Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đưa ra đề nghị với bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk: “Bà con góp bò vào Vinamilk có được không, như là một cổ đông nhưng bằng con giống chứ không phải tiền?”.
Bí thư Đinh La Thăng: "Nông dân thành cổ đông Vinamilk, được không?"
Cuộc đối thoại để tìm đầu ra cho đàn bò sữa của nông dân giữa ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM và bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk diễn ra chiều 1/3 hết sức thú vị.
Báo cáo trước Bí thư Đinh La Thăng, bà Mai Kiều Liên cho biết: "Năm ngoái, Vinamilk mua sữa bò của bà con nông dân thay thế nhập khẩu là 131 triệu USD. Tăng trưởng sữa của bà con nông dân nhiều năm nay là 2 con số. Con số đó thể hiện sự gắn bó giữa doanh nghiệp và bà con nông dân.
Mọi người cứ nói tại sao Vinamilk mua giá cao. TPP vào, giá sữa bình quân 8.000 - 9.000 đồng/lít, chúng tôi mua 13.000 - 14.000 đồng/lít là cao đến 40% so với giá thế giới. Chúng tôi cũng thông báo với bà con nông dân là từ đây đến 3 năm sau, chúng ta giảm giá thành xuống nếu muốn cạnh tranh được.
Nếu bà con nông dân vẫn manh mún và nhỏ lẻ như thế này thì rất là khó. Chúng tôi đã bàn với hội nông dân cả nước chứ không riêng TPHCM là trong vòng 3 năm tới, Vinamilk sẽ làm gì, cùng bà con như thế nào để giảm giá để đến khi thuế suất bằng 0 thì chúng ta trụ được.
Chúng tôi tin rằng ngành sữa Việt Nam hội nhập, cạnh tranh được. Chúng tôi đứng được".
Bí thư Đinh La Thăng hỏi: Bằng cách nào giúp bà con nông dân kéo được giá thành xuống?
Bà Mai Kiều Liên cho hay: Vinamilk hiện ký trực tiếp với gần 8.000 hộ nông dân trên toàn quốc. Chúng tôi đã khảo sát trong từng hộ là con bò nào giống đã quá cũ, năng suất quá thấp thì yêu cầu họ thay đàn hoặc là lấy con giống do Vinamilk cung cấp hoặc là họ tự kiếm nguồn giống nhưng năng suất phải đạt ít nhất 20 lít/con/ngày trở lên, chứ còn 12 – 15 lít/con/ngày thì không thể nào cạnh tranh được.
Đàn bò của Vinamilk hiện nay cho 28 lít sữa/con/ngày. Năng suất này bằng thế giới. Sản lượng tại New Zealand cũng chỉ 30 lít/ngày. Khuyến khích bà con nâng đàn, hoặc nhiều hộ ở gần kết hợp cùng nhau, làm sao để người nông dân có thể thay vì 5 con/hộ thì ít nhất phải là 20 con.
Vấn đề lớn nhất trong chăn nuôi là giá thức ăn. Giá thức ăn hiện quá cao so với mặt bằng chung. Năm nay, chúng tôi ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn gia súc phối theo công thức của Vinamilk và chúng tôi giao cho bà con nông dân. Bà con không phải trả tiền mà trả bằng sữa. Như vậy, giá cám giảm 600-700 đồng/kg cũng tác động rất lớn trong việc giảm giá thành cho bà con nông dân.
Để giảm giá thành thì quy mô phải tăng, con giống năng suất cao và giá thức ăn gia súc phải hợp lý".
Tiếp lời bà Liên, Bí thư Đinh La Thăng hỏi: "Bà con góp bò, Vinamilk có để cho họ là cổ đông, thay vì góp tiền thì góp bằng con giống, con bò?"
Bà Mai Kiều Liên: "Ý anh là muốn chuyển tất cả nông dân đó thành cổ đông?
Báo cáo anh, khi Vinamilk cổ phần hóa năm 2003, thực hiện Nghị quyết Trung ương VIII là cho nông dân tham gia cổ phần Vinamilk. Chúng tôi thực hiện rất là đúng Nghị quyết. Lúc đó nông dân được mua ưu đãi 30% của mệnh giá là 7.000 đồng trong khi cán bộ công nhân viên mua 10.000 đồng. Mọi người không có tiền, Vinamilk đứng ra liên hệ với các ngân hàng để cho vay và Vinamilk bảo lãnh.
Mọi người tham gia rất đông đủ nhưng sau đó được giá mọi người bán hết. Đến bây giờ, thật sự hỏi ra bà con nông dân nào là cổ đông của Vinamilk thì hầu như không còn.
Nếu anh nói muốn trở thành cổ đông trở lại thì đó là một ý tưởng hay nhưng vấn đề mình lại phải xem đàn bò có đạt tiêu chuẩn hay không để họ góp bò vào. Nếu họ có đàn chỉ từ 2-5 con, năng suất 12 lít/con/ngày thì trở thành cổ đông rất khó vì khi đã thành cổ đông, góp vốn thì vốn đó cần phải được thẩm định. Không phải 1 mình mình mà có 49% cổ phần của Nhà nước rồi của nước ngoài. Làm cái gì cũng công khai, minh bạch, chứng minh cho được có lợi cho công ty thì mới được chấp nhận. Vốn góp như thế chúng tôi không thể cạnh tranh được với thế giới".
Bí thư Đinh La Thăng: "Đúng rồi, phải theo thị trường".
Bà Mai Kiều Liên: "Nếu nông dân thời đó, các anh chị mà giữ cổ phần trong Vinamilk thì bây giờ khỏi cần nuôi bò cũng khỏe rồi".
Bí thư Đinh La Thăng: "Bây giờ là hết cơ hội rồi. Giá như hồi đó ta không lấy vợ thì bây giờ mới lấy thì hay biết mấy. Lấy sớm quá, bây giờ vợ già. Đúng là không thể giá như được…". (Cả hội trường cùng cười khi nghe Bí thư pha trò - PV).
Bí thư Đinh La Thăng:
"Khi tôi đặt vấn đề tiêu thụ sữa bò của bà con Củ Chi, không phải là tiêu thụ sữa mấy con bò ở Củ Chi mà chính là nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng nhu cầu của nhà máy sữa Vinamilk như thế nào và làm như thế nào để nông dân Việt Nam có thể cung cấp nguyên liệu cho đầu vào của nhà máy sữa Vinamilk. Đấy mới là vấn đề lớn. Còn tiêu thụ một vài triệu lít sữa hay mấy chục triệu lít sữa trong 1 năm thì đối với Vinamilk là chuyện nhỏ.
Nhưng vấn đề chị Liên nói là ở năng lực cạnh tranh, giá thành cạnh tranh phụ thuộc giá thành sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Giá thành sản phẩm do năng suất. Năng suất là do giống. Giống tốt thì mới có sữa tốt được. Tôi nghe nói, giống bò của Israel là 60 lít sữa/con/ngày, New Zealand thì 30-40 lít sữa/con/ngày. Họ đạt năng suất 60 lít/ngày thì dù chị Liên có tinh thần Đảng viên, lòng yêu nước cực kỳ lớn đi nữa cũng không thể mua bò có năng suất sữa 12-15 lít/con/ngày. Vấn đề ở chỗ là mình phải làm như thế nào.
Tôi đề nghị Đảng ủy khối cho tổ chức học tập mô hình của Vinamilk và nhân rộng. TPHCM là thành phố năng động, nếu mô hình của Vinamilk thành công thì giúp cho cơ chế của cả nước. Khó nhưng tôi tin là làm được vì Củ Chi và các huyện của TPHCM có điều kiện để làm".
Bà Mai Kiều Liên: "Nuôi bò phải có đất anh ạ!"
Bí thư Đinh La Thăng: "Đấy! Đất ở Củ Chi rất rộng. Tôi thấy còn rộng mênh mông, để hoang hóa chứ có làm gì đâu. Thuận lợi nhất là gần nhà máy Vinamilk, gần nơi tiêu thụ. Gần chị Liên, một người chủ doanh nghiệp yêu nước, yêu dân như thế này thì tốt quá! (Cả hội trường cùng cười – PV).
Tôi rất cảm ơn chị Liên khi tôi gọi điện cho chị, chị làm việc với huyện ngay. Vấn đề tôi muốn giải quyết vì sao người dân không tiêu thụ được sữa. Lãnh đạo huyện bảo do nhà máy không mua. Tôi hỏi nguyên nhân là cái gì. Chỉ có 12-15 lít sữa/con/ngày thì làm sao giá thành cạnh tranh được. Rồi chất lượng, môi trường sống, đầu vào trôi nổi như thế làm sao chất lượng lượng sữa tốt được. Rất mong chị Liên quan tâm vấn đề này.
Đây không phải những vấn đề nông dân cụ thể ở huyện Củ Chi hay huyện nào mà đây là giúp cho Đảng, Nhà nước mình một cơ chế để người nông dân sản xuất lớn, mới phát triển bền vững và môi trường mới tốt được".
Bí thư Đinh La Thăng kể:
"Hôm trước anh trưởng ban dân vận huyện ủy Củ Chi nói, bây giờ làm công tác dân vận khó lắm. Tôi bảo, anh cứ bán hết sữa cho bà con nông dân thì người ta tin ngay. Bán hết sữa, tiêu thụ nông sản cho người ta thì anh nói gì người ta cũng nghe. Nếu mà tiêu thụ hết sản phẩm cho người ta, anh giới thiệu cho người ta cái nguồn nguyên liệu tốt, giới thiệu giống bò tốt không phải 1 ngày chỉ cho 15-20 lít mà 40 lít xem người ta có theo không?".
Theo Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét