều lúc đang rất đau nhưng cháu vẫn cố lấy cây bút và tập viết cho khỏi quên cái chữ”, ngồi thẫn thờ bên đứa cháu nội, bà Bùi Thị Tỵ (71 tuổi) khóc dài khóc ngắn kể.
Những lúc bố mẹ đi làm đồng, làm thuê, Thủy được bà nội chăm sóc. Mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều phải trông chờ vào bà nội. Đến nhà cô gái những ngày rét căm căm này, làng xóm không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh bà già vừa cố gắng vỗ về cháu, vừa run rẩy dọn rửa chỗ nằm của Thủy, cô gái đang tuổi dậy thì.
“Nằm một chỗ hai năm nay, toàn phần lưng, mông và chân của cháu nó đều bị lở loét, trời rét buốt nên nó càng đau đớn hơn. Mỗi khi chỉ có 2 bà cháu ở nhà, cháu nói chuyện liên tục, thỉnh thoảng đỡ đau còn hát cho bà nghe”, bà Tỵ rớm nước mắt tâm sự.
Thương con nhưng không biết làm sao, anh Triều – chị Phượng chỉ biết im lặng nhìn nhau. “Từ khi cháu bị bệnh, gia đình tui rơi vào kiệt quệ, hai năm nay không biết đến cảnh tết nhất là gì. Thấy bố mẹ vất vả, cháu nó rất thương, nhiều khi phải nhịn đau để cười, để hát và để nói chuyện cho bố mẹ đỡ buồn. Thương con nhưng chúng tôi đành bất lực vì không biết kiếm đâu ra hàng chục triệu để đưa con ra Hà Nội hoặc vào TP HCM chữa bệnh”, chị Phượng buồn bã nói.
Cô gái trẻ, dù bị bệnh, nhưng đầu óc vẫn hoàn toàn minh mẫn, nói trong nước mắt: “Bà và bố mẹ đừng buồn nữa, con hứa sẽ khỏi bệnh, sẽ đi học thật giỏi để trở thành bác sĩ về chữa bệnh cứu những người như con”.
Tiến sĩ Lê Văn Thính, trưởng khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chảy máu tủy sống, có trường hợp chữa được, có trường hợp không, tùy vào nguyên nhân.
Độc giả hảo tâm xin liên hệ: anh Lâm Văn Triều (bố em Thủy) – xóm Xuân Quỳnh – xã Thanh Xuân – huyện Thanh Chương – Nghệ An. Điện thoại: 0984.912.487.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét