Chương 15
Ung Văn Khiêm hẹn ở đó. Khiêm móc túi đưa tôi một xấp tiền. Tôi cảm ơn, nói tự lo được.
Tôi hỏi ngay anh:
– Hà Nội đồn là anh khai man lý lịch rồi còn ngoan cố không chịu sửa?
Anh cười kể lại: Một cô ở tồ chức Thành uỷ đến bảo “Chú giập cái đoạn chú viết trong lý lịch là bị khai trừ đi. Trên biểu là không có chuyện ấy bao giờ”. (Đến đây, anh hé một tiếng kinh ngạc!) Mình bèn nói thưa với cháu, tai tôi, tai tôi đây nghe từng lời nghị quyết khai trừ tôi do Lê Văn Lương đọc mà. Tôi là bí thư xứ uỷ thì Lê Văn Lương vào gặp và tôi cho đi vô sản hoá ở Ba Son mà… Tội cháu phải vất vả. Cháu hãy về bảo trên là tôi không bịa ra cho vui đâu. Hay là dể tôi lấy lý lịch về, không sinh hoạt lại nữa. Cô ấy vội đi luôn. Các cha vẫn cái thói chui lủi, gian tà.
Theo anh tìm hiểu thì Điều lệ mới của Đảng không có chuyện kết nạp lại người đã bị khai trừ. Nhưng đến đại hội đảng bộ Sài Gòn, Lê Duẩn cứ nghển nghển nhòm nhòm các đại biểu như tìm ai rồi hỏi: “Ủa, anh Ba Khiêm đâu? Tổng bí thư mà không biết uỷ viên trung ương, bộ trưởng ngoại giao Khiêm bị khai trừ, khôi hài quá há! Anh ngừng kể, hỏi tôi, quan liêu nhất há! Người ta sẵn sàng đóng ngay vai ngoài cuộc, kinh không? Và người ta khỏng tháy ngượng, buồn là như vậy.
Chuyện Ba Duẩn mù tịt việc Ba Khiêm bị đuổi khỏi đảng làm tôi nhớ lại chuyện những năm 1963 – 64 Duẩn hỏi Phạm Ngọc Thạch rau muống luộc với rau muống xào có khác gì nhau về dinh dưỡng hay không? Cái này loài kiến nó giỏi. Hễ thấy rau luộc là nó lờ và rau xào là nó bâu đến.
– Thì vờ ra vẻ đến rau muống tôi cũng chả được xài rồi lại vờ Ba Duấn tôi quan tâm đến dân lắm lắm. Vì thế tôi mới nói là vờ đóng vai ngoài cuộc phủi tay chớ! Cũng đứng ngoài luôn ở cả việc có đứa đặt đèn hiệu lệch cho máy bay ông Hồ đâm mù xuống Bạch Mai. Ở các nước mà Cha già dân tộc bị thế thì nó làm phải động trời lên. Mà ông Hồ cũng lạ! Bị thế mà không tâm sự với Duẩn và Thọ… Thôi, kể nốt chuyện mình, Duẩn còn ngó nghiêng ra vẻ tìm Khiêm nữa và chưa ai kịp nói gì thì thằng Tô Ký nó đứng ngay lên rao to: “Kìa ai đi mời anh Ba Khiêm đi chứ!” Đánh đùng một cái cho mình vào Đảng. Lạ thế nên bây giờ cấp dưới không biết xoay xở sao, đành đến xin mình sửa man lý lịch.
(Đến năm 2000, Nguyễn Trung Thành bảo tôi ngày ông Duẩn thình lình cho Khiêm “phục hồi đảng tịch”, ban tổ chức Đảng khốn đốn, phải đặt ra cho điều lệ một điều mới toe là “cho sinh hoạt đảng trở lại).
– Tổng bí thư một tay phá luôn pháp luật của đảng, tôi nói. Mà đảng phải tuân theo. Chỗ này Hitler cũng phải tị.
Khiêm còn cho biết sau đó Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ lần lượt riêng rẽ đến thăm anh. Đến vào lúc bảy tám giờ sáng mình đang bận vệ sinh chuồng heo và cho heo ăn, anh nói. Thế là cứ đứng bên chung heo nói chuyện, mình chẳng mời ông quái nào vào nhà.
– Anh có cảm ơn không, tôi hỏi?
– Hứ, ơn? Họ làm thế là cốt chạy làng mà. Xưa đánh tôi để được nổi giá lên với Trung Quốc, nay vời tôi là quay trăm tám mươi độ cần tự rửa mặt với Liên Xô.
Anh bảo mời tôi vào để nhờ tôi giúp anh viết một kiến nghị ký tên anh gửi Trung ương về tình hình đất nước cùng những việc phải làm. Trần Đình Bút, chồng cái Ngọc Minh, cả hai học với anh ở Bắc Kinh đấy, sẽ cung cấp tài liệu, số liệu kinh tế cho anh. – Mấy ngày tới tôi đi mấy nơi, về thì chúng ta sẽ làm việc. Nhà Vấn vắng vẻ, chúng ta làm việc ở đấy, anh Vấn thấy được không?
Tuần sau, đúng 19 tháng 8, chúng tôi gặp nhau.
Anh rất vui: Tình hình cho phép tôi góp ý thẳng thắn với Trung ương được rồi. Cách làm ăn cũ hỏng to rồi, Nguyễn Văn Linh nói hẳn là lãnh đạo gì mà làm ăn như cái “con c…”. Gorbachev và perestroika ảnh hưởng mạnh đến ta, mặc dù Ba Duẩn còn rất bảo thủ. Song số đông trong Bộ chính trị tán thành đổi mới như Liên xô. Trung Quốc đổi mới có khi còn ghê hơn. Ta ì ra thế nào được nữa? Lại sức khoẻ Duẩn yếu, tịch lúc nào không biết, Trường Chinh bắt đầu có uy tín trở lại. Nguyễn Văn Linh được Trường Chinh ủng hộ nên đã vào lại Bộ chính trị. Sau 1975, Linh bị Duẩn với Thọ gạt ra khỏi Bộ chính trị, ở trong này lênh phênh mãi. Ở đại hội đảng Sài Gòn, Linh hô Lê Duẩn muôn năm là bắt chước Đặng Tiểu Bình hô cho Mao khoái để mà Đặng làm ngược lại Mao. À, bây giờ thế này… nên tập trung vào hai vấn đề cơ bản: Phát triển kinh tế như thế nào và thực hành dân chủ trong đảng cũng như ở ngoài xã hội như thế nào. Về kinh tế, phải giải phóng tối đa sức sản xuất đã bị đảng bó tay bó chân, kìm hãm, thậm chí đánh đủ thứ tiêu hao chiến, tiêu diệt chiến với sức sản xuất. Nghĩa là nên làm ăn với thế giới. Còn về dân chủ cũng thế, nên quan niệm vấn đề này rộng ra cả với năm châu thế giới, thôi cấm chợ ngăn sông với thế giới. Tôn trọng người ta chứ không phải cứ thằng nào không xã hội chủ nghĩa thì đả. Liên Xô, Trung Quốc đã nhận ra xu thế hoà hoãn nhưng ta như vẫn muốn duy trì căng thẳng, kiểu đại loạn thì Việt Nam được nhờ vậy. Còn tình hình ta? Linh nói với mình rằng hắn luôn lo có ngày thức dậy thì thấy Sài Gòn đã cắm đầy cờ thằng nào khác mất rồi.
Tôi nói tình hình ngoài Bắc. Tôi nói nhiều…
Khiêm ngồi trước mặt tôi tự nhiên khẽ sụp thấp vai xuống, hai con mắt dại đờ ra, hai lòng đen như xáp lại gần nhau, một bàn tay đặt trên thành ghế từ từ lật ngửa.
– Nguy rồi! – Kêu to lên. Vấn bế xốc Khiêm ra giường, rồi chạy sang hàng xóm gọi nhờ điện thoại. Bảo tôi: Tai biến não.
Rất nhanh xe ba nơi: Ban bảo vệ sức khỏe trung ương ở T79, bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Chợ Rẫy đã đỗ đầy trước cửa nhà Vấn. Tôi ra ngoài hè đứng, buồn và ân hận vô hạn. Thấy đâu như tôi đã góp phần vào tai biến này.
Khiêm vốn huyết áp cao, vừa đi mấy tỉnh về mệt mà tôi lại cứ “quần” anh bằng thông tin. Lát sau Vấn ra hè bảo Trịnh Kim Ảnh muốn gặp tôi.
Đã gần hai chục năm chưa gặp nhau. Lần cuối cùng hình như là sáng hôm hết thuốc lá và trà, tôi bảo Lê Công Tuấn và Côn hỏi cung tôi cho tôi sang bệnh viện E mà Ảnh làm giám đốc đang sơ tán tại huyện Thạch Thất gần sông Tích và chỗ tôi khai cung để hỏi mua hay xin (thuốc lá và trà). Đi bộ chừng bốn năm cây số, có chỗ sông Tích lượn một vòng rất đẹp, tôi đã gặp Ảnh rồi mang hai tút thuốc lá và ba gói trà về. Tuấn và Côn được xài ké trà bệnh viện miền Nam mà Trung Quốc đỡ đầu khá là hảo hạng. Một dạo đã vượt cấp khám bệnh cho tôi ở nhà A1 theo lệnh Sáu Thọ, Ảnh không thể nghĩ tôi đang bị tra hỏi.
Ngày thứ hai sau tai biến, Ngọc Minh, con gái Khiêm bảo chúng tôi là ngay hôm đầu tiên Nguyễn Văn Linh đã đến, ngồi cạnh ông cụ im lặng. Lâu không, tôi hỏi. Dễ thường mười phút. Tôi thầm hỏi ngồi thế Linh nghĩ những gì. Một tuần sau, Khiêm tỉnh lại nhưng không nói được. Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Vấn và tôi ngồi đầy phòng bệnh và Khiêm vui quá. Huỳnh 74, 75 tuổi lăn ngay ra sàn thị phạm (chứng minh sự thật bằng hình ảnh – BT) mấy thế yoga, trồng cây chuối cho Khiêm học.
Phải thấy Huỳnh lẩy bẩy ấp hông vào tường rồi từ từ dựng ngược hai chân khẳng kheo trắng hơn chân đàn bà lên còn miệng thì vừa thở vừa giảng.
Chính lúc đó tôi quyết định nhận lời Huỳnh viết hồi ký cho anh. Từ 1964 anh đã ngỏ ý. Mà tôi thì muốn nghiên cứu những người như anh, như Đặng Kim Giang, Kỳ Vân, Hoàng Minh Chính… toàn những cộng sản cực kỳ mà rồi làm sao lại quay ra “chê cơm” đảng. Tôi có ý viết một tiểu thuyết về những biến hoá ấy.
Thế là sáng đi Chợ Rầy thăm Khiêm, chiều đi khai thác Huỳnh.
Tôi đặc biệt nhớ mấy việc trong các chuyện Huỳnh kể. Như anh đạp xe về quê Sáu Thọ “nã” Sáu Thọ. Thọ ở tù ra đã lâu mà không thấy liên hệ, Sao Đỏ (bí danh của Nguyễn Lương Bằng – BT) ngờ Thọ quên lời vô sản hẹn hò. Trước đó Huỳnh đã xuống Hoà Bình đón tù cộng sản đi quét đường buổi sáng để đưa thư Sao Đỏ gửi Sáu Thọ bảo Sáu Thọ vượt ngục, phong trào đang rất cần người. Huỳnh đã gặp Ngô Minh Loan trong số tù ra quét đường hôm ấy, đưa cho Loan điếu thuốc lá có giấu thư Sao Đỏ nhờ Loan chuyển và hẹn mai sẽ gặp lại Loan. Hôm sau Loan bảo Thọ trả lời: “Vài tháng nữa ra tù, trốn làm đ… gì?” về lô gích thì có thể đúng nhưng về ý thức tổ chức thì quả là chẳng coi ai bằng cái đinh. Mà có ai dám è hẹ Thọ đâu? Trong tù, Thọ không ở cấp uỷ nhưng “hắn đông vây cánh”, theo Huỳnh, một thế mạnh của Thọ. Mà hắn còn nổi tiếng bặm trợn, một thế mạnh trời cho nữa.
Hay như việc trước cuộc họp Tân Trào, Cụ Hồ bảo Huỳnh rằng ta có thể tán thành diễn văn Brazzaville của De Gaulle chủ trương lập Liên hiệp Pháp với các thuộc địa cũ được tự trị. Như việc Cụ và Huỳnh bị Trương Phúc Thành, tham mưu trưởng quân Lư Hán tịch thu xe và giữ anh Hảo tài xế, đòi Cụ nhường ghế chủ tịch nước cho Nguyễn Hải Thần. Hay lại như việc tối 30 Tết độc lập đầu tiên, Cụ cùng Huỳnh lén đi thăm Vũ Hồng Khanh ở phố Hàng Bún rồi bị các ông kiên cường, nhất là Bùi Lâm, kêu Cụ liều mạng. Này, không ngờ, – Huỳnh nói, Khanh cuống quít chạy ra líu cả lưỡi lại “mời Chủ tịch vào nhà”. Ông Cụ bị các tướng đòi phải cứng rắn chứ như Cụ thì mềm. Tàu nó ép phải mở cho Quốc dân đảng vào quốc hội đấy.
Tôi hỏi: Thế là từ ngày độc lập luôn bị thiên hạ ép, ông Cụ thấy được cục diện trên đe dưới búa ấy chứ?
– Chủ tịch nước cuốc bộ từ chỗ Trương Phúc Thành đường Phạm Ngũ Lão về Bắc Bộ Phủ mà lại không thấy hay sao? Cụ bảo: mình phải Câu Tiễn. Ép thế là cùng rồi còn gì?
Một chuyện tôi không ngờ. Khi Trung ương đưa Trần Đăng Ninh sang quân đội, Huỳnh hỏi Cụ: Anh Ninh biết gì quân sự mà Cụ đưa sang anh Giáp? Cụ hỏi lại: Thế không sự chú Giáp thành quần phiệt à? Sau này tăng cường thêm Nguyễn Chí Thanh sang cũng là trong ám ảnh ngăn chặn quân phiệt lấn đảng.
Khốn cho Giáp là tiếng tăm lừng lẫy quá. Mà với đảng thì chính quyền ra từ nòng súng nên ai chĩa nòng súng ra được là đảng phải canh phòng.
Sáng thăm Khiêm, chiều gặp Huỳnh. Cứ thế chừng nửa tháng rồi tôi về Hà Nội. Bắt tay tôi, Khiêm khóc. Tôi cũng khóc. Bình thường như trước kia, anh sẽ lấy hai tay ôm má tôi kéo xuống thơm dài cho hai cái.
Sau đó, tôi lấy xe anh để ở nhà Vấn đạp về nhà anh trả. Yên xe anh hạ chạm khung, tôi ngồi đạp mà hai chân lê trên đường, chỉ khẽ đẩy là xe đi. Khéo có người cho là tôi trốn viện tâm thần… Có lúc tôi lại thoáng sợ, nếu thấy xe đạp của bố và tôi, anh con trai của Khiêm lại ra nhảy tót lên ghế chờ bố thì sao…?
Hai chục năm sau, năm 2004, Ngọc Minh, con gái anh chị Khiêm, mất, tôi đến chia buồn. Hết sức bồi hồi nhìn mãi cái hiên – phòng – khách quen thuộc, cái vòi nước cạnh cổng, dẫy chuồng lợn nay không còn thấy… Anh đã giậm chân ở cạnh chuồng lợn bảo tôi: Đây, Ba Duẩn đứng ở đây, mình thì quần xà lỏn… Chả còn gì. Dửng dưng, kể cả sinh hoạt lại đảng.
Người con trai tâm thần chết đã mấy năm. Tôi bỗng nhớ đến bàn tay run run bật lửa dâng lên điếu thuốc ở miệng đứa con đang cười rất hiền lành.
Ung Văn Khiêm chết đã có nghi lễ, khác ba uỷ viên trung ương cũng bị đuổi khỏi đảng.
Đảng đã đặt một tang chế chặt chẽ cho cán bộ, đảng viên. Từ vụ phó trở lên chết mới được đăngCáo Phó, dưới nhất loạt Tin buồn. Cấp thấp thì Tin buồn là Việt lai Hoa. Cao cấp mới được toàn Hoa. Nên ghi nhớ chuẩn cao thấp ở phương diện ngôn ngữ này.
Trong thời gian cuối đời Ung Văn Khiêm, tôi lờ mờ nhận diện thấy một sức ép. Tàn nhẫn, ác liệt, chẳng nể nả ai, nó bắt tất cả, bất kể quân tử hay tiểu nhân đều phải theo sai khiến của nó. Lúc đó tôi chưa nghĩ ra được tên gọi cho sức ép vĩ đại này. Đến giữa thập kỷ 90 nghĩ ra. Đó làĐại lưu manh. Vâng, thằng Đại lưu manh này là THỜI ĐẠI.
Nó đại lưu manh vì nó không cho phép chống lại nó. Tao đi lên, mày ì ra thì tao nghiền. Đổi mới chính là đảng vĩ đại đã được Thời Đại nó củng cho một cái vào đầu mà giật mình cất chân lên. Thấy chưa đủ đô nó sẽ không chỉ có củng, ừ, nhờ Thời Đại, tiếng ta đã thêm chữ a lê và go là đi, là nào.
Những ngày lờ mờ nhận diện ra Đại lưu manh, tôi khao khát dữ dội một biến đổi. Một tối vừa ở Sài Gòn ra, Vấn, Minh Việt cùng tôi đi dạo. Qua quảng trường trước Ngân hàng, chúng tôi chuyện về Đại hội lần thứ 26 của Đảng cộng sản Liên Xô sắp họp.
Tôi bỗng say sưa: vấn đề mấu chốt nằm ở quan hệ dân và đảng. Liên Xô, Trung Quốc đông hàng chục triệu đảng viên cũng không được phép bất cần tổng tuyển cử tự do toàn dân đầu phiếu mà cứ đứng ra lãnh đạo đất nước. 1957, phái hữu Trung Quốc đã nêu ra vấn đề này, tôi xực và nó đã vào vô thức.
Quảng trường lúc ấy vắng đẹp như một sân khấu lũ loã nước vàng ròng: đèn và hoa muồng vàng vườn hoa Nhà Kèn đổ xuống một ánh sáng hoá lỏng của vàng chảy. Ba chúng tôi trân trọng đi xuyên qua cái sân khấu sử thi vừa mới dựng lên dành cho những đài từ nghe tàm tạm được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét