Mua sắm tại siêu thị và trực tuyến được nhiều người ưa chuộng, song không khiến các cửa hàng tạp hóa vắng khách nhờ sự tiện lợi và khả năng cạnh tranh về giá của mô hình này.
.
Đầu tư hơn 600 triệu đồng để mở một cửa hàng tạp hóa gần khu dân cư, sau gần 2 năm anh Hùng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã thu hồi lại vốn. Anh cho biết, trước khi kinh doanh, không ít người nói anh mạo hiểm vì khó cạnh tranh với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn cách đó không xa. Song, với kinh nghiệm có được khi làm tại một công ty phân phối thực phẩm trước đó, cùng địa điểm thuê nằm ngay khu dân cư nhộn nhịp anh tin tưởng cửa hàng sẽ có lợi thế riêng.
Anh Hùng cho biết, kinh doanh cửa hàng tạp hóa thuận lợi nhất chính là vốn bỏ ra không tỷ lệ thuận với số lượng hàng hóa. "Chỉ cần bỏ vốn 30% để thuê mặt bằng, đầu tư trang thiết bị, giá kệ, bảng quảng cáo... Riêng hàng hóa, phần lớn đều được các đơn vị phân phối ký gửi, nên cứ bán được sản phẩm là có tiền để trả gốc", anh nói.
Với diện tích chưa đầy 50m2, bán hơn 1.000 mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, sau 5 năm kinh doanh, đến nay cửa hàng của anh Hùng vẫn duy trì lượng khách hàng ổn định, cho doanh thu trên dưới 10 triệu đồng mỗi ngày.
Cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ vẫn là kênh mua sắm thực phẩm và hàng tạp hóa chủ yếu tại Việt Nam. Ảnh: Phương Nga
Sống tại khu vực dân cư có nhiều người nước ngoài châu Á, chị Hương (Trung Hòa, Nhân Chính) cũng mở hàng tạp hóa hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng này. Chị cho biết người Hàn Quốc và Trung Quốc luôn có thói quen sử dụng đúng sản phẩm của nước họ sản xuất, nhất là thực phẩm và nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Do vậy, 70% hàng hóa tại cửa hàng được nhập khẩu từ các nước này. Số còn lại là hàng Việt Nam.
Chủ cửa hàng chia sẻ, do sử dụng mặt bằng sẵn có nên cửa tiệm khá hạn chế về diện tích. Song, với việc đa dạng về hàng hóa, giá bán hợp lý cạnh tranh so với các siêu thị lớn, lấy lãi nhỏ của số nhiều, do vậy, doanh thu hàng tháng cũng khá ổn.
Cửa hàng của anh Hùng, chị Hương chỉ là một trong rất nhiều điểm kinh doanh tạp hóa trên cả nước hiện nay. Tuy quy mô nhỏ, song nhờ đáp ứng được thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân nên mô hình kinh doanh này vẫn có đất sống.
Theo Bộ Công Thương, đến giữa năm 2014 cả nước có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, hơn 400 cửa hàng tiện ích, nhưng có tới gần một triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình nhà mặt phố đang kinh doanh ổn định. Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có từ 1.200 đến 1.300 siêu thị, 337 trung tâm thương mại và mua sắm. Lúc đó các cửa hàng tạp hóa, tiện lợi mới thực sự đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt.
Báo cáo của Nielsen về tương lai của cửa hàng tạp hóa được khảo sát ở 60 quốc gia về tác động của kênh mua sắm tại siêu thị và online đến thị trường bán lẻ vừa được công bố. Theo đó, trong năm 2014, có hai phần ba (khoảng 34%) người tiêu dùng Việt Nam mua sắm thường xuyên tại các siêu thị lớn. Song, có tới 22% lựa chọn thực phẩm và hàng tạp hóa tại cửa hàng tiện ích.
"Điều này chứng tỏ cửa hàng tiện ích là một kênh mua sắm khác cho thực phẩm và hàng tạp hóa. Xu hướng này đang phát triển mạnh", báo cáo cho hay.
Ông Kaushal Upadhyay, Giám đốc điều hành dịch vụ khách hàng Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc châu Á và Thái Bình Dương nhận định siêu thị lớn luôn là kênh mua sắm chủ đạo tại các nước đang phát triển ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, các cửa hàng tiện ích nhỏ hơn cũng đang dần chiếm ưu thế đáng kể về thị phần.
"Có nghĩa là nhà sản xuất cũng phải xem xét đến việc phân phối hàng hóa dựa trên sự kết hợp hài hòa cả hai kênh. Hiểu nơi nào người tiêu dùng mua sắm và loại hàng nào họ lựa chọn sẽ là chiến lược để phân phối thị trường, theo thị trường", vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan nghiên cứu thị trường này cũng cho rằng mua sắm trực tuyến đang là hướng đi mà các nhà bán lẻ không thể bỏ qua, trong đó, tích hợp kỹ thuật số vào kinh nghiệm mua sắm cho khách hàng là điều mà hầu hết các đơn vị kinh doanh đều đã áp dụng. Tuy nhiên, người mua trực tuyến chỉ sử dụng cho một vài danh mục hàng hóa và phần lớn là sản phẩm chăm sóc cá nhân.
"Thích mua tại các cửa hàng tạp hóa đã ăn sâu vào thói quen tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 32% người Việt Nam thích mua sắm tại cửa hàng tiện ích, so với toàn cầu tỷ lệ này là 22%", báo cáo nêu rõ.
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ vẫn có sức sống riêng bởi sự hiện diện gắn chặt với thói quen mua nhanh, bán nhanh, di chuyển quãng đường ngắn của cư dân. “Không phải ai cũng thích mua sắm tại siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Đây là mô hình hiện đại và mang tính giải trí, đi chơi nhiều hơn”, ông Phú nói.
Cũng theo vị này, trong nhiều cách để cạnh tranh với mua sắm hiện đại, hiện cửa hàng chuyên doanh một số mặt hàng đang được nhiều cá nhân áp dụng như: chuyên bán rau quả sạch, đồ bách hóa, quần áo… Song, cũng không ít cửa hàng tiện ích vẫn cho doanh thu khá với lượng khách hàng ổn định một phần nhờ dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng hàng hóa đảm bảo cũng như chính sách giá cạnh tranh.
“80% yếu tố quyết định đến tương lai của cửa hàng nhỏ là từ bản thân người chủ. Họ biết vận dụng quy luật cạnh tranh để phát triển thương hiệu, chuyên nghiệp trong dịch vụ và luôn xem khách hàng là thượng đế thì chắc chắn cửa hàng sẽ giữ chân được người mua suốt thời gian dài”, ông Phú cho hay.
Thành Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét