Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Đèn Cù – Trần Đĩnh – Tập 53

Chương 53

Hồng Linh ra Hà Nội để từ biệt Hà Nội. Từ biệt ngôi nhà một tầng cửa chạm nổi chim hoa cạnh lối vào hông Khánh Ký sau là khách sạn Phú Gia phố Hàng Trống mà hồi sáu bảy tuổi Linh vẫn nhặt búp đa thổi ở ven hồ (còn tôi qua đó đến báo L’Action gặp bố vẫn cho tay chạy bần bật trên các con song sàn sạn bụi), từ biệt dẫy Núi Bò, làng Ngọc Khánh mà cuối 1946 mấy mẹ con Linh tản cư tạm về đó. Sáu chục năm trước, 1944 đi xe điện vào trường học tránh bom ở Trại Nhãn Cầu Giấy tôi vẫn thấy một cái lán xưởng ở bên kia đường tàu điện thuộc làng Giảng Võ và ở đầu một con đường đất dẫn vào cánh đồng hiu quạnh – với một cây gạo, tín hiệu chới với giữa trời – của làng Ngọc Khánh mà nay là đường Ngọc Khánh, địa chỉ của những Đặng Đình Hưng, Việt Phương, Huy Du, Tạ Bôn, Bích Ngọc, Trà Giang, Hoàng Ngọc Hiến… Lúc ấy tôi không thể biết trước khi rút khỏi Hà Nội để rồi gia đình lìa tan, mấy mẹ con Linh đã sống nhờ ở tại cái lán xưởng ép dầu đó của người Hoa và vẫn thường vượt đường tàu điện ra dạo mát trên dẫy gò loằng ngoằng giữa đầm nước nay thành khu ngoại giao Vạn Phúc (trước khi lên voi làm khu ngoại giao, thần tích Linh Lang đã xuống làm quảng trường rác trung tâm thối khẳm một vùng).
Năm 2004 ấy, Linh cùng tôi ra Hà Nội được vì sau ba năm cắt ruột, bệnh viện giải nguyên không cần “tái khám” nữa và thật là vui. Ở nhà Cường, Lan và Li Li toàn dân múa, Linh còn thị phạm một sổ động tác múa Chàm. Năm 1977, Linh đã vào Phan Rang hai tháng chuyên sưu tầm múa Chàm. Lúc ấy còn sợ lựu đạn Fulro quăng đến nhưng dân Chàm lại thích Linh múa Chàm hệt con gái Chàm.
Thì giữa 2005, di căn sang gan. Không thể chữa. Tôi đang ở Mỹ, tin dữ làm tôi ngơ ngẩn. Tôi điện hỏi Linh có cần tôi về không, Linh bảo không. Linh đâu biết di căn, con nó giấu. Chín tháng noi gương một vị cốp cực to uống mật và máu rắn hổ đất naja cùng sừng tê và mật gấu, Linh đã dậy sớm thổi xôi bán ở gần nhà được. Cho vui – vài lần ba bà cháu bị công an đuổi chạy. Rồi làm không nổi.
Cuối 2006 scan thì ba cái u đã vỡ. Bác sĩ nói sống được ba tháng nữa. Linh nào hay. Tuy vẫn tả cho người đến thăm là gan bị cứng như gỗ đè lên tim nên tim vốn bệnh thì nay càng khó thở và đau. Mép sườn phải gồ lên một thăn dài rắn câng – đứng hơn là một tảng đá mài. Sang 2007, bắt đầu chống hai tay lên gác. Tư thế di chuyển nguyên thuỷ này khiến tôi não lòng.
Tháng 4 nằm suốt. Nửa cuối tháng chỉ ăn cháo. Người nhão nhanh ghê gớm. Da vàng như trát nghệ.
Hai tối 23 và 24 tháng 5, Linh có lúc đã nhắm nghiền mắt, người rất lạnh. Mây lại xoa bóp, chuyện trò với mẹ… Bảo tôi: “Không tiếng người thân thấy vắng vẻ là mẹ đi đấy… Không xoa cho ấm là mẹ lạnh mẹ đi đấy”. Nhiều khi tôi ngỡ như con gái đọc thần chú buộc giữ mẹ lại.
Và mẹ tỉnh lại thật. Nhưng không nói, không ăn. Quá yếu. Các âm nói ra đều dấu nặng. Nhấc đầu lên cũng phải nhờ. Trước đó mấy lần hỏi tôi có thuốc giúp cho chết không? Muốn chết lắm! Tôi nói Linh vẫn rất có nghị lực mà, hãy cố. Biết là nói cho có nói. Nhưng thật lòng vẫn thầm mong một kỳ diệu. Hy vọng vốn dĩ vô bờ. Một lần tôi nghe Linh bảo hai cháu, giọng đã méo: Bà sẽ chết…, bà mong sống tới hè này để dẫn các con đi học bơi…
Thương nhất khi hai cháu bé ngồi cạnh chỉ bảo: “Bà ơi, bà thè lưỡi ra không nó thụt vào, không kéo ra được đẩy bà ạ”, “Bà ơi, bà ăn đi, ăn để sống trăm năm, không ai cho bà chết đâu”. Khi còn hơi sức, thường bảo cháu: “Bà không muốn chết để còn xem các cháu lớn lên học hành thế nào”. Trên bàn đầu giường là một từ điển Hoa có kiểu phiên âm mới Linh không quen, mấy sách dạy tiếng Hoa. Bà đang dạy cháu lên bảy: kai xue liao, xiao peng you, shcing xue qu… Đã khai trường, các bạn bé, đi học đi. Khen cháu rất nhớ, viết rất đẹp. Thằng cháu dạy lại bà. Monkey, kitchen, chicken, crazy… Con trả lời cô ra thành ăn kitchen đấy, ha ha, ăn bếp, crazy monkey khỉ rồ ha ha… Bà có một nhật ký về cháu cho đến lúc mổ ung thư. Và một nhật ký về tôi từ 1955 và về con gái mới đẻ từ 1966 nhưng nửa chừng thì dừng và tôi sợ không dám mở. Bìa là hình bích hoạ tiên nữ múa trong động Đôn Hoàng. Mua ba tháng sau khi đến Đại học Bắc Kinh học Hán ngữ.
Như đã làm với mẹ chúng, bà ngày ngày nắn trán, gò mà, hàm ếch cho từng cháu – bà còn từng lấy chỉ cột răng của mẹ chúng lại cho khít và đều. Kiên nhẫn như khi bà lên tám, tít tận trên Đồng Văn, Cổng Trời, Mã Pỉ Lèng. Mẹ bà kiết lị nặng, bà đều đặn đi bắt nhái về để mẹ thịt cho mấy đứa em ăn, vào rừng kiếm củi, con rựa quá nặng chém cả vào tay. Mẹ bà bế các con theo mấy người Hoa dạt lên đó…
Còn tôi, mỗi khi nhìn Linh chăm sóc mặt cho con cháu, tôi lại thấy như có chút gì từ trong cung cấm của các cung tần mỹ nữ nhà Thanh xưa đã len lỏi không liiếu bằng ngả nào vào đến tay Linh. Truyền thống đi ra sao?
Cuối cùng một tuần không nói. Chỉ lắc gật. Mở miệng thử, tôi thấy âm u bên trong: Lưỡi đen!
Năm giờ chiều 25 tháng 5, Nguyễn Khải gọi tôi hỏi về Georgetown và Kissinger. Rồi tôi hỏi sao Khải lại đưa lên đầu sách Một cõi nhân gian bé tí câu Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân, – lối nhỏ xưa cùng với gió lạnh và một người? Hỏi, vì tôi linh cảm Linh sắp một mình trên con đường cũ mòn với gió lạnh.
Khải nói ông biết ai nói nó với tôi không? Cụ Vũ Hồng Khanh, nhân vật chính trong truyện, ông cụ bảo tôi sống mãi mới thấy câu thơ ấy thật là hay. Rồi ai cũng như ai hết, chỉ còn lại riêng mình với gió lạnh và con đường nhỏ.
Tôi nói: Này, thế ra “kẻ thù” đã gây hứng cho nhà văn cộng sản bằng một câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du nhưng mà tôi cứ ngợ như ở thơ Đường! Mấy nhà cách mạng thuộc nổi câu đó không? Đưa câu ấy lên là ông đã có ý cảm ơn Vũ Hồng Khanh.
– Mình xưng con với ông cụ thì đám trẻ nó bảo bác là đại tá nhà văn quân đội mà xưng con với thằng phản động già? Mình nói cụ ấy bằng tuổi bố tôi, xưng hô khác sao được… Ừ, ở cái làng Thổ Tang ấy, có mộ Cô Giang vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học tự tử sau Yên Bái thất bại nhưng như đã bị san đi thì phải.
– Đúng là đào mồ của tất cả chứ không chỉ của đế quốc! Viết ra ai đã dạy cho bọn trẻ hung bạo như thế đi. Dạy cho đấu tố lẫn nhau là điều cực đểu ít thấy trên thế gian này. Tôi chắc thế nào cụ Vũ Hồng Khanh cũng đã có lần nói với cán bộ xã rằng Bác Hồ đã đến thăm cụ ấy một tối ba mươi Tết Bính Tuất ở phố Hàng Bún và cán bộ xã sẽ quát “câm ngay thằng phản động, cấm nói láo…”
Tôi nói đến đấy thì ở buồng bên Mây gọi to: Bố!
Tôi đặt vội máy chạy sang thấy Linh ngửa đầu ra thở, giấy trắng giắt quanh cổ thành một vành yếm. Mây nói mẹ vừa xùi bọt mép và thổ huyết!
Ba giờ trước đây, Thế Vấn đến thăm đã nói khe khẽ: sắp đi, ung thư thường chảy máu và đau. Mừng là không đau.
– Không, tôi nói, cố nhịn đấy.
Tôi hiểu Linh.
Tôi biết là giờ phút cuối cùng. Hai bố con ngồi cạnh Linh. (Là cả nhà nhưng tôi chẳng còn thấy ai khác). Mây vừa xoa bóp vừa nói: Mẹ mở mắt ra, mẹ yên tâm, các thày đang làm lễ cho mẹ ở chùa, mẹ hãy thanh thản, các sự tốt lành chờ mẹ, mẹ nghĩ như thế mà vên tâm nha…
Nhưng mẹ mải ngửa cổ lên thở. Thở hắt ra. Ở cổ khẽ nhoi lên bập bùng một chấm nhỏ – giọt sống này không đủ sức trốn khỏi cái lạnh đang vây kín lấy nó. Bất lực nhưng tự trọng, nó cứ đi theo những lễ tiết chuyển giao ngặt nghèo đã trở thành độc ác và quá thừa. Một bàn tay hay giơ lên an nhàn chấm vào cánh mũi, vành tai, mái tóc, kiểm kê, hay một cử chỉ biểu tượng, một phù phép, đúng hơn nữa, bắt đầu tập sửa sang ở tiền sảnh một cuộc đời mới. Mãi sau con gái mới bảo mẹ đang bắt chuồn chuồn.
Ôi, ai đến đón Linh đi mà giơ tay níu lấy? Rồi tự nhiên tôi nhận ra một im ắng khác thường. Thấy rõ đang chứng kiến một ngôi sao xẹp dần xuống, vùi tắt đi cả một kho tàng năng lượng mà có lẽ tôi chiếm mất phần lớn ở trong đó. Cứ ngỡ khi bỏ đi cuộc đời sẽ đóng sầm cửa lại rất to.
– Mẹ ngừng thở rồi bố ạ, Mây bảo tôi.
Tôi nhìn: Hơi thử yếu ớt đã hoá thành chất lỏng – một rớm máu nhỏ nhưng thắm ở khóe miệng. Màu sắc cuối cùng ở một con người vừa lìa đời. Ngọn đèn hậu của cỗ xe.
“Đồng hồ bố bao nhiêu? – Bây giờ, à, mười chín giờ hăm lăm? Mồng 9 tháng Tư ta. Đúng tuần Phật Đản, tốt cho mẹ quá. Thôi, mẹ đi thanh thản, mẹ yên tâm nhé. Bao nhiêu điều tốt đẹp với nơi yên vui đang chờ mẹ kia, mẹ sắp trông thấy rồi đấy… Bố giữ chặt hai ngón chân cái mẹ để con buộc tay xong rồi buộc chân cho mẹ… Nhớ không để nước mắt rơi vào mẹ…”
Tôi rất buồn nhung nhẹ người. Ít ra Linh hết cực hình vượt quan tái. Tôi khẽ xoa mặt Linh rồi dừng lại trên má phải. Năm mươi ba năm trước, tôi hôn cái đầu tiên lên đó, ngoài cửa Nhà ăn của lưu học sinh, nơi anh chị em Việt Nam đang liên hoan với hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh Mã Dần Sơ. Sau khi Linh hát xong Chàng buông vạt áo em ra rất hay…, tôi rủ Linh ra dưới một cây lê. Trước đó ba bốn tháng cô bé Át Cơ thuộc vào nấc đẹp nhất trong cung bậc teen đứng ở đầu chiến hào hát tiễn lính lên A1, Him Lam Điện Biên Phủ.
Trong trường ca “Bước ký vào 21” (chưa ra mắt), Lê Đạt viết về Linh: Con chim hồng ức lửa bước bay xuân/ Gót thả sáng/ pháo Mường Thanh nổ đỏ /… Bao nhiêu lính Điện Biên hầm bùn Mường Thanh… / trước giờ xuất kích đã khấn xin chi viện / cô văn công có đôi chân lạ bà mụ như nặn ra để vũ… / và bao nhiêu người đã ngã / mắt chưa thôi chập chờn bay bước chim hồng ức lửa / lung linh một dối dăng hạnh phúc. / H.L. bị chủ nghĩa Mao chống Tàu xua…
Gò má phải ấy là bến thiêng đầu tiên tôi neo đời mình vào. Nó vừa mới rời Mường Thanh, A1 vài ba tháng.
Nhưng tôi đã phụ Linh. Chuyện riêng mà tôi thú lỗi ở đây bởi vì Linh, nạn nhân của tôi cũng là nạn nhân đàn áp chính trị và đặc biệt, dù khổ vì thế Linh vẫn không xa tôi một phút trong chiến hào cố thủ phẩm giá người của cặp vợ chồng mà Lê Đạt gọi là “một đôi nhân vật sử thi Hy Lạp”.
Đầu những năm 80, L., vợ một chiến hữu thân tìm tôi nhờ tôi giúp chồng cắt một quan hệ. Tôi nói: Cảm ơn chị tin tôi nhưng tôi không thể giấu chị rằng tôi đã sai lầm trước anh ấy rồi chị ơi… Chị nói chị rất yêu anh ấy, vậy thì tôi xin chị hãy nên nhẹ nhàng, khoan thứ vì lòng khoan thứ có thể giúp anh ấy mạnh hơn cả.
Lúc nói thế tôi thấy Linh ở trước mắt.
Đang yêu tôi có thể chết theo Juliet nhưng rồi tôi đã làm Juliet khóc. Linh đã chờ tôi mãn hạn lao dộng cải tạo mới đưa tôi ra toà án huyện. Toà cố nhiên hoà giải và Linh chấp nhận ngay. Tôi đã nói với bà thấm phán rằng mọi sự không hay trong nhà đều do tôi gây ra nhưng thấy tôi ở báo đảng nên bà thẩm phán lại thiên vị, cho là tôi gương mẫu tự phê bình như đảng dạy. Bà liền nghiêm giọng khuyên “các chị văn công có nhan sắc đừng thấy các anh ấy lam lũ mà…”
Linh chỉ khẽ cau mày. Đời quá nhiều trái khoáy: Tôi bị đảng đánh bất cần toà thì trong chuyện gia đình lại được toà chủ động bênh. Riêng mình Linh bị đánh tứ bề, không nơi che chở…
Sau này lâu nữa, một lần Linh hỏi: “Nếu anh có con thì đem nó về, Linh coi nó như Mây”. Biết Linh thật lòng, tôi nói: “Linh thừa hiểu. Nếu có thì đã báo với Linh”.
Rồi các chủ nhật bạn bè, toàn chống đảng đến đây nhà. Minh Việt có lần bảo tôi: “Bạn đông thế thì gạo xoay đâu?” Linh coi bạn bè của tôi như anh em trong nhà, như chính bạn của Linh.
Linh luôn trông nom xây đắp cho gian nhà nghèo của chúng tôi. Từ món đồ nội thất đầu tiên, cái hòm bôi phẩm đỏ Linh mua ở Hàng Hòm, gần nhà hai anh em bác thợ đóng giầy ba-lê nổi tiếng cho giới múa, từ hai giá sách Linh tự đóng lấy bằng chính cái hòm đựng đồ mà trường đại học Bắc Kinh cho tôi khuân gia tài về nước, từ cái bàn, bốn cái ghế – thùng xà phòng mậu dịch thải – thấp tè không lưng không tay và mặt ghế là các nắp che đi các thứ tạp nham cất ở trong. Cho đến kiệt tác tạo nên môi – trường – Linh rất thân quen với cả xóm là dẫy rào tre cho ô rô và cầm xuân mọc tràn – mỗi đầu xuân lại cho nở bông ra mênh mang một đại cao trào giao hưởng màu hoa xoan, là chiếc cống tre hai cánh kẽo kẹt do chính Linh chặt tre, pha nan, vót nhằn đan thành. Và sau đó cây khế…
Linh đã góp một nét xanh nhỏ bé vào cái thế giới xanh bao la mà chúng ta đang cùng khao khát.
Bây giờ hết cả. Còn lại một thứ của Linh: Cây soài đồ sộ rợp bóng ở bên phải Tam quan Chùa Hà. Linh trồng nó từ hạt rồi tặng Nhà Chùa khi nó cao hai mét. Có lẽ trăm năm sau vẫn đó.
Linh đã đi tôi vẫn ngồi cạnh. Mây mấy lần dặn bố không được để rơi nước mắt vào mẹ rồi kéo chăn lên mặt Linh.
Nửa giờ sau, tôi mở chăn, Mây khẽ reo: Mặt mẹ tươi quá kìa…
Tôi còn thấy Linh hơi mỉm cười. Hai mí mắt thành hai vòm trời bằng lặng, êm ả – hai bãi biển tình mơ lức con nước ròng quét đi hết mọi sầu muộn, hai khóe miệng hài lòng nhẹ nhõm mím lại rất vừa phải và một xíu ánh răng cười chào. Nét mặt Linh chợt vằng vặc sắc thư nhàn. Tôi đọc ra được sự chuyển tiếp khoan thai tới chữ Không. Lúc này nếu có chết tôi cũng như không.
Linh đã bàn với tôi là chết thì thiêu rồi rắc sông, không báo ai nhưng con gái không chịu. Trước đây hai tháng Mây bảo mẹ: Khổ, ông ngoại sáu chục năm trong giới cô hồn, cứ chờ Đảng xoá tội bỏ nợ cho mà. Bây giờ mẹ cho con đưa ông lên cửa Phật. Chùa Già Lam. Tôi nói: Rất hay, chỗ ấy có thày Thích Tuệ Sỹ bị ta tuyên án tử hình vì chống chế độ nhưng rồi phải thả. Mây nói thế thì ông đến đó là họp! Hôm nay, Mây bảo tôi: Đưa mẹ lên với ông để từ nay hai bố con được chuyện trò.
Đúng, bù lại cho những ngày chín mười tuổi nghe người ta nói đến bố thì Linh sợ và không bao giờ dám hở ra chữ “” với ai. Nay hai tội nhân bố con, một mái chùa có một nhà sư chống bạo quyền suýt chết.
Tinh cờ hôm làm lễ cầu siêu cho cả Linh, thày Tuệ Sỹ dẫn đầu các vị sư đi quanh lễ đường. Mỗi lần thày đi qua mặt, tôi ngồi bệt trên sàn lại cúi đầu rồi ngước nhìn lưng thày mỏng dẹt quay đi mà nghĩ: đạn sút thì làm tan hết cái lưng kia. Rồi bất giác nhớ mấy câu của ông: “cười với nắng, một ngày sao chóng thế, đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”. Và (ve) “khóc mùa hè mà khô cả đại dương”. Tự nhiên yên tâm hẳn. Linh và  đến đây là về nhà.
Trong hai ngày 26 và 27 tháng 5, giới múa gửi điện hoa, điện chia buồn đến. Đều “Thương tiếc Cô Hồng Linh”. Đọc chúng, tôi vào một góc tường khóc kín. Hai chục năm nay, Linh bỏ Hội múa (và cả hai tổ quốc, đã bảo tôi: “Tổ quốc là con người đặt ra mà thôi”). nhưng Hội vẫn tặng hoài tạp chí Vũ Điệu cùng quà Tết. Cách đây một tháng, một số anh chị em bay vào thăm. Một bước vi sư, nửa bước vi sư; đời biết nghề. Nhưng đời thương số phận và yêu nữa là cốt cách.
Một vòng hoa cũng làm tôi xúc động. Của Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Ngọc. Cùng hội bệnh hiểm, họ với Linh sẽ cùng thuyền. Nhưng Linh xuống trước để đón bạn đến sau cho đỡ lạ. Tôi đã vơ vào, điều Linh rất không thích. Con chim nhỏ này có quỹ đạo bay, vùng bay, quy cách bay riêng. La bàn dẫn nó bay là cảm hứng nhân văn của riêng nó chứ không phải ánh đèn sân khấu tắt bật theo đạo diễn đời…
Phong, em kế Linh thay mặt ba đứa em ở Canada, Mỹ, Trung Quốc ngơ ngấn gọi về. Thôi chị sẽ được gặp pá, má!
Mỹ Điền gọi xin lỗi bị kẹt xe – đến thì xe tang đã đi. Khổ, ông già tám lăm! Đã phúng rồi đưa làm gì? Anh đã sớm cho Linh một lọ nước hoa Pháp. “Mẹ tôi cũng ung thư chết, khi ấy cần cái này lắm – anh nói. Tôi sẵn mà, bên Pháp cho”.
Ba ngày sau, Lê Đạt gọi. Như quát: Linh chết sao không báo? Thằng Khải vừa báo tao!… Thôi, thắp hương hộ tớ…
Sao Khải biết? Tôi không báo rộng bạn bè theo lời Linh dặn. Nhưng bạn bè vẫn biết. À, Khải đoán tại sao tôi hỏi Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân, – một người ra đi một mình trong gió lạnh trên con đường nhỏ cũ xưa. Rồi lại nghe Mây hốt hoảng gọi và tôi kêu lên, giập vội máy?
Bà chết hai chục ngày, ba ông cháu đi dạo chiều. “Bà hay đưa chúng con đi lối này”, đứa cháu gái năm tuổi rưỡi nói rồi chạy lên bãi cỏ hái ba bông hoa cỏ màu hung tím. “Con thương bà con hái cho bà như bà vẫn hái. Con muốn cố vượt ngoan để bà sống lại”.
Hai cháu cắm hoa cỏ vào lọ. Ba bông hoa cỏ rung lên những óng ánh của một loài ngọc lạ, biến ra những chấm vũ đạo. “Bà nghĩ ra điệu múa vẫy Gọi Cháu kia, thấy không?” tôi hỏi hai đứa bé. Đứa anh bảy tuổi rưỡi nói: Hương vừa nói cảm động đấy, ông ghi lại đi nha…
Ba ông cháu thắp hương ở bàn thờ. Đứa anh hỏi khẽ: Hương muốn cho bà sống lại à?
– Trong phim nói ước mơ chỉ là ước mơ thôi, anh Phúc ạ… Giọng con bé khẽ lay, nghèn nghẹn.
Tôi cố không nấc. Tôi vừa thấy chiều sâu có nước mắt của tuyệt vọng. Và chiều cao mà thời đại – thằng Đại lưu manh – đắp vào con trẻ. Thấy cả Linh khoan dung tha thứ cho tôi sau buổi ba ông cháu viếng Linh tại một vạt cỏ hoang bên đường xưa bà hay đi dạo qua với hai cháu.
Đứa anh hỏi tôi: Có come true (sự thật hiển hiện) không ông? Bà sống lại chứ?
– Come true, – tôi nói.
Nghĩ chúng chắc chắn sẽ được “thần linh pháp quyền” che chở, chứ không như bà ngoại yêu của chúng, ông ngoại của chúng. Rồi cụ đẻ ra bà ngoại chúng. Không thế có lẽ nên tìm một liều bả chuột. Tốt nhất nhãn hiệu Trung Quốc. Quẩn quanh lại cứ là Trung Quốc ư?
Linh là người đầu tiên đọc quyển sách này, quãng từ 1990-95, lúc nó mới tạm hình thành. Sau đó tôi đã viết đi viết lại nhiều lần. Mỗi lần là một lần thắng cái sợ để sự thật lộ rõ ra hơn.
Linh đọc và chỉ nói, chuyện của Linh còn nhiều lắm…
– Đúng, chuyện Linh thừa thành một sách riêng, tôi nói. Buồn là anh không có thì giờ…
Có đúng là không có thì giờ? Hay là vẫn bị cái sợ nó trói? Lôi tội của đảng ra phải từ từ, chứ cả hai bố mẹ thì ai nuôi con?
Chuyện của Linh phong phú hơn chuyện tôi. Từ bé đến chết, Linh luôn là nạn nhân. Và nạn nhân thì nhiều chuyện hơn người thường. Giá như Linh tự kể chuyện mình bằng ngôn ngữ hình thể, món thiên bẩm mà Linh sử dụng khá tốt!
Trong đời mình, Linh nghe tôi hai lần có tính quyết định, Lần đầu nghe rồi theo tôi, bất chấp kỷ luật đảng. Lần hai nghe rồi phản đối chiến tranh bạo lực, hất chấp đường lối đáng để sẵn sàng dấn thân vào những gian nan mới.
Chiều ấy, tháng 1 năm 1964, Nghị quyết 9 vừa công bố trong đảng bộ, đi làm về tôi rủ ngay Linh đi bộ từ Khu văn công Câu Giấy, đường 32, lên chợ Bưởi rồi quay luôn về. Tôi nói say sưa, tưởng chừng Linh là người duy nhất trên đời mà tôi cần phải kéo cho xa ra khỏi vùng bóng tối sắp vây kín lấy đất nước. Và Linh im lặng suốt nhưng nhìn mặt Linh tôi biết Linh gật đầu. Có điều bữa ấy không phải Linh chỉ có nghe thấy tiếng của tồi. Còn tiếng của quá khứ như ở sát bên. Bố bị giết, tuổi thơ lầm than mồ côi, chị em mỗi đứa lưu lạc một nơi, chống phái hữu.
Với tôi, Linh tình lý vẹn toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét