Chương 29
Kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Ngày 2 tháng 9, Hà Nội đặc xá khoảng hai chục nghìn tù trong đó ba “tù hình sự” nổi nhất là Thích Quảng Độ, Nguyễn Đan Quế và Đoàn Viết Hoạt.
Cả ba cùng bị kêu án tù hai mươi năm. Hoạt ban đầu không nhận đặc xá: phản đối bắt anh trái pháp luật. Nhà nước phải mời Thức, vợ Hoạt ở Mỹ về nước vận động chông ra tù rồi sang Mỹ định cư. Báo chí thế giới đã phỏng vấn ba “tù hình sự” thế giới quan tâm. Nguyễn Đan Quế trả lời Time: ông đến tôi hẳn đã thấy họ trực sẵn trước cổng đó. Tôi chỉ là từ một xà lim hẹp bước vào một xà lim rộng hơn mà thôi. Ở xứ này người ta làm kinh tế thị trường bằng Nhà nước cảnh sát… Cũng với Time, Hoà thượng Thích Quảng Độ nói: Nếu chúng tôi mất tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận thì chúng tôi có khác gì con vật. Năm 1977, ông bị tù 22 tháng, năm 1981 bị trục xuất khỏi Sài Gòn, năm 1994, tổ chức cứu trợ đồng bào bị lụt, ông bị toà kêu 20 năm tù với tội danh chống chính phủ. Trước kia ông chống chính phủ Sài Gòn (nhưng báo miền Bắc nâng lên là “chống chế độ Sài Gòn”). Ông nói: “Tôi hiện như con chim trong lồng”. (sống trên căn gác của Thanh Minh Thiền Viện bị khoá cổng). Quảng Đức, Quảng Độ, đức-độ, tôi cứ thấy như cùng chung một mối. Khác là một nguời có tượng, một người có tù. Tổng thư ký Kofi Annan đã tiếp Đoàn Viết Hoạt, tiến sĩ giáo dục học, nguyên Viện phó Viện đại học Vạn Hạnh, trợ lý của nhà Phật học thông thái Thích Minh Châu. Anh nói sau bao năm ở tù ra, anh ngỡ ngàng nhất là máy tính, quá kỳ diệu, Tổng thư ký cười bảo anh: Nhờ nó từ nay không độc tài nào ngăn được con người giao lưu.
Theo lời Hoạt, Hoạt gặp Tổng thống Clinton vài ngày trước khi ông Clinton thăm Việt Nam nhân dịp Hội Nhân quyền Robert F. Kennedy tổ chức sinh hoạt. Khi bà Kerry Kennedy (con gái Robert F. Kennedy) giới thiệu Hoạt với ông Clinton, ông liền mời Hoạt ngồi nói chuyện riêng chừng 20 phút. Hỏi về tình hình Việt Nam, hỏi ông nên làm gì, nói gì… Hoạt đề nghị 2 việc: “Nói chuyện với sinh viên, và ra phố gặp dân chúng vì nhà nước không muốn dân biết ông sang thăm mà dân chắc chắn hoan nghênh việc ông sang thăm Việt Nam”.
Hoạt cũng được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma 2 lsshn. Một lần trong nhà bà quả phụ Robert F. Kennedy, một lần trong dịp cùng đi thăm mộ John F. Kennedy. Lần thứ 2 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma “nắm tay Hoạt vừa đi vừa nói chuyện suốt từ ngôi mộ ra xe hơi của Ngài, hỏi nhiều về Việt Nam về quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Tây Tạng”.
Trần Thị Thức, vợ Hoạt dạy tiếng Việt cho các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ, chẳng hạn đại sứ Shear trước khi đi Việt Nam nhậm chức, đã đến thăm vợ chồng Hoạt.
Năm 1975, Hoạt bị đi tù “cải tạo”. Khoảng đầu những năm 80, anh trở về và qua vợ chồng Thế Vấn, tôi quen Hoạt và Trần Thị Thức vợ anh, cả hai cùng học ở Mỹ. Thức là em họ Trần Huy Phong, người mà lát nữa tôi sẽ nói đến. Thức đã dạy tiếng Anh cho con gái tôi. Thời gian Hoạt bị tù lần hai, Thức ở Mỹ mấy lần thư cho tôi nói chị đã đến những Quốc hội nào đấu tranh như thế nào cho dân chù và nhân quyền ở Việt Nam, và đi nhận giải Cây Bút Vàng Hội Văn Bút Quốc tế tặng người tù Đoàn Viết Hoạt ra sao. Một lần chị đọc cho con trai út viết. Một lần phong bì đến tay tôi tơi tả với dòng chữ: Bị mưa làm rách.
Chả biết có mưa hay không nhưng biết chắc là bị tắm nước mà rách.
Năm 1988 hay 1989, vợ chồng Hoạt cùng con trai út ra Hà Nội đến nhà tôi. Anh chị đưa con gái tôi đi chơi. Trở lại, anh rất lạ chuyện công an tịch thu hết phim của anh chụp ở Lăng. “Bọn mình đang chụp ảnh thì thấy mấy người thổi còi inh ỏi chạy đến. Giằng ngay máy, mở lấy luôn phim, toan tước cả máy nữa. Hỏi tại sao thì bảo tại không nghiêm túc. Không nghiêm túc thế nào? À, chụp ảnh đã ngồi lại cười cợt…”.
Tôi chột dạ: Hoạt làm gì khiến cho an ninh bám đến thế?
Năm 1990, tôi vào Sài Gòn. Một tối Hoạt mời tôi đến nhà ở đường Lê Văn Sỹ. Rủ tôi cộng tác làm tờ báo đòi dân chủ. Anh rất tự tin. Cho rằng rất bí mật. Bọn tôi cùng chơi kiểu tổ ba người như họ. Tôi nói trong tổ ba người mà anh nói ấy thế nào cũng có một chân gỗ công an. Hoạt cho là tôi quá thận trọng. Nhưng tôi nhớ anh bị khám máy ảnh lột phim ở Lăng. Sau đó về qua Vấn (ở gần Hoạt) tôi cứ áy náy như có lỗi. Không dám cộng tác với anh, tôi có tồi không? Nhưng tôi phải chịu tinh thần đấu tranh kiên định của Đoàn Viết Hoạt. Tuần sau Hoạt bị bắt. Trần Huy Phong bảo tôi là một đứa trong tổ ba người của Hoạt đã nộp bản thảo số báo sắp ra cho công an. Nhưng sau này, ở Mỹ, Hoạt đính chính với tôi: Trong mấy người làm báo với anh, không có “tay trong” nào của an ninh cài vào sất cả.
***
Trần Huy Phong và Trần Thị Thức quê ở Quần Anh, Hải Hậu, con cháu chính tông Trần Hưng Đạo. Phong là Phụ tá Trưởng môn Việt Võ Đạo có chi nhánh lớn rộng ở hơn mười nước. Sau 30 tháng 4 năm 1975, Huy Phong bị bắt. Vì đã dạy võ cho “nguỵ” dù chi với tư cách giáo viên ngoài quân lực dạy thuê. Trong tù, anh giết rệp lấy máu kẻ dần khẩu hiệu khá công phu. Quản giáo vào quát, ai cho viết khẩu hiệu? Mà lại còn viết quyết tâm nữa? – Dạ, quyết tâm cải tạo mà! – Không, chỉ cách mạng mới được viết khẩu hiệu và mới được quyết tâm, biết không?
“Nhờ trận quát mắng ấy tôi hiểu sâu sắc chế độ công hữu hơn, tôi bị lột mất cả tâm lẫn chí”, Phong bảo tôi.
Năm 1988, Huy Phong bị bắt lần thứ hai. Hình như anh tổ chức cho môn sinh ra nước ngoài xây dựng cơ sở Việt Võ Đạo. Hôm trước ngày anh bị bắt, tôi đang ngôi quán cà phê ở sân nhà Võ Quang Anh, bạn Côn Đảo với những Đào Năng An, Đào Phan… đường Nguyễn Thông thì Huy Phong vào. Anh khẽ ra hiệu mắt cho tôi và tôi quay đi.
Cuối những năm 90, anh đã làm mai cho con gái tôi với một người ở nước ngoài. Nó không muốn xa bố mẹ nên từ chối. Rồi Huy Phong chết. Tẩu hoả nhập ma? Tôi cảm thấy rõ ràng mất đi một nhân cách quý.
Khoảng 1994-95, một lần ra Hà Nội, Huy Phong cùng Bình Bún môn phái Vĩnh Xuân ở Mã Mây đến tôi. Bình nói hai đứa tôi vừa đến nhà Trần Quang Cơ, con trai cả ông ấy học võ cứ cố mời “đại sư phụ”. Tôi đang mến Trần Quang Cơ, sau khi có tin đồn ông từ chối làm bộ trưởng và vào Trung ương. Chưa hay rằng lúc ấy ông đã nhìn những Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Hồng Hà là những người làm nhục quốc thể. Có lẽ cũng cùng quan điểm với Nguyễn Cơ Thạch đang cho rằng Việt Nam sắp bước vào một thời kỳ Bắc thuộc mới.
– Anh biết không, – Bình Bún hỏi tôi – Cạnh xa lông nhà thứ trưởng ngoại giao, bên ghế anh Ba Phong có một tượng mộc nhân bằng lim nặng tạ mốt, dụng cụ cho võ sinh tập giáp đấu, giống cái ở nhà tôi mà anh đã thấy đấy. Nhìn pho tựợng, anh Ba Phong búng ngón tay vào nó nói “Đổ!” Vả nó từ từ chúi nghiêng đi, tôi phải giơ hai tay đỡ lại.
– Sao lại thế được, tôi kêu lên. Không đánh mà đổ ư?
– Dạ, có đánh… Đánh bằng ý – Huy Phong khẽ cười.
Tôi ngẩn người. Không ngờ. Đúng hơn, không thế nào hiểu. Một ham muốn mãi bị dày xéo, bóp nghẹt của Huy Phong: Xin phép Nhà nước công nhận Việt Võ Đạo hay Vovinam dể được tồn tại đàng hoàng. Từ 1975, Việt Võ Đạo luôn chui lủi, mặc dù nó có tổ chức ở mười mấy nước và đã có một đoàn võ sĩ ở Pháp về biểu diễn. Tôi đã mách nước: Bây giờ anh cố tìm một lão thành cách mạng nào dám nhận là đã xui anh mở phái võ để cho ông ấy nấp bóng mà hoạt động thử xem.
Huy Phong lắc đầu. Từ 1945 Nguyễn Lộc, sáng tổ Vovinam đã bị liệt là “tay sai” của Nhật. Không có môn bài yêu nước đảng cấp cho thì với đất nước làm gì công to đến đâu cũng chỉ ăn mày.
Ngay bản thân Huy Phong. Không giấy chứng minh nhân dân. Một lần, 1985, anh chở tôi và con trai út của Đoàn Viết Hoạt ở Vũng Tàu về đến Long Thành thì gặp trạm công an kiểm soát. Huy Phong chậm xe lại, từ từ đi đến. Mấy anh công an vừa tới đầu xe, Huy Phong bỗng rồ máy vút thẳng. Tôi ngồi sau cùng suýt bổ chửng. Còi công an rít lên lanh lảnh ở đằng sau. Đúng là phóng thục mạng. Đến công ty sữa Long Thành, Huy Phong rẽ vào uống sữa tươi, ăn bánh sữa. Anh bảo tôi: Không giấy tờ gì lại chở ba thì cầm chắc họ làm lôi thôi rồi.
– Nhưng ông nên báo trước tôi, suýt thì tôi vào đồn nằm lại… Nhưng sao dám đánh tháo?
– Tôi đã quan sát. Không thấy xe cộ gì ở quanh đó cả.
Những ngày ở Vũng Tàu với đám Huy Phong, Đoàn Viết Hoạt, tối tối ra bãi biển tôi thường thấy xa xa trong giữa vắng lặng một cây cột đá đen đủi hiện lên im lìm. Trần Huy Phong trồng cây chuối. “Trồng khoảng bao lâu”, tôi hỏi anh?
– Dạ, một tiếng. Tôi lại nắn nắn cánh tay anh. Cứ nghĩ đến các trụ đá tiền sử ở Stonchenge… Hai chục năm sau, Việt Võ Đạo thành một môn được báo đài Việt Nam ca ngợi. Té ra đảng chỉ luôn chạy vuốt đuôi thời đại. Và bao mạng con người, bao mộng ước, bao hạnh phúc đã tan vỡ. Như bao nhiêu sức sản xuất của nông dân bị đảng giam cùm trong hợp tác xã. Như bao nhiêu trí tuệ bị đảng còng tay nhốt lại. Và đảng thì không bao giờ nhận ra mình là kẻ phá phách vĩ đại. Huy Phong đã giúp một người bạn của anh ở Úc gặp con gái tôi để xem mặt. Bà bạn gặp và ưng. Nhung con gái tôi có lẽ sợ bỏ mẹ ở lại trong nước có một mình, đã từ chối. Huy Phong và vợ chồng Đoàn Viết Hoạt đặc biệt ưu ái Trần Dần. Năm 1990, Trần Dần vào Sài Gòn, tôi đưa Huy Phong đến gặp và chở Trần Dần tới dự một bữa rất thịnh soạn Phong do vợ Hoạt làm ở nhà Phan Thế Vấn. Huy Phong mời Trần Dần lưu lại Sài Gòn để anh nhờ một thày lang rất giỏi chữa liệt do tai biến não cho Trần Dần.
Trần Dần đọc thơ mini. Tôi khóc những người bay không có chân trời, Tôi khóc những chân trời không có người bay… Mỗi người một vụ án, Mỗi người chôn sông một chân mây. Trước đó mấy hôm Trần Dần đến nhà tôi ở Sài Gòn. Hai em gái tôi mở cửa.
– Tôi hỏi thăm ở đây có ai là con Hoan không, Trần Dần hỏi luôn chủ nhà?
– Dạ, thưa ông, tôi là con Hoan ạ, xin ông cho được vinh dự biết quý danh? Hai em tôi kể lại. Sự ra mắt kiểu Đông chu liệt quốc này quá ấn tượng. Hân, em út tôi cứ xuýt xoa: Đặc biệt hai con mắt… như mắt thần hố.
– À, tôi là Trần Dần, đến hỏi xem Trần Đĩnh đã vào như hẹn tôi ở Hà Nội chưa? Trần Đĩnh hay nói trong này có em là con Hoan.
Thế rồi mắt hố nhắm lại mãi. Ngọng quá lâu, liệt quá nhiều. In xong Cổng tỉnh thì Trần Dần đi. Nhìn Trần Dần ốm yếu tôi cứ nghĩ đến những ngày Dần lao dộng cải tạo ở Khu Gang thép Thái Nguyên. Có những thời gian người ta giao cho anh mỗi ngày phải đào 2 mét khối đất. Làm đến 3 giờ sáng hoàn thành. Chợp mắt tí chút lại dậy gấp để đào 2 mét khối khác. Khuê, vợ Dần kể: “Ông ấy về nghỉ phép mà hôi thối không chịu được. Thì ra cả tháng không tắm bao giờ vì công trường không có nước, anh bảo có ghê không?”. Ở Khuê, tôi thấy có một “liên minh thần thánh” thầm kín giữa những nạn nhân chính trị. Không hề biết Trần Châu anh tôi nhưng hễ gặp tôi, ngay đầu tiên chị lại hỏi anh Châu dạo này sao anh Đĩnh? Trước khi chết ít lâu, một hôm Trần Dần hỏi tôi: Tao định nhờ Phong với Hoạt trong kia giúp chữa bệnh. Mày thư cho… – Không thành rồi! – tôi nói. Hoạt tù. Tội lật đổ. Huy Phong chữa bệnh dài ngày ở Pháp. Ở đám ma Trần Dần, Nguyễn Chí Hùng, Sở công an Hà Nội đến chào tôi. Tôi nói chị Linh vào chơi với con gái ở Sài Gòn thi công an khu vực đến hỏi ngay ông Trần Đĩnh vào phải không? “Không, chi có tôi là vợ ông ấy vào thôi”. Hôm sau đến yêu câu: Bà viết nộp cho chúng tôi một sơ yếu lý lịch của bà!
Hùng nói ngay: Anh ơi, trong ấy tỉnh lẻ mà.
Tôi phì cười: Sáu triệu dân với giám đốc công an Bùi Quốc Huy từng là Tổng cục trưởng an ninh mà tỉnh lẻ à? Tôi chưa biết Năm Huy siết còng với dân chủ, nhưng xòe tay ra để dính chàm hình sự Năm Cam. Sau đó, tôi hỏi Lê Đạt xuống nghĩa trang làng Vạn Phúc bằng gì, Đạt bảo nhờ xe Tô Hoài, nó kia kìa. Kính râm trên mặt, mũ phớt len đan trên đầu (Trần Vũ cho), tôi đi đến nói: “Cho đi nhờ xe với nhé…“. Tô Hoài cau mày nhìn, khó chịu. Tôi cười: Trần Đĩnh đây!
Tô Hoài kêu: Sư mày, sao béo ghê thế? Ở ta thường thằng ở tù mới béo… Không gặp nhau khéo đã một giáp. Từ lần anh bảo tôi viết cho báo anh, “Tớ ký cả tên Trần Đĩnh, tớ đếch sợ”. Phải nhận rằng cho đăng bài tôi viết dân sính dùng tiếng lóng và câu tục là nhằm kiếm cho mình một tấm giấy chứng minh nhân dân khác, Tô Hoài có không sợ thật. “Hãy rẽ vào xóm thợ, Hãy ngả vòng tay nghìn bác mẹ nghèo, Tôi tháo quả tim học trò. Đồng chí thợ nguội! Rèn cho tôi thứ quả tim yêu. Yêu nghìn lẻ một người yêu không mỏi… Hỡi thế giới tàn bạo! Đảng cử tôi về vật chết mày đây… Vùng lên! Nô lệ vùng lên! Đây là cuộc phá gông làn cuối. Để mãi mãi về sau người chẳng thể cùm người… (Cổng tỉnh). Trần Dần đã nói hộ cả một lứa thanh thiếu niên tin đảng (khao khát nô lệ vùng lên) rồi chống đảng vì thấy phải xài tiền giả và bị vùi xuống. Nên biết tối 19-12-1946, đã nổ súng, Trần Dần, Trần Vũ còn đi dán lên tường ở một số phố Hà Nội Tuyên ngôn Dạ Đài: “Lũ chúng tôi đầu thai lầm thế kỷ…“. 1965, hai năm trước khi chết, Ernesto Che Guevara phản đối gay gắt “bệnh theo đuôi xô viết” với bạn là Armando Hart, bộ trưởng văn hoá Cuba, chê môn triết mà các sách giáo khoa mác-xít đưa vào trường đại học La Havana nguy hại là chúng “không cho người ta nghĩ, đảng đã làm nó ra cho mày thì mày phải tiêu hoá nó”.“Không thể diệt một ý kiến bắng bạo lực mà chỉ có ngăn cản trí thông minh nảy nở”. Guevara có hẳn một tập phê phán cuốn “Giáo khoa kinh tế chính trị học” của Liên Xô. Ông đã viết: “Nếu Lê-nin còn sống chỉ sẽ phạm phải sai lầm là chết”. Đúng, lãnh tụ chỉ có sai lầm duy nhất là chết. Buồn cười! Luôn nói không được can thiệp vào nội bộ nước khác nhưng toàn ca ngợi Che Guevara anh hùng đi nhen lửa nội chiến ở mọi nơi. Hay là chấp hành lệnh Mao: “Căng đế quốc Mỹ ra khắp thế giới mà đánh!” Lúc ấy không biết ông còn nhen lửa toan đốt chủ nghĩa Lê-nin. Cái sự gian dối nhiều khi lại còn do cả yếu tríự, mỏng kiến thức.
***
Lần vào Sài Gòn trên kia tôi đến thăm vợ chồng L. và Q., hai người bạn tôi mến. Vào bàn ăn, chị Q. nói: Anh Trần Đĩnh ạ, tôi muốn kể với anh chuyện này. Hôm nọ, anh L. nhận huy hiệu mấy chục năm tuổi đảng, tôi hỏi anh ấy “Anh có mấy chục năm công với đảng vậy mấy chục năm ấy anh đã có những tội gì với dân, anh kể ra đi?” L. lắc đầu cười hiền lành. Anh hiểu vì sao vợ mình “dữ” thế. Chuẩn bị diệt tư bản, để cấm bệnh viện tư nhân và bác sĩ chữa thêm, người ta dựng lên một vụ án bác sĩ tư “tiêm nước lã” cho bệnh nhân! Bố chị đã được chọn làm “tên thày thuốc phản diện”. Chị nói: Thà anh gọi đến nói theo chủ nghĩa không cho tư nhân hoạt động ở mọi lĩnh vực vậy từ nay cấm khám bệnh ở ngoài bệnh viện Nhà nước có phải là tử tế không? Lại bày mưu mẹo đểu làm nhục cả họ nhà người ta. Sau hơn ba chục năm tôi thấy rõ mặt Q. vẫn tái lại khi nhắc đến vở giết người bằng nước bọt. Ghê tỏrn dối trá đã hiện thành phản ứng sinh học ở chị.
– Chị lạ gì món võ xây dựng điển hình của đảng chứ! Điển hình anh hùng cũng như điển hình xấu xa đều là dựng khống lên tất cả ấy mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét