Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Nông dân chế thuốc sâu uống được, Tiến sĩ ở đâu?

- Mới học hết lớp 3 nhưng nhờ việc dày công mày mò, tìm hiểu người nông dân Lê Văn Đáo, đội 4 xóm Hùng Bạch, thôn Hương Quất (Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên) đã chế được thuốc trừ sâu từ thảo dược có thể uống được và không độc hại cho con người.

Nông dân học hết lớp 3, chế thuốc sâu sinh học
Chia sẻ với PV Báo Đất Việt, ông Lê Văn Đáo cho biết, ông đã có kinh nghiệm về thuốc nam nhờ cuốn sổ nhỏ của một bà lão được ông giúp đỡ trong trận chiến bảo vệ vùng biên ở bản Chắt (Lạng Sơn).
Cuốn sổ được viết bằng chữ Hán đã mủn vụn như cám, chỉ đọc được vài trang ở phần chữa sâu răng, nấm, xoang... Nhưng đến ngày xuất ngũ trở về, tự mày mò, thử nghiệm ông đã chế được thuốc chữa bệnh cho người, với suy nghĩ "cái cây cũng như con người nếu người khỏi bệnh được thì cây cối cũng khỏi bệnh được", ông đã thử nghiệm trên chính ruộng lúa của mình, và kết quả là những bình thuốc sâu sinh học hoàn toàn bằng thảo dược đã được ra đời.
Ông Lê Văn Đáo chia sẻ về thành phần của loại thuốc trừ sâu gồm những thứ như ấu tầu, hạt cau già, ớt, tỏi tía, gừng ta… cùng một số thành phần khác ngâm với cồn hoặc rượu 50 độ trong 6 tháng, 7 lít khi ấy chắt được 5 lít thuốc sâu có thể đủ bơm cho một mẫu ruộng.
Ông Lê Văn Đáo (Khoái Châu, Hưng Yên) bên bình thuốc trừ sâu tự chế có thể uống được
Ông Lê Văn Đáo (Khoái Châu, Hưng Yên) bên bình thuốc trừ sâu tự chế có thể uống được
"Các thứ nguyên liệu trên thứ xin được, thứ mua rẻ nên tổng chi phí chỉ hết chừng 250.000 đồng cộng một ngày công chế biến. Nếu đánh nồng độ nặng, phun cuối ruộng đầu ruộng sâu đã rơi xuống nước, đánh nồng độ bình thường qua đêm mới thấy sâu chết. Sâu rơi xuống nước không bị hoang phí mà làm mồi luôn cho mô hình lúa cá của gia đình", ông Đáo nói.

Ngày 18/2, ông Ngô Xuân Thái - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết, trong cuộc làm việc với ông Lê Văn Đáo, đại diện Trung tâm khảo nghiệm thực vật, Chi cục bảo vệ thực vật đã lấy mẫu thuốc trừ sâu của ông Đáo về thử nghiệm.

"Muốn đưa vào sử dụng phải có danh mục đăng ký, muốn có danh mục đăng ký phải thử nghiệm cho đến khi Bộ Nông nghiệp cho phép được sử dụng mới sử dụng", ông Thái nói.
Trường hợp ông Lê Văn Đáo không phải là trường hợp nông dân đầu tiên với những sáng chế, phát minh có tính ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Như trường hợp anh Trần Thanh Tuấn, ở ấp Trung Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang đã nghiên cứu sáng chế thành công máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa bằng remote.
Máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa do anh Tuấn chế tạo có ưu điểm gọn nhẹ, trọng lượng khoảng 130kg, di chuyển bằng bánh xích, bình chứa thuốc 120 lít, cần phun xa ở bán kính 10m. Khi máy di chuyển không đạp trên lúa, không bị lún trên đất bùn nhão, đặc biệt đạt công suất phun rất cao 10ha/ngày, tương đương với sáu lao động phun xịt thủ công, phù hợp với những cánh đồng lớn.
Hay trường hợp anh Đặng Thanh Lâm năm 2008, lần đầu tiên anh chế tạo thành công chiếc cối giã gạo bằng điện. Năm 2010, anh cho ra đời chiếc máy cẩu quay 360 độ (sử dụng động cơ D6 và dây cáp tời) dùng cho đào đắp đất.
Năm 2011 anh Lâm chế tạo chiếc xe xúc lật gắn ben 180 độ được giới thầu xây dựng đánh giá tốt về công năng lẫn hình thức.
Tiến sĩ giấy "nổ rôm rốp"
Dư luận đặt câu hỏi là số lượng lớn Giáo sư, Tiến sỹ của chúng ta đã đi đâu, làm gì khi những phát minh mang tính ứng dụng cao đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp rất nhiều là do nông dân tự mày mò, sáng chế.
Độc giả Việt Dũng:
Độc giả Việt Dũng: "Nhà nước nên xem lại cơ chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ta có đúng chất lượng hay không"
Trước thông tin người nông dân Lê Văn Đáo chế thành công thuốc sâu từ thảo dược, độc giả Trần Kiệt nêu quan điểm, người làm thì ít Tiến sĩ giấy nổ rôm rốp thì nhiều rồi cũng có khi cán bộ Khoa hoc công nghệ kém cỏi nên khi có người sáng chế ra cái này cái nọ, hay dở thì mù tịt và chỉ ngổi đó để tìm cách hưởng lương nhà nước mà thôi.
"Làm việt theo kiểu bàn trớt, người sáng chế không được hậu thuẫn, khích lệ cho nên người tài giỏi ngán ngẩm không làm", độc giả Kiệt nói.
"Toàn Giáo sư, Tiến sĩ trình độ rất cao mà lại thua một người nông dân không có bằng cấp. Vậy nhà nước nên xem lại cơ chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ta có đúng chất lượng hay không. Hay là chỉ có tiếng mà thực chất các tấm bằng đó chỉ có hư danh, không có kiến thức thật sự?", độc giả Việt Dũng đặt câu hỏi
Gần như can ngăn, độc giả Nguyễn Tuân cho hay: "Đừng nghe mấy ông công chức nói, lại bắt các bác nông dân báo cáo khoa học trước hội đồng toàn Giáo sư rởm, để họ hỏi về cơ sở khoa hoc, tính mới của đề tài, cơ chế tác động của thuốc đối với các loài sâu thuộc bộ nọ họ kia, tính chất hóa lý của thuốc, thời gian phân hủy.... Thật khó cho các bác nông dân khi đối diện với toàn Giáo sư chưa làm bao giờ mà chỉ đọc sách".
Độc giả Tri Thức đề xuất: "Theo tôi những luận án tiến sỹ trên 10 năm mà không đưa ra áp dụng thì nên tuyên hủy kẻo chất vào ngăn kéo bị đầy. Cần thiết đưa ra công khai rao bán cho nhân dân mua để... trang trí! Đến cái máy gặt đập liên hợp cũng do nông dân chế tạo thì tiến sỹ làm gì đây?"
Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét