- Trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%.
Đó là một trong những thông tin tại buổi tọa đàm “Năng suất lao động – Vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động” do Báo Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội.
Cụ thể, báo VOV đưa tin, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định: “NSLĐ của Việt Nam quá thấp – không phải thấp bình thường nữa. Đây là điều mà mỗi công dân Việt Nam tự thấy đáng hổ thẹn. Hổ thẹn ở chỗ chúng ta cùng đứng trong vòng trời đất này, cùng làm ăn sinh sống như nhau.
Thế nhưng bên cạnh chúng ta, họ lại vươn lên, có mức NSLĐ khác hẳn chúng ta. Chúng ta không cần che giấu và ai cũng biết rằng đây là điều thấp kém của ta”.
Ông Vũ Quang Thọ thừa nhận, nguyên nhân có nhiều và trách nhiệm thuộc về cả Nhà nước, chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn. Nhà nước chưa tạo ra được nguồn, chất lượng, ngành nghề đào tạo, nhất là trong các trường dạy nghề, đại học, cao đẳng.
Hơn 50 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động
|
Cũng đưa ra nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam – Bộ KH&CN cho biết, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.
Đây là dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu duy trì NSLĐ này thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ. Nhưng nếu tăng gấp đôi NSLĐ thì con số này hạ xuống 13 - 14 năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là cần có xúc tác, cần có tinh thần đoàn kết. Điều quan trọng là cần tăng cường vốn cho người lao động”.
Cần cởi bỏ quan niệm ý kiến của lãnh đạo là trên hết. Nhiều người lao động rất tâm huyết, đóng góp ý tưởng nhưng vẫn không được tiếp thu, không được ghi nhận, thậm chí người giỏi còn bị ghen ghét".
Từng bàn về vấn đề này, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên nhân là do chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mới, NSLĐ thể hiện năng lực cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đăng Doanh cũng cho rằng, NSLĐ của Việt Nam thấp trước hết là vì tay nghề kém, cùng với đó là trang thiết bị lạc hậu, khoa học công nghệ kém và doanh nghiệp thì đầu tư quá nhiều vào việc khai thác tài nguyên chứ không đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ.
"Và có một điều đương nhiên đối với đội ngũ công chức viên chức quá đông nhưng hiệu quả giải quyết công việc, các dịch vụ công kém thì bộ máy trì trệ kéo theo năng suất thấp", ông Doanh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội), lại cho rằng: cơ cấu lao động hiện nay chuyển dịch rất chậm chạp, lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến NSLĐ chung của Việt Nam thấp và nguy cơ tụt hậu tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực.
"Nhìn từ góc độ khác, NSLĐ thấp chính là hệ quả của nền kinh tế quy mô nhỏ lẻ", TS Ngọc khẳng định.
Sơn Ca (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét