Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Những 'gã nhà giàu' rủng rỉnh tiền bạc

Trong khi hàng ngàn doanh nghiệp trong nền kinh tế chật vật để tồn tại, vẫn có đó những công ty ngay cả trong thời điểm khó khăn, tiếp tục ăn nên làm ra. Hơn thế, với một trăm đồng vốn, họ làm ra một trăm mười đồng lãi ròng mỗi năm. Họ là ai và vì sao họ làm được thế?
Những “kẻ” giàu tiền
Kể từ khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF-Hose) chưa bao giờ tăng vốn điều lệ, vẫn vỏn vẹn 266 tỉ đồng, nhưng tiền và các khoản tương đương tiền (thường là tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng để hưởng lãi) đến cuối năm ngoái, theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2015, lên tới 1.425 tỉ đồng. Mô hình của Vinacafe Biên Hòa có gì đó mang hơi hướng công ty của Warren Buffett, không nâng vốn, lợi nhuận cứ tích lũy lại, dồn năm này qua năm khác. VCF cũng không trả cổ tức tiền mặt cao hàng năm, chỉ đều đặn 1.200 đồng/cổ phiếu tức 12%/năm trên mệnh giá.
VCF giữ tiền nhiều làm gì? Để chủ động kinh doanh, để không phải vay mượn ngân hàng, đương nhiên rồi. Tham vọng của VCF có lẽ không dừng lại ở đấy. Rất có thể họ tập trung khả năng tài chính để chờ đợi cơ hội. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam còn rộng mở, kênh phân phối chưa phủ sóng đến tận vùng sâu vùng xa và VCF không phải là một doanh nghiệp ngại “chiến đấu” để chiếm lĩnh thêm thị phần. Một trong những phương thức để “bành trướng” thị phần là M&A. Nếu một ngày đẹp trời, người ta thấy VCF tham gia M&A chắc không có gì lạ!
nhà giàu, doanh nghiệp, tiền bạc rủng rỉnh, cổ phiếu
Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa có vốn điều lệ 266 tỉ đồng, nhưng tiền và các khoản tương đương tiền là 1.425 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (CTD-Hose) là một “gã nhà giàu” rủng rỉnh tiền bạc. Báo cáo tài chính quí 4 năm ngoái chỉ ra đến cuối năm Cotec có 1.441 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cộng thêm 1.316 tỉ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, 1.316 tỉ đồng kia là tiền gửi ngân hàng từ ba tháng trở lên, còn các khoản tương đương tiền là tiền gửi ngân hàng dưới ba tháng. CTD là doanh nghiệp xây dựng, phải tham gia đấu thầu các công trình và khả năng tài chính dồi dào là điểm cộng. Trên thực tế, tiền nhiều chỉ mang tính “trang trí” vì uy tín của Cotec đủ sức đảm bảo cho họ thắng thầu không ít dự án và các chủ dự án sẵn sàng ứng tiền cho công ty thi công theo tiến độ.
Nhựa Bình Minh (BMP-Hose) không giàu “nứt đố đổ vách” như VCF và CTD, chỉ có... 1.040 tỉ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. Một doanh nghiệp khác quy mô nhỏ hơn là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT-Hose) tiền “thừa” thuộc loại “nghèo” 292 tỉ đồng (vốn điều lệ 262 tỉ đồng).
Chưa hết. Một trong những đặc điểm của các doanh nghiệp kể trên là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc các quỹ đầu tư phát triển đều có số dư cao. VCF có 1.260 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Con số này của CTD là 639 tỉ đồng và quỹ đầu tư phát triển 751 tỉ đồng; của BMP là 497,4 tỉ đồng và quỹ đầu tư phát triển 1.066 tỉ đồng; của NCT 173 tỉ đồng; của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS-Hnx) là 88 tỉ đồng (vốn điều lệ 68 tỉ đồng). Trừ NCT do vừa trả cổ tức tiền mặt 50% (NCT năm nào cũng trả cổ tức tiền mặt 100%), còn lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bốn đơn vị đều cao hơn vốn điều lệ.
Câu lạc bộ 11.000 đồng
Yếu tố quan trọng để xếp hạng đẳng cấp những doanh nghiệp trên là khả năng làm ra lợi nhuận. Chỉ số EPS (earning per share - lợi nhuận thu được tính trên một cổ phiếu) của họ đều từ 11.000 đồng trở lên. Cotec hầu như có mặt trong tất cả các dự án điển hình của TPHCM và Hà Nội, họ làm không hết việc và sự phục hồi của lĩnh vực xây dựng đảm bảo cho lợi nhuận của công ty tăng trưởng không chỉ năm ngoái mà cả năm nay cũng như một vài năm sau. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của CTD tăng 103,7% so với năm trước đó, bất chấp chi phí quản lý doanh nghiệp nhảy vọt 69%.
Mức tăng lợi nhuận ròng ấn tượng nhất năm thuộc về SLS với 364,7%. Sự khởi sắc trở lại của giá đường đã giúp SLS giải phóng hàng tồn kho và thu khoản lời không nhỏ. Với BMP và NCT, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng khiêm tốn hơn, tương đương 32,6% và 13%. Riêng VCF lợi nhuận năm ngoái âm 35,8% do chi phí bán hàng tăng mạnh mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể. Sức cạnh tranh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh đã buộc các doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho quảng cáo, tiếp thị. Quỹ tiếp thị của những “ông lớn” như Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer đều phình ra trông thấy.
Trong năm nay, lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa như BMP hay sản xuất dây cáp điện như Cadivi (CAV-Hose), Cáp điện Việt Thái (VTH-Hnx) phụ thuộc phần lớn vào biến động của giá nguyên liệu đầu vào. Một khi giá dầu còn giảm hay đứng ở vùng đáy, giá các nguyên vật liệu hàng hóa chưa thể khởi sắc và cơ hội nâng lợi nhuận của những công ty này vẫn còn. Việc giữ được một vị trí trong câu lạc bộ EPS 11.000 đồng của BMP, vì thế, cần được theo dõi và cập nhật thường xuyên.
CTD đang dẫn đầu câu lạc bộ với EPS 14.230 đồng/cổ phiếu. Cotec đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 20% năm nay, không thấp so với thị trường chung, nhưng rõ ràng ở mức khá xa khả năng của doanh nghiệp. Dẫu sao, chỉ tiêu thấp mà vượt thì vẫn “dễ chịu” hơn đặt một mức cao để rồi vất vả với tay tới.
(Theo TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét