Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Liên tiếp bóng trách nhiệm lăn giữa các Bộ, ngành

 - Các Bộ, ngành hiện nay vẫn đang phải "đá bóng" trách nhiệm trước việc quản lý chất độc gây ung thư salbutamol và điều hành giá xăng dầu.

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố sơ kết 3 tháng cao điểm về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra vào đầu tháng 3/2016 tại Bộ NN&PTNT, Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát môi trường thông tin, trong 2 năm 2014 và 2015, qua kiểm tra cho thấy, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu salbutamol cho 20 doanh nghiệp.
Trong đó, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng 9.100kg. Kiểm tra kho hàng của các công ty nhập khẩu cho thấy, chỉ còn khoảng 3 tấn, như vậy 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10kg.
Bộ Y tế cũng vừa có văn bản phản hồi cho rằng, thông tin chỉ có 10kg salbutamol trong tổng số 9.100kg nhập về sử dụng đúng mục đích là không chính xác.
Lý giải thêm, đại diện Bộ Y tế cho hay, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol làm thuốc thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010. Salbutamol sẽ được xem xét nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp.
Lien tiep bong trach nhiem lan giua cac Bo, nganh
Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý chất tạo nạc
Trong khi đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngày 4/9/2014, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có salbutamol.
“Thông tư này Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ NN&PTNT khi ban hành để phối hợp quản lý”, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định.
Có thể thấy, việc cấp phép nhập khẩu và hậu kiểm các doanh nghiệp nhập khẩu hoạt chất gây độc salbutamol không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành mà chủ yếu là Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế còn quá lỏng lẻo.
Hậu quả của sự tréo nghoe (một bên cấm sử dụng trong chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho người, một bên cho nhập để làm thuốc chữa bệnh cho người) là thời gian qua, hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam đã ăn thịt lợn có chất cấm gây ung thư.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, liên tiếp những sự vụ vì sự chồng chéo quản lý giữa các Bộ ngành mà người dân phải chịu thua thiệt. Cách đây không lâu, Bộ Tài chính và Bộ Công thương, hai bộ được giao trách nhiệm giám sát, quản lý giá xăng, dầu cũng đã “đá bóng” trách nhiệm, trước việc tính thuế để doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn.
Theo nội dung gửi báo chí của Bộ Công thương, ngày 14/3, cơ quan này chỉ rõ, tại Điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định rõ Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)”, văn bản gửi báo chí của Bộ Công thương khẳng định.
Thế nhưng, trong cuộc trả lời bản tin Tài chính kinh doanh, ngày 21/3, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã phát biểu: "Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định".
Rút kinh nghiệm
Trong khi, các Bộ vẫn đang loay hoay với bài toán "đá bóng" trách nhiệm, bên hành lang Quốc hội, ngày 25/3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, bức xúc trước việc nhiều tấn hoạt chất salbutamol nhập khẩu đã tuồn ra thị trường, sử dụng trái phép trong chăn nuôi, không Bộ nào chịu trách nhiệm.
Ông Tiên nêu rõ: "Khó thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngành y tế trong việc cho nhập khẩu hàng chục tấn chất độc hại gây ung thư nói trên, bởi trong lĩnh vực y tế hiện nay thì salbutamol chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt, tức chưa bị cấm nên họ có quyền nhập.
Còn với Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2014, Bộ này mới có quy định cấm salbutamol trong chăn nuôi. Cần nói rõ là chất salbutamol chỉ cấm dùng trong chăn nuôi chứ không cấm dùng trong y tế. Chính kẽ hở đó khiến trong thời gian này, salbutamol vẫn được nhập khẩu, đưa ra thị trường.
Tôi cho rằng, trong kẽ hở này, Chính phủ phải chịu trách nhiệm chính bởi muốn bịt kẽ hở thì khi phát hiện ra nó, Chính phủ phải có vai trò điều tiết, chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, không thể để các ngành đùn đẩy cho nhau.
Ngay từ khâu tổ chức xây dựng, đưa ra danh mục các chất cấm thì phải có sự tham gia đầy đủ của các bộ, ngành liên quan. Đó là vấn đề chúng ta phải rút kinh nghiệm".
Sơn Ca (Tổng hợp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét