Chương 42
Ở Sài Gòn, Hồng Linh phải mổ gấp, tôi vào vội. Sáng sau tới Bệnh viện Bình Dân Điện Biên Phủ, thấy Linh lòng thòng dây dợ, ống nhựa quấn đầy người đang co cao chân run rẩy tập đi tại chỗ ở đầu giường. Phẫu thuật sáng qua. Ruột ngắn đi bốn mươi phân. Bệnh nhân xung quanh đều khen bác gái “gan lắm”. Một mình vào mổ (con cái còn đang leo cầu thang lên) bác gái giơ tay chào “tôi đi du lịch đây”, biết bị ung thư mà cứ như không.
Mười ngày sau đã về. Một mình leo mấy tầng cầu thang – đòi thế, tôi đỡ bên không nghe. Mệt thì ngồi xuống chiếu giữa nghỉ. Tôi chợt liên tưởng đến ngày Linh lên chín làm tiểu quỷ liên lạc viên của trung đoàn 98 tiễu phỉ, ngày ngày hãi hùng nghe xung quanh xì xào “bố nó đặc vụ bị khử”, đứa bé con liền tập nuốt nhịn từ đó cho hết đời. Mấy chữ “ung thư” nghe ghê rợn bằng thế nào được chứ? Mà có lẽ nuốt nhiều quá nên nay thành ung thư? Khi tôi về Hà Nội, Linh cõng thằng cháu lên hai ra tận Lăng Ông chờ taxi đưa tôi ra sân bay. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai bà cháu ngồi trên vệ hè. Chỗ vệ hè đó thành di tích lịch sử của cá nhân tôi. Dịp vào Sài Gòn này, tôi đến thăm vợ chồng X. đã hàng chục năm không gặp. Một biệt thự trong cả một dẫy phố toàn biệt thự. Anh béo to hơn nhiều. “Nào, ngồi đi, thích rượu gì? Whisky, Cognac, Vodka, Bordeaux hay rượu thuốc, cái gì cũng có”.
Miệng nói, một tay ngoắc cổ chai rượu thuốc, một tay bưng bát mực tươi xào; chai rượu thuốc đặt xuống rồi lại quay vào bưng ra một bát tú ụ bò nướng.
– Không kiêng, tôi dè dặt hỏi, biết anh bị bệnh.
– Kiêng cái gì?
– Rượu. Tôi nói, nhìn vợ anh ngòi đối diện. Chị vẫn đẹp nhưng mệt mỏi và buồn. Lúc tôi bấm chuông, chị ra. Tôi nhận ra nhưng làm như mắt kém khẽ hỏi: “Thưa, tôi xin hỏi ông X. có ở đây không?
– Anh Trần Đĩnh, tôi ở báo Nhân Dân khi anh đi học nước ngoài mà. Tôi phải xin lỗi cho sự mụ mị diện mạo của tôi.
– Kiêng để làm gì, X chợt lườm chéo tôi, cà khịa.
– Cho khỏe! (tôi chẳng lẽ im).
– Để làm gì? (Đến đây tôi thấy X. thật tình chán đời). Để sống phải không? (Cười nhếch mép) À, thế sống để làm gì? Cậu cho sống là sướng phải không? Thế cậu với thằng Châu anh cậu sống sướng lắm đấy hả?
Chẳng hiểu sao X. lại mở đầu bằng một chuyện tôi không hề nghĩ tới. Có lẽ muốn cho tôi biết là anh cũng nhiều kiến giải độc đáo, không phải kẻ a dua.
– Cậu nhớ năm 1983 báo Nhân Dân các cậu tương lên một bài khoe Việt Nam đã tự túc được lương thực rồi kính cẩn dâng lên Bác rằng từ nay dạ, chúng con xin thưa Bác đất nước chúng ta không còn hai tiếng giáp hạt nữa chứ. Cậu biết sao không? Tớ bảo anh em cắt nghiến ngay đi không phát cái đoạn văn bịp. Cả ông Cụ đếch ngửi được ấy của báo đảng, về khoản bịp, cha này phải sếp sòng – Nhưng anh em phe ta lại sốt sắng nhận bịp, nhất tề gửi điện mừng lây và thông bảo vội rằng với thắng lợi lịch sử to lớn của Việt Nam, chúng tôi từ nay thôi viện trợ lương thực. Ta sợ co vòi, phải thưa thốt lại là sự thật vẫn thiếu ăn
– Thế nhưng đứa viết thì leo lên cao mãi.
– Đảng quý cái biệt tài biến không thành có.
Như để tôi biết không phải nay anh mới tỉnh, X. lại nói:
– Năm 55 nhỉ? Dân Thiên Chúa giáo Ba Làng nổi lên, ta cho một trung đoàn vào đàn áp, cậu ở Trung Quốc không biết. Chủ trì một hội nghị tổng kết sau đó, tướng Giáp nói đây là một vụ phản loạn, tớ bèn giơ tay xin đính chính ngay là không thể gọi là bạo loạn, đây là nhân dân bất bình mà phải lên tiếng. Cậu biết sao không? Giáp tán thành ý kiến tớ, không gọi là bạo loạn nữa. Mình làm bậy dần ức, dân ức thì lại bảo dân bạo loạn, trong khi chính mình bạo lực với dân trước. Giáp không gọi là bạo loạn nhưng đã bằng lòng cho một trung đoàn vào đàn áp.
Đảng cộng sản Pháp xưa được Liên Xô chi tiền thì hùng mạnh nay hết Liên Xô thì hết hơi, X. lại nói. Cậu nhớ dạo Léo Figuere sang kiểm tra xem ta có đúng là cộng sản thật không chứ? À, Nguyễn Thành Lê báo Cứu Quốc đem tên ông ấy đối béng ngay ra thành Phi-gơ. Sợ chữ “ghe” nó tục. Ông ta khẽ hỏi người phiên dịch sao lại là “gơ” thì tay này nói quê hương ông Lê không có âm “ghe!” Cộng sản đi hia Khổng Tử lại được tiếng là chu đáo, thận trọng.
Cụ Hồ viết “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Dạ, không thế đâu ạ. Tớ vì mọi người nhưng Tố Hữu, Hoàng Tùng, Trần Lâm có vì tớ bao giờ không? Phải sửa chứ.
Hình như vớ được tôi, anh biến ngay tôi thành đối tượng cho anh xả. Mà cũng có thể là muốn tỏ ra không kém tôi ở khoản nói năng “phản động”. Lại nói luôn: Có biết mỗi tối bây giờ trước khi ngủ tớ nghĩ đến cái gì ghê nhất không? À, nghĩ xem mai mua cái gì nhậu. Rắc rối cơ mà khoái đấy. Khoái lắm ấy. Cái gì mới nhậu, cái gì lâu rồi, lúc nghĩ lại, nhớ lại là sướng lắm.
Tôi nhảy sang chuyện khác. Hàng chục năm không gặp, chuyện mới chưa biết nói thế nào, tôi gần như vu vơ hỏi X. lâu nay có gặp Z. không?
– Z. nào?… À, vẫn gặp. Hắn vẫn pum nhưng khỏe. Bảo khỏe được là nhờ hút thuốc phiện. Bà vợ sau trẻ hơn những ba chục tuổi cơ mà. Trần Minh Tân nói dạo này hắn lại trích nọc ong cho người bệnh lấy tiền nữa, mỗi lẩn chì cần cho năm con ong chích vào người bệnh năm cái là được năm sáu nghìn đồng, Ong thì sáng sáng ra hàng chè vợt vài chục con, chả phải nuôi.
– Ong thì tớ không biết nhưng nếu thế thật thì cha này đúng là sinh ư nghệ tử ư nghệ. Lúc bí thư tỉnh, được Tố Hữu o bế lắm, tỉnh của Z. chiếm thời lượng tuyên truyền hơn hẳn các tình khác. O bế thì mới chọn cha quản việc buôn thuốc phiện lậu. Và cũng vì thế mà cha nghiện, tử ư nghệ đó. Rồi nếu nay nhờ ong mà sống thì sinh ư nghệ. Ngày xưa tình cha này có phong trào nuôi ong mà. Hoa nhãn đầy ra. – Nhà văn, nhà báo về tỉnh ông ấy khi đi đều được tặng mật ong, long nhãn.
– Tao cũng lấy. Nhiều lần chứ chả phải một hai… Ừ, uống đi mày, chiều đến sướng nhất là uống rượu và đi đón cháu.
Đời biết bao chất liệu tiểu thuyết, tôi nghĩ thầm. Và tiếc. Cựu bí thư tỉnh sáng sáng ra hàng chè vọt ong về cứu chích người để tự cứu thì hay thật. 1971, viết về lũ lụt tôi đã gặp bí thư ở mấp mé bờ nước mênh mang, ông chỉ mấy quả bí đao trên xe nói: Báo cáo nhà báo, ăn dã chiến thế này để còn chống lụt ạ! Trưa tôi đến quán cơm hẹn nấu cho nhà báo thì họ bảo hôm nay nghỉ. Nhưng trong bếp mấy người hí húi mổ hai con gà chắc sống thiến, nằm ụ lên thành đống ở trong một cái sọt tre mắt cáo nông lòng. Thấy tôi tần ngần (ăn đâu?) một cô khẽ bảo tôi: Anh thông cảm, bận chiêu đãi thủ trưởng.
Lại nhớ nhà văn N. K. (không phải Nguyễn Khải) kể con ông Lành sơ tán về Hung Yên được ở hẳn toà nhà xây cho tình uỷ sơ tán, ngày ngày có ba du kích theo dõi máy bay gõ kẻng cõng ba cháu xuống hầm, ba cô săn sóc sinh hoạt cùng ba cô giáo dạy riêng, đúng tam tam chế hết. Ông Nguyễn Lương Bằng một lần đi xe khách thăm con sơ tán về kêu dân đi lại khổ quá thì bị ông Tố Hữu phê bình đi xe khách là không giữ kỷ luật bảo mật. Chất liệu tiểu thuyết cho cả đến chuyện tôi xin X. phiếu mua một tivi Ba Lan Beryl rồi đến lĩnh phiếu (đưa phiếu cho tôi, vợ Trần Lâm, tổng giám đốc Đài phát thanh đã ái ngại hỏi thăm anh Trần Châu ra tù thì ở đâu) lĩnh xong ra cổng Đài phát thanh đã có người mua lại. Anh ta dúi cho tôi ba trăm đồng rồi chở tôi đến nhà một người quen sắp ra tàu nhờ mang ba trăm cứu đói vào đưa giúp cho bố tôi và các em. Ái ngại tôi tay trắng, người mua phiếu ti vi đã chở tôi ra Hàng Giầy đãi một bát sủi cảo quốc doanh rẻ hơn nhà Khựa năm hào một bát. Chưa bao giờ tôi làm một việc gì mà nhẹn như cú sang tay này. Nhờ một người mang tiền vào cho bố thì ông ta hỏi vay luôn năm chục! Có lẽ cái gì ở cái xứ nghèo khổ này cũng có thể viết được thật. Riêng viết buổi tối X. khoái trá nghĩ xem đã nhậu cái gì hôm nay để hôm sau nhậu không bị “giáo điều” cũng đã đủ hay rồi. Tôi ngờ X. đau và hình như cả oán. Và tự hành cái thân cho hả. Nhưng đau và oán làm gì? Dân tộc có số phận của dân tộc – hãy xem nó nằm ở đâu, cạnh những ai ai – cái này lại quyết định số phận mỗi cá thể song quanh quẩn thì cũng trong một khuôn mẫu. Xem nước ta và Triều Tiên. Cùng xã hội chủ nghĩa và cùng đều khỏe vũ đấu. Ngày nào Bắc Triều và Việt Nam cùng tiền đồn xông xáo ra đòn trước. Rồi buôn ma tuý, mê làm bom nguyên tử. Lê Duẩn từng ôm mộng này! Ông lý lẽ: Ta chiến thắng toàn đế quốc lớn thì thừa sức làm bom nguyên tử! Trần Đại Nghĩa bẻ lại ông tại một hội nghị: Thế nhưng Nhật đại bại mà thành cường quốc thứ hai thế giới đấy ạ! Thế nào rồi ta với hai miền Triều Tiên đã có sự tráo đầu đổi đuôi kỳ quái. Nam Hàn – đồng minh với Mỹ, năm 1966 đã đưa hai sư đoàn Mãnh Hổ, Bạch Mã và Lữ đoàn Thanh long Thuỷ quân Lục chiến sang tham chiến ở miền Nam (mà nói cho công bằng cũng không phải chỉ vì tiền như ta từng chửi họ) thì nay là nước đầu tư rất nhiêu vào ta.
Bắc Triều cho phi công sang đánh giúp ta rồi thì bênh Bắc Kinh và Pol Pot; lạnh nhạt với ta. Lạ là ta dám nhờ tiền và công nghệ Nam Hàn nhưng Bắc Triều lại không chịu mở quan hệ làm ăn với đồng bào. Giọt máu đào, kể cả đất đai, vốn dĩ phải chào thua ý hệ nhưng trong quan hệ ta với Nam Hàn, ý hệ lại chào mừng lợi ích kinh tế! Trên đường về lại lấn thẩn nhớ đến Léo Figuere mà lúc nãy X. nhắc đến. Năm 1950, ông sang tìm hiểu Hồ Chí Minh cộng sản thật hay giả. Nhận ra nhau rồi, Cụ Hồ nhờ ông chuyển cho con gái Maurice Thorez, Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp hùng mạnh một sợi dây chuyền vàng nhưng khi ông dọn đồ lề về thì nó đã không cánh mà bay. Chắc vào tay một trong những người cộng sản Việt Nam có vinh dự phục dịch ông. Rồi sau hơn mười năm xác định được tình đồng chí, tên của Thorez đã bị Hữu Thọ đổi sang thành tên chó: “Hoan hô… ô… ô… hai con Tồ Tô (Tô-rê và Tô-gli-a-ti) chết rồi!” ở ngay giữa sân báo đảng, cứ địa Mao-ít rình rịch tiếng chân tiễu phỉ xét lại. Càng nỏ mòm chửi thì càng đỏ danh hiệu chiến sĩ kiên cường. Càng khỏe bôi nhọ kẻ thù càng thắm son lòng yêu nước. Và leo lên… Đặc biệt hôm ở X. về tôi bỗng lên cơn tự xỉ vả. Ôi ta đèo bòng lâu với cộng sản bằng mọi giá. Sao ông Lý Quang Diệu lại né cộng sản bằng mọi giá? Cốt tránh nội chiến mà ông cầm chắc là cộng sản sẽ phát động đề cướp chính quyền, Lý Quang Diệu đã xin cho Singapore rút khỏi Liên bang Malaya. Song nước tí hon cần phải tự vệ giữa trùng dương cộng sản Indonesia, Malaysia, Philipin vây quanh chứ? Thế là xin luôn lính Anh trở lại che chở hộ trong năm năm. Chả ai chửi Singapore hèn. Mà Singapore cũng chả hám cái danh anh hùng thường tình được đo bằng núi xương sông máu. Tôi đã rất lạ mà thầm hỏi cái gì khiến Lý tin người Anh đến thế? Ông học ở Anh nên không có lối nhìn mọi sự theo cặp kính ý hệ chăng? Và càng lạ hơn là dân ông lại không nghi ông tay sai đế quốc! Trong khi mới chỉ ký tạm ước 6 tháng, Cụ Hồ đã phải tuyên bố “Hồ Chí Minh chết thì chết chứ không bán nước!” Vậy là vì Lý và cả nước ông tin đế quốc Mỹ, Anh và sợ cộng sản! Ta trái lại. Ghét Pháp, Mỹ, Anh nhưng tin chết thôi Trung Quốc, Liên Xô, hai tấm gương ta noi theo quên cá mình bởi chỉ mải lo hết lòng trung trinh với họ.
Thử xem hiệu quả của hai lòng tin. Tin đế quốc nhưng Lý đã làm cho mỗi đầu dân thu nhập bình quân 23.000 đô la Mỹ. Singapore, Indonesia, Thái, Malaysia… sáu nước lập ASEAN kết bạn với nhau đề phòng hoạ cộng sản đang thọc tới sát sườn họ. Một dạo họ nhìn ta chính là mũi tiên phong mở đường cho Trung Cộng tiến xuống công phá họ. Còn ta? Chỉ 400 đô la. Một bạn trí thức bảo tôi: “Nga và Đức cũng đã phải chắp tay vái lạy hai cụ tiên tổ của họ hãy cắp nón đi khỏi đất nước. Có lẽ dân Đức và Nga phải học người Việt về lòng chí hiếu đối với Mác-Lênin”. Tôi cãi: “Không phải người Việt mà là một dúm nhỏ người Việt”.
Trên đường ở X. về, ghé nhà Thế Vấn. Theo Vấn, nếu như ta chịu ảnh hưởng văn hoá Anh như Gandhi, Mandela, Nehru, Lý Quang Diệu, Aung San Suu Kyi thì có khi đã đi nẻo ôn hoà. Tôi bảo anh: Đúng! Giá cứ làm bếp mãi ở khách sạn Carlton Luân Đôn, không biết chừng Cụ Hồ cũng lập ra một đảng dân tộc giống như đảng Quốc Đại của Gandhi. Gandhi tốt nghiệp luật sư xong sang Nam Phi làm việc đã lập ra ở đây Đảng Quốc Đại với tên tuổi sáng chói sau này của Nelson Mandela. Trở về nước, Gandhi lại tổ chức Đảng Quốc Đại Ấn Độ và xưa nay nó luôn là một trong vài đảng chủ chốt ở chính trường Ấn Độ. Từ Quốc Đại Gandhi, Mandela lại chợt nhớ tới một lần tôi đùa Văn Cao: Quốc ca uống máu phanh thây ghê quá! Thì Văn Cao thở dài: Tao cũng là inspirer – cảm hứng từ quốc ca Pháp. Cái gì… các luống cầy chúng ta uống máu quân thù – abreuve nossillons đó mày.
Rồi lại nhớ nhằng tới Kết, anh bạn nông dân già người Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, chỉ huy sở của Xứ Nhu. Rồi Hồng Thao, có họ gẫn với Kết đã đem cờ búa liềm cắm vào cứ địa khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng. Kết bèn đặt tên cho bốn đứa con Ninh, Bang, Tô, Viết – vừa là Liên Bang Xô Viết vừa là Lê-ninh. 1951, tôi đã về làm thuế nông nghiệp đầu tiên tại nước ta ở đấy. 1960, ở Bắc Kinh về, tôi trở lại thăm. Kết, một ông già cười như mếu, lào phào nói: “Cải cách ruộng đất bỏ tù đây. Bảo là Quốc Dân Đảng cấy tôi vào phá cộng sản từ xưa cơ”. Tôi chợt nhớ lại thời “trăm hoa đua nở” lừa đời đã đọc các bài báo ở Bắc Kinh Đại học tố cáo việc bố mẹ bị tù đày vì được Tưởng (Giới Thạch) cấy vào phá hoại cộng sản. Rồi nghĩ thầm: Nguyễn Thái Học mà thành công thì có truy tìm cộng sản được cấy lại để phá hoại ông không? Nhưng hỏi Kết:
– Thế sao không khai tên các con là Liên Bang Tô Viết ra chứ, khổ?
Kết càng như mếu:
– Nó đấm tôi một cái, chửi: Sư mày, trò bịp cách mạng ấy mày lại còn mang ra bịp bố cải cách của mày nữa ư? Ông lạ gì, họ nhìn chúng ta đều là gian, là xấu, là bịp cả.
Thêm một chút về Hồng Thao. Anh là một trong những “xét lại” hăng hái ở báo đảng. Nhưng rồi anh “chuyển” tức là im lặng không phản đối nghị quyết 9, tuy anh đã bị đưa đi cơ quan khác. Sau này anh thanh minh với tôi:
– Tớ nghe thằng Lê Toàn Thư, trung ương uỷ viên, bạn cùng học ở Hà Nội, cùng trọ một nhà. Nó vạch ra cái hay của Mao và thuyết phục tớ nên giữ ý thức kỷ luật. Tớ với nó học ở Hà Nội, cùng trọ với nhau ở phố Hà Trung, cùng hoạt động.
Sau này Đào Phan bảo tôi Lê Toàn Thư nói, “Tớ ở trong trung ương nhưng có biết gì đâu, nghe mấy ông kễnh cả”.
***
Ở Sài Gòn, tôi rất buồn được tin Hoàng Thế Dũng đột tử. Vợ con anh nhờ tôi viết điếu văn nhưng bụng dạ tôi nào có yên trước bệnh tình của Hồng Linh nên tôi xin cảm ơn và kiếu. Báo Quân đội Nhân dân (Dũng là phó tổng biên tập thời Văn Doãn là Tổng Biên tập) sau mấy chục năm mời anh dự lễ kỷ niệm thành lập báo. Anh đến. Lên nói và chết, chết đứng Từ Hải tại giữa triều đình. Dũng chết, tôi mới thấy hết chất quyết liệt ở sau nét hiền hoà nhường nhịn hàng ngày của anh. Một nhà văn nói: Cái chết của bất cứ ai cũng là một giấc mơ bỏ dở. Dũng vẫn mơ thứ cộng sản mang mặt người. Lúc đầu tôi tranh luận với anh, có khi rất căng, sau thôi. Thì tôi chả cũng có lúc tin như anh đấy thôi, vả chăng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung, – gầm trời ai mà không trong mộng? Nguyễn Du nói đó. Ít nhất con người còn có lưng vốn này để bình đẳng với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét