Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đèn Cù – Trần Đĩnh – Tập 2

Chương 5

Đảng viên học tập Nghị quyết xây dựng đảng. Quần chúng cùng lên lớp và thảo luận với đảng viên (nhưng không phải kiểm điểm). Trọng tâm thảo luận: Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng và chống đặc quyền đặc lợi.
Tôi đã có ý kiến. Để có năng lực lãnh đạo và nâng cao năng lực lãnh đạo, đảng cần gì? Cần trí tuệ. Nhưng ta lại coi nhiệt tình hơn trí tuệ. Vì người làm theo đâu có cần trí tuệ, họ chỉ cần nhiệt tình. Có trí tuệ chỉ tổ khỏe cãi. Hơn nữa, ta lại coi chủ nghĩa Mác-Lê là đỉnh trí tuệ cho nên tôi e cái trần cố định này sẽ cản trở trí tuệ của đảng phát triển. Khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cho thấy đảng coi nhiệt tình quan trọng hon trí tuệ hay đảng đã sẵn có ý khoanh vùng quần chúng – kể cả quần chúng đảng viên – vào loại đảng không cần đến trí tuệ. Rồi nay khắp nơi nói đại công trường thủ công cũng là thế đó. Tôi e kết quả sẽ thành ra đảng dân công, đảng lao động… chân tay mất. Đảng phải lao động trí tuệ, phải có trí tuệ thật sự, trí tuệ chân chính từ đảng viên cơ sở. Cần một hội nghị chuyên đề mà thành phần là trí thức cả nước để bàn cách làm sao cho ai ít nhiều cũng có trí tuệ được xã hội sử dụng. Người nguyên thuỷ làm ra cái bát chính là đã đem trí tuệ lớn vào đấy. Vâng, trừu tượng hoá vũng chân voi ở mặt đất cho bay lên thành cái bát chu du khắp nơi là trí tuệ đó. Trí thức đến mức nào mà nay lại có thành ngữ đáng sợ “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Tôi có lúc định nói vì sao dốt? Lăm lăm muốn tương ra cái ý tôi đã tổng kết vào tổng biên bản khai cung với Vụ bảo vệ: Đảng tha hoá vì đảng không còn đạo đức, thay vào đó là nhất trí và nhất trí đẻ ra dối trá, ngậm miệng ăn tiền. Hỏi một loạt bám chặt lấy nhau mà nghĩ theo một số ít, cực ít, thì sao mà không dốt? Tôi chợt lạ lùng thấy mình có cái cảm giác sung sướng được nói tâm can mình ra và tâm can mình lại chính là chân lý. Tự nhủ có lẽ Bruno, Dimitrov cũng đã có giây phút bay bổng giống thế này. Nhưng tôi lại tỉnh lại với thực tế Việt Nam. Tổ của chúng tôi ngồi ở ngay sân, trông ra nhà thờ và đường Hàng Trống với cảnh quan quen thuộc nghèo khó buồn tẻ, rời rạc của nó. Bên cạnh tôi, Bích Hoằng, con gái Lưu Văn Lợi nom hơi căng thẳng. Và vèo một cái, tôi hạ cánh…
Tôi nói tôi hoan nghênh Đảng chống đặc quyền đặc lợi. Nhưng tôi thấy cần chống hai cái tiêu biểu trước tiên đã. Đó là cần phải phế bỏ đặc quyền biết, đặc quyền nói là hai cái đáng sợ nhất vì chính chúng là nền tảng dựng lên khung đặc quyền đặc lợi nói chung. Là thế nào? Là anh biết đủ mọi cái, tôi điếc và mù, anh nói đủ mọi cái, tôi câm. Hễ tôi có biết chút nào là anh vặn ngay tôi nghe ai? Chết rồi! Tôi ở ngoài cái câu lạc bộ nghe thầm đọc kín mà thành viên đã được đảng kén chọn nghiêm ngặt cơ mà! Vậy thì hẳn là nghe địch rồi? Thằng BiBiXi (đài BBC – BT) rồi! Còn đến nói? À muốn nói thì tôi phải được phép đã, từ nói gì đến nói ở đâu, nói cho ai, nói lúc nào đến thái độ nói… Tóm lại nói phải lọt tai người cho phép nói. Đặc quyền biết và nói này đẻ ra hai thuộc tính gần như bẩm sinh ở người dân: sợ nghe và sợ nói. Dân bị quản lý và uốn nắn hàng giờ ở hai lĩnh vực này. Như tôi mạnh mồm mà hiện vừa nói vừa run đây.
Trong khoản nói, tôi cũng đề nghị bỏ lối đề khẩu hiệu bùa chú an thần. Thành một thói tư duy ru ngủ là hễ đã nêu thành khẩu hiệu là vấn đề đã được giải quyết êm đẹp! Nhưng sự thật lại không phải. Thí dụ như Đảng luôn nói lấy con người là trung tâm, con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng thì cán bộ đảng viên, con người cốt cán nhất trong cỗ máy lại nhận đồng lương ăn chỉ đủ sống có 10 ngày. Hay như khẩu hiệu cán bộ là đầy tớ dân. Cả nước biết chẳng ma nào theo khẩu hiệu này nhưng cả nước vẫn coi nó như tấm gương đấy nhan nhản khắp nơi để ra sức noi theo.
Anh Lê Điền hôm nọ theo phó thủ tướng Lê Thanh Nghị xuống Nam Định về bảo tôi rằng có lúc đoàn xe gặp một quãng hợp tác xã phá đường làm thuỷ lợi. Xã viên lập tức được huy động. Các cụ xã viên vác cuốc thuổng chạy ra cứ ơi ới gọi nhau “Nào, chủ nhân ra đắp đường cho thằng đầy tớ nó đi!” Tới bên xe lại nhòm vào xem rồi kêu: “Ôi chết, đầy tớ béo quá, béo hú… Mà mặt đỏ thế kia nhảy…” Hay như “lấy dân làm gốc”. Cái này mâu thuẫn với ý Đảng lòng dân. Đúng mà. Cây cam này của tôi rất ngọt, ngọt nhờ cái gốc nó thế nhưng cái ngọn mọc ở trên nó lại chua. Chua như thế này đây: ruộng hợp tác xã năng suất thấp, ruộng năm phần trăm của xã viên cao. Rõ là gốc một đằng, ngọn một nẻo. Vâng, lòng dân trút vào ruộng phần trăm còn ý Đảng thì vào hợp tác xã.
Khi tổng kết, đảng uỷ tóm tắt các ý kiến, trừ ý tôi. Nhưng Hồng Khanh, một phó ban cùng lớp học đã nắm tay tôi nói: Cảm ơn anh đã cho tôi hiểu nhiều hơn về Đảng. Sang tận năm 2010, kỷ niệm 59 năm báo ra hàng ngày, gặp tôi ở báo, Vũ Hài, một chuyên viên hồi học tập cùng ở lớp kia với tôi, đã gọi tôi rất to rồi từ xa chạy đến: Ôi, ngày nào tôi cũng nghĩ đến anh. Đảng dân công thì hay thật…
Anh quên hay vì đông người, anh tránh nói Đảng Lao Động chân tay.
Sau học tập này, Thép Mới kéo tôi về Ban văn hoá của Quang Thái mà anh chịu trách nhiệm trông nom.
***
Tôi vừa về Ban văn hoá thì ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc tràn sang sáu tỉnh biên giói kiểu làn sóng người từng chơi ở Triều Tiên.
Một con sóng thần làm choáng váng, ngả nghiêng tất cả. Ôi, Đại hậu phương bù chi bù chít che chở cho bấy lâu mà lại lên mặt cha bố “cho bài học!” Đảng không thể không bàng hoàng cao độ! Phải nói chưa bao giờ lịch sử cách mạng Việt Nam bị giật mình khủng khiếp bằng phen này. Nước anh em thân thiết nhất mà đem quân đánh! Mà đánh lớn: 300.000 quân. Khổ cho dân Việt! Lỡ đinh ninh được sống ấm êm trong cái nôi nhung đảng tạo ra là mối tình môi răng Việt – Trung cùng lời bảo lãnh trước non nước của Lê Duẩn: Từ nay không kẻ nào trên thế giới dám động đến lông chân chúng ta. Bài học Việt cộng tin tưởng Trung cộng đáng là tiêu biểu.
Mới ngày nào Hoàng Tùng nói ở toàn cơ quan (xin nhớ Hoàng Tùng là cái loa trung thành của Lê Duẩn): từ nay Trung Quốc giống ta rồi, cụ Đặng lên đã  xư xư xư rồi!
Cánh “xét lại” chống chiến tranh chúng tôi có phần tự hào: Từ lâu chúng tôi đã nói đến bản chất thiên triều Đại Hán của Trung cộng, theo voi ăn bã mía rồi có ngày bị nó quật cho và chính vì vạch âm mưu Bắc Kinh mà chúng tôi mới thành “chống đảng lật đổ”. Tôi loay hoay nghĩ nhiều về một điều: Có lẽ Đặng mượn việc cho Việt Nam bài học này cốt để nêu lên trước thế giới hai thứ cộng sản trái nghịch: Xô cộng và Việt cộng hiếu chiến, bá quyền, Trung cộng mang màu sắc Trung Quốc hiền hoà, hoà vào dòng chảy chung của thế giới. Cũng là để thanh minh với Mỹ rằng Trung cộng không hề xúi giục Việt cộng đánh chiếm Sài Gòn, Việt cộng đã nghe Xô cộng mà xé hiệp định Paris. Và cuối cùng khích lệ Mỹ đừng sợ Liên Xô dù Liên Xô đang muốn bành trướng! Đây xem, nó (Liên Xô – BT) ký tương trợ với Hà Nội mà tôi choảng em nó – thằng này chúng tôi gọi hẳn ra là “lính Cuba ở phương Đông”, là “tiếu bá” – nó có dám làm gì đâu? Chắc không phải ngẫu nhiên mà tháng 5-1975 Hà Nội vào chiếm Sài Gòn thì tháng 7, Pol Pot chiếm Thổ Chu: Mao huýt còi Hà Nội!
Đánh Việt Nam, có lẽ Đặng muốn nói với Mỹ rằng, Trung Quốc nay lấy Việt Nam ra làm nải chuối, quả cau cúng Mỹ để chuộc lại những ngày giúp nó tẩn Mỹ. Nôm na là trả hận hộ Mỹ. Việt Nam đã bị bất ngờ hoàn toàn trước việc Bắc Kinh cho “bài học”.
Lính Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi Phạm Văn Đồng cùng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, đang ở Pnom Penh. Bất chấp Đặng Tiểu Bình đã đi gần mười nước ở châu Á tố cáo liên minh bành trướng Xô-Việt là mối nguy to lớn đối với hoà bình thế giới. Và trước khi xâm lược Việt Nam, Đặng Tỉểu Bình đã đi thăm Mỹ chín ngày, dự gần 80 cuộc hội đàm, hội kiến, khoảng 20 bữa tiệc và chiêu đãi, phát biểu chính thức 22 lần và 8 lần gặp gỡ phóng viên và trả lời phỏng vấn. Thế giới đều biết chuyến đi này là để củng cố quan hệ Trung – Mỹ sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 1-1-1979, tại Washington DC. Tháng 2 đánh luôn và rêu rao vì Việt Nam phản Bắc Kinh ký hiệp ước tương trợ với Liên Xô.
Người được Đặng thông báo sớm nhất chuyện “cho Việt Nam bài học” là Tổng thống Mỹ Carter. Giống Mao và Chu Ân Lai, ông ta cũng nghĩ Carter quá mềm yếu với Liên Xô. Ở Mỹ và Nhật về nước hai ngày, Đặng quyết định tuần sau cất quân đánh Việt Nam.
Lúc bình chân như vại (tuyên bố từ nay không ai dám đụng đến chúng ta) lúc lại rối tung chân tóc, Lê Duẩn nhận định sẽ chiến tranh lớn với Trung Quốc nên đã quăng ra mấy đối pháp hố to.
Cái hố thứ nhất, làm việc mười giờ một ngày. (Tôi nói trong một cuộc họp ban Văn hoá: thế này là từ nay ta xúp Ngày Quốc tế Lao Động 1 tháng 5 rồi đây! Xúp cũng phải. Mỹ nó đặt ra thôi). Ăn kém, đêm thức chờ lấy nước đổ đầy thùng, chậu; ban ngày không nghỉ trưa, hầu hết đều mắc bệnh ngáp và đỏ mắt. Sửa sai thì Hoàng Tùng lại đổ lỗi cho các báo hiểu bậy câu mười giờ, “đồng chí Lê Duẩn nói thế là nhấn đến tinh thần thôi”.
Biẽt là một cách bài bây xí xoá, tôi lại nói trong cuộc họp ban văn hoá: nhấn tinh thần thì lấy “một người làm việc bằng hai” của Bác Hồ đã sẵn đấy có phải là hay hơn không?
Hố thứ hai: Chủ trương di đô vào Nghệ Tĩnh. Đào Phan đã dắt cháu đi chào bạn bè. Cứ lên xe đi, không phải vé, đây là để tránh kẻ thù mới mà, anh nói. Tôi bảo anh, chúc ông cháu anh lên đường yên lành nhưng tôi e anh đến Ngã ba Đuôi Cá là nằm lại chờ cả tuần rồi lại về C5 Kim Liên đấy. Xe nào mà chuyển hết được Hà Nội di đô? Đào Phan nói: Cái này vào chương trình đề phòng bành trướng của Bắc Kinh rồi. Anh Duẩn nhìn trước tới bước thứ ba là lập đô ở Tây Nguyên chiến lược, nóc nhà của Đông Nam Á. Tôi đùa anh, thế thành ông Bang Bạnh của Phong Hoá, Ngày nay thích leo lên trốc thiên hạ à? Ông nên nhờ ông Trương An thân cận ông Duẩn đề nghị để có thể triệt để chấp hành tư tưởng vận động chiến của Mao Chủ tịch thì lúc vào Tây Nguyên nên dựng thủ đô trên đường ray để dễ bề kéo đẩy di đô. Lúc thì dịch lên Xuân Hoà Phúc Yên để cho gần đại hậu phương, không lo sông Hồng cách bức, lúc lại tụt vào Nghệ với lại Tây Nguyên để cho xa đại tiền phương. Cái đô của nước mình khéo mà bị Cao Biền yểm cho vào cái mạch con lươn chỉ rình lủi.
Và cái hố cuối cùng – nếu không chủ trương thì Duẩn cũng phải chịu trách nhiệm chính: Đó là đuổi người Hoa…
Trung Quốc rút quân, tôi nghe truyền đạt ở ban văn hoá ý kiến Sáu Thọ (vừa ở biên giới về ông ra chùm thơ trong có bài Điểm tựa): “Katiusha một phút bắn 48 phát đầy cả ra mà không cho bắn, lạ thật! Phải tiêu diệt chúng chứ sao lại để cho chúng rút?”
Tôi chột dạ. Khi chiếm hết Campuchia, tôi được nghe truyền đạt là anh Sáu Thọ (chứ không phải Bộ Tổng tư lệnh của Võ Nguyên Giáp) đã khôn khéo chủ trương để dành một lõng an toàn cho cố vấn Trung Quốc chạy thoát. Vậy phải chăng câu phê phán này cốt để móc máy ai đây? Trong việc lớn thế này, chỉ Duẩn mới có quyền “tha” hay diệt địch.
Phe XHCN thì đại lục đục, nội bộ lãnh đạo của Đảng CSVN thì hầm hè rình bắt cẳng nhau!
Tháng 7-1979, Hoàng Văn Hoan trốn sang Bắc Kinh! Xì xào là Sáu Thọ cho đi. Có thế Sáu Thọ tính thấy cần có một lá phiếu ủng hộ mình cài sẵn ở Bắc Kinh phòng xa tình hình sa sút nữa. Vậy là Sáu Thọ chuẩn bị đao kiếm với Lê Duẩn? Người quyền biến như Sáu Thọ không thể bỏ lỡ thời cơ của một cuộc đổi ghế khi Lê Duẩn bệnh rề rề. Mà bác sĩ, y tá, đêu phải báo cáo từng li chi tiết bệnh tình Duẩn cho Thọ.
Lại có dư luận đổ cho Xuân Thuỷ bố trí Hoan đi vì Xuân Thuỷ mê Tàu nhất, Mao-nhiều cũng ngang Lê Duẩn.
Tình cờ sau chuyện Hoan trốn theo Tàu ít lâu, Đào Phan và tôi vào bệnh viện Việt-Xồ thăm bạn thì được Trương Thị Mỹ nói Xuân Thuỷ ốm lắm, vào mà thăm anh ấy đi. Xuân Thuỷ đã ngao ngán bảo chúng tôi rằng ông “bị người ta đổ hết rác vào đầu”. Ông làm sao có thẩm quyền ký giấy cho Hoan đi Đức dưỡng bệnh được? Xuất ngoại là phải có dấu bên Ông Sáu chứ! “Người ta còn gợi ý tôi là chủ tịch Quốc hội thì nên có bữa liên hoan cũng như ra sân bay tiễn ông phó chủ tịch. Thế là thành bằng chứng tôi có âm mưu đen tối”. Không nói tên ra nhưng khi Xuân Thuỷ gợi tới thẩm quyền ký giấy cho những người cỡ Hoan ra nước ngoài thì chữ “người ta” mà ông ám chỉ là ai đã rõ.
Trên đường về, Đào Phan bảo tôi: ‘Tao nghe có đứa bảo Sáu Thọ ghét Xuân Thuỷ vì Xuân Thuỷ ở hội nghị Paris về đã tố với Lê Duẩn nhiều chuyện, kể cả chuyện tiền nong của các gia đình phi công Mỹ bị ta bắt tù đưa cho ta để nhờ ta cải thiện đời sống của con cái họ cũng như quan hệ nam nữ của Sáu Thọ lúc ở Paris”.
Sáng ấy, Xuân Thuỷ còn cho chúng tôi hay Nguyễn Văn Thạch, thư ký của Hoan đã bị bắt cùng con trai là Nguyễn Văn Thái. Còn bắt một số trong có Tăng Vĩnh Siêu, nguyên tổng biên tập báo Tân Việt Hoa. (ở đây nên biết đoạn sau có hậu của hai bố con Thạch. Trong tù hai bố con Thạch đã quen với linh mục Nguyễn Văn Lý “tay sai” Toà thánh, ông này mấy chục năm duyên nợ với tù ta. Chả biết có bàn hay không nhưng hai mảng “tay sai” Toà Thánh và Bắc Kinh đã liên minh đầu tư vào Nguyễn Văn Thái. Tăng Vĩnh Siêu dạy Thái trung y để tương lai có đường kiếm sống. Nguyễn Văn Lý thì cho Thái tiền để con của Thái học hành trở thành linh mục như Lý mà chăn dắt con chiên. Nghe nói Thái nay chữa bệnh cũng có tên tuổi. Còn con Thái có đi học nước ngoài).
Tháng 3-1979, tạp chí Cộng sản Hà Nội đăng một bài dài của Võ Nguyên Giáp. Tôi trích một đoạn: “Cuộc xâm lược quy mô lớn vào nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã làm cho tập đoàn phản động Trung Quốc lộ rõ nguyên hình. Chúng là bọn phản bội lớn nhất của thời đại, phản cách mạng, phản chủ nghĩa Mác-Lê nin. Chúng là một “bầy quạ đội lốt công”, đã vứt bỏ cái mặt nạ giả danh cách mạng. Cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thực chất là một bộ phận của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của chúng, của chiến lược toàn câu phản cách mạng của chúng, đồng thời là một bộ phận của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa để quốc quốc tế”.
Nay mới vỡ lẽ tại sao Giáp bỏ phiếu trắng ở Hội nghị trung ương 9. Và Cụ Hồ không biểu quyết. Và tại sao Hồng vệ binh căng biểu ngữ đả đảo Vô Nguyên Giáp “phần tử xét lại tay sai Liên Xô phản bội Hồ Chí Minh” ở chính tại Thiên An Môn, trước thế giới, ngay trước mặt đoàn đại biểu của Lê Thanh Nghị.
Tháng 11, chính phủ công bố Sách Trắng lên án chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc và tội ác của nó đối với Việt Nam, lôi cả chuyện Bắc Kinh lâu nay cấy người vào bộ máy của ta để mưu đoạt nó (nhưng không thấy lôi được tên nào ra ánh sáng). Họp ban văn hoá thảo luận Sách Trắng, tôi nói: “Tôi nghe nói ở Bộ công an, muốn đề bạt từ vụ phó trở lên đều phải tham khảo cố vấn Trung Quốc”. Kịp dừng lại không nói tiếp “Có nên xem lại ai đã được lên do cố vấn gật đầu”.
Đồn là Trường Chinh chỉ đạo soạn Sách Trắng. Siêu liêu vì xét lại suốt cho tới khi ông chịu thua Duẩn mà “điểm chỉ vào Nghị quyết 9”. Bao uất ức trước đây ông trút vào Sách Trắng.
Mà vạch mặt Mao cũng là gián tiếp kê tội Duẩn. Xem ra nhân dịp Bắc Kinh lộ mặt, Trường Chinh, nhất là Võ Nguyên Giáp đã dõng dạc cất tiếng. Chống Bắc Kinh và cũng là đụng ngầm đến Lê Duẩn..
Tôi đọc kỹ ba quyển sách của Nhà xuất bản Sự Thật: Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, Phê phán chủ nghĩa bành trướng vù bá quyên nước lớn của giới câm quyền phản động Bắc Kinh, Vấn đề biên giới của Việt Nam và Trung Quốc.
Người soạn sách công khai nhận: vì chúng ta tin bạn.
Đúng quá, tin đến mức bất cần bạn muốn gì ở mình trước tiên, tin đến mức bỏ qua cả lời Mao nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore. Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đây có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy. Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thế tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây” như quyển sách dẫn.
(Lẽ ra sách cần hỏi thêm: nhưng sao lại một chiều tin bạn chết thôi. Sách này cũng vạch mặt ba âm mưu của Bắc Kinh với Việt Nam. Và giới thiệu bộ mặt tinh thần của Trung cộng: một tư tưởng chí đạo là chủ nghĩa đại dân tộc – một chính sách là ích kỷ dân tộc – một mục tiêu chiến lược là chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chù nghĩa bá quyền nước lớn).
Đặc biệt có một chuyện tôi nghe cùng Trần Thư. Nguyễn Mai Hiến cùng báo Quân đội Nhân dân và là anh em họ với Trần Thư một hôm bảo anh được đọc một ghi chép của một chính uỳ bạn anh vừa ở trong B ra. Được nghe Lê Duẩn nói về Trung Quốc, chính uỷ này đã có ghi lại và đưa cho Mai Hiến xem. “Đây là bản tự sự đầy một nỗi niềm cay đắng của Ba Duẩn”, Hiến thú vị nói.
Mai Hiến cho chúng tôi xem mấy trang giấy ghi vắn tắt như sau: Hồi còn ở trong Nam, ngay sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi (tức Ba Duẩn) đã chuẩn bị phát động chiến tranh du kích thì Mao nói ta phải ép các đồng chí Lào chuyển giao ngay hai tỉnh đã giải phóng cho chính phủ hoàng gia Viên Chăn kẻo không hết sức nguy hiểm, Mỹ sẽ tiêu diệt họ. Mao bắt ta phải giao nộp thành quả cách mạng của cả Lào và ta như vậy đó nhưng chúng ta phải làm thôi. (Tôi xen ngang: Đúng, lúc đó Lào cộng coi như bị Việt cộng đem em bỏ chợ. Ký xong hiệp định Giơ-ne-vơ, ở Nhà khách tre nứa lá Trung ương đảng, Cụ Hồ đã đả thông thắc mắc của Souphanouvong rằng: Thôi, hiện nay sức mới có, thế hãy Việt Nam trước đã rồi tính Lào, Campuchia sau). Tôi (tức Lê Duẩn) nghĩ phải cho các bạn Lào phát động chiến tranh du kích kẻo không sẽ bị tiêu diệt nên mời phía Trung Quốc đến thảo luận. (Trần Thư bình: Duẩn cho phép Lào còn Mao cho phép Duẩn, cái lớp lang thỉnh thị này chính là quốc tế vô sản đây!) Tôi (Duẩn) hỏi Trương Văn Thiên, ông này từng là Tổng bí thư Lạc Phủ, (tôi – Trần Đĩnh – thêm: Chính Mao cho Thiên rớt Tổng bí thư) tán thành ngay. Tôi lại hỏi Trương Văn Thiên: “Nếu các đồng chí đã cho phép (Mai Hiến gạch dưới) Lào tiến hành chiến tranh du kích, thì chúng tôi phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam đâu có gì mà đáng sợ chứ nhỉ. Ổng ấy (Trương Văn Thiên) trả lời: “Việc gì phải sợ!” (Chúng tôi đọc đến đây, Hiến bình: Phét, cái gì cũng xin phép Mao thì là biết sợ chứ còn gì nữa!) Nhưng Mao lập tức cấm đánh chác: Việt Nam không làm như vậy được, Việt Nam nhất định phải trường kỳ mai phục! Duẩn bèn nói: Các đồng chí thông cảm. Chúng ta quá nghèo. Nếu không có Trung Quốc là hậu phương vững chắc thì làm sao chúng ta đánh Mỹ được? Chúng ta đành nghe theo họ có phái không? (Đoạn này Hiến gạch dưới cho hẳn hai gạch). Khi chúng ta đã đánh Mỹ, Mao nói ông ấy sẽ mang quân đội (Trung Quốc) vào giúp ta làm đường. Mục đích chính của ông ấy là tìm hiểu tình hình Việt Nam để sau này có thể đánh ta và từ đó bành trướng xuống Đông Nam Á. Không còn lý do nào khác. Chúng ta biết nhưng phải chấp nhận. Họ quyết định đưa quân vào. Tồi chỉ yêu cầu là họ đưa người không thôi, nhưng quân đội họ vào mang cả súng ống, đạn dược. Tôi lại đành phái đông ý.
Tôi nói: 5 giờ sáng là hàng tiểu đoàn quân Trung Quốc đã leo kín cầu Long Biên hát Đông phương hồng, tớ ở ngay đầu cầu đếch ngủ nổi.
Hiến nói: có đứa ở báo Quân đội Nhân dân còn đề nghị phóng viên nên đến gặp lấy ý kiến các chiến sĩ quốc tế Trung Quốc viện Việt kháng Mỹ. Nhưng hay ở chỗ vừa cùng Trường Chinh gặp Mao xong là Duẩn đã than ngay rằng Mao có ác tâm xâm chiếm nước ta từ lâu. (Trần Thư choang cho một câu: Nói phét! Biết sao lại đi ôm chân nó? Các cụ có câu sa cơ lỡ bước hoá ra ăn mày rồi đấy!) Ừ, còn nhiều nhưng tay bạn tớ tay ấy bảo thôi ông xem của tôi thôi chứ đừng ghi nên mình chỉ ghi có thế này, tôi sẽ nói thêm cho hai ông nghe.
Ba chúng tôi tán một chập quá hả về nỗi lòng của Lê Duẩn không được xuôi chèo mát mái thờ Mao. Tôi nói: Lôgích Lê Duẩn kinh thật. Biết nó đểu nhưng vì giải phóng đất nước nên cứ lăn vào nhờ nó. Như có con gái ốm lại trao nó cho thằng thày lang háu gái vậy. Hỏi lúc Duẩn tôn xưng Mao Trạch Đông làm Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng để xui dân Á-Phi-La theo tư tưởng Mao gây đại loạn thì là do túi không xìn hay do gì? Hỏi lúc hạ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp xuống thì sướng hay đắng cay?
Cần nói thật là lúc ấy chúng tôi chưa thấy được âm mưu Mao nhờ người Việt đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào là để Trung Quốc hùng bá ở tất cả vùng này.
Mai Hiến cũng từng nói với Trần Thư và tôi chuyện Chu Huy Mân cử người vào kho lưu trữ của Tổng cục Chính trị ở Đà Lạt tìm các sổ tay của một số sĩ quan tuyên huấn, báo chí quân đội lừng danh Mao-ít, trong đó Th. T., phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân ghi từng ngày đến đại sứ quán Trung Quốc và báo Tân Việt Hoa bàn cách phối họp đánh xét lại Việt Nam như thế nào. Đọc sổ tay Th. T. xong, Chu Huy Mân liền điều Th. T. khỏi báo Quân đội Nhân dân sang làm phó cục tuyên huấn quân đội. Nhưng Tố Hữu, Hoàng Tùng kéo Th. T. về báo đảng. Rồi ít lâu sau, Th. T. nhận Huân chương Julius Fučik cao quý của OIJ (Tổ chức nhà báo quốc tế do Liên Xô nuôi) cùng với năm nhà báo Mao-ít lẫy lừng khác là Hoàng Tùng, Trần Lâm, Hoàng Tuấn, Lưu Quý Kỳ, Thép Mới.
Vậy là theo Duẩn thì từ lâu Đảng đã biết dã tâm của “bạn”, song vì mục tiêu cao cả đánh Mỹ, xoá bỏ một bộ phận của đế quốc nên Đảng phải nương mình vào Mạnh Thường Quân vô sản Trung Quốc. Nên mở thảo luận khoa học sâu rộng ở vấn đề này. Vì sao biết âm mưu đen tối của “bạn” mà cứ bạ vào? Khác nào biết nhà thổ kim la mà cứ nhúng cần câu! Trong một tháng chống Trung Quốc xâm lược, tôi đã được hưởng một trận ra mắt trào sôi của sự thật khiến cho vỡ mặt bao người. Vỡ cả mật!
Và một đổ vỡ kinh khủng ghê gớm hơn nhiều nữa: Lòng tin của dân. Dân bẳt đầu nói đảng “tổ sư vớ vỉn”, đứa tốt không chơi lại đi ôm lấy đứa lừa đảo, bất nhân. Lúc báo Nhân Dân ra xã luận “Không được dụng đến Việt Nam”, “đe doạ Việt Nam là đe doạ toàn thế giới”, dân ngồi hàng nước chè kẹo lạc ven đường bình luận khá to: Gớm chết, có cái rốn đã lúc lại thối mà còn cố đem banh ra khoe.
Chiến tranh Trung – Việt thế nào thế giới lại ngả về Trung Quốc. Trung Quốc đang trở thành một phản đồ cộng sản đáng được ủng hộ. Đi mạnh với phương Tây, dân chủ hoá trong nước đó.
Bắc Kinh quyết liệt lên án Việt Nam xâm lược Campuchia và đòi phải rút lập tức. Kim Nhật Thành chửi Việt Cộng ác nhất. Đại ý Hà Nội có tham vọng nhưng không đủ sức lại cộng thêm với sự “ấm ớ”, các lãnh đạo Việt Nam đã phá huỷ nền kinh tế, gây nguy hiểm cho quốc gia họ! Anh và Úc chính thức ngưng cung cấp tài chính tái thiết cho Việt Nam để phản đối cuộc chiến của Việt Nam tại Campuchia mà không nói gì đến Trung Quốc. Pháp cũng yêu cầu Việt Nam từ bỏ cuộc chiến tại Campuchia, việc khiến cho Trung Quốc đã “vì lo lắng mà phải phản ứng dữ”.
Khi đi với Việt Nam đánh Mỹ, Trung Quốc bị cả Đông Nam Á nhìn thành ác ôn thì nay, tài thật, đánh Việt Nam, Trung Quốc lại được thế giới đồng tình.
Nhưng tôi vẫn ngô nghê. Lúc này Mao-nhều sẽ phải diệt khẩu những người chống Mao chứ. Tôi thành hòn đá kỳ ngày ngày chà cọ vào cái mặt đang rát bỏng lên của họ. Họ chắc chắn nghĩ bọn chống Mao thừa dịp sẽ dễ thổi bùng lên ngọn lửa phê phán Đảng. Họ nhất định phải đề phòng. Tốt nhất là cho dân thấy cả thằng chống Mao, ông cũng phang.
Khi Sách Trắng ra mắt, số đông cán bộ tin rằng ta đã bừng con mắt dậy thấy mình đâm vào đúng giữa bụi gai. Nhiều người – có tôi ở trong – đã tưởng Duẩn, Thọ thật lòng chống Mao.
Tôi đến Đặng Kim Giang được anh chị cho biết hai trung tá đi com-măng-ca tới thăm, nói xin phép cho được đo đạc đất ở để sẽ xây nhà cho Đặng Kim Giang theo lệnh đại tướng Văn Tiến Dũng. Giang xưa đã giúp Dũng vượt ngục ở Bắc Ninh và thoát án tử hình. Lê Trọng Nghĩa thì được Văn Tiến Dũng đưa vào nằm chữa lao tái phát ở bệnh viện 354.
Việc xây nhà cho Đặng Kim Giang rồi xúp. Anh ở lại túp nhà lụp xụp nó dẫn tới cái chết của anh. Lê Trọng Nghĩa vào bệnh viện 354 sáng thỉ chiều an ninh đến vặn ban giám đốc bệnh viện ai cho Nghĩa vào. Nghĩa phải chuyển xuống một cái buồng chật hẹp, hẻo lánh như một gian kho để chổi.
Vậy là Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân cũng bé cái lầm. Tưởng đảng đánh Mao thật. Bộ chính trị đấy nhưng nhiều vị cũng chỉ biết ngang quần chúng!
Và tôi lọt vào tầm bắn thẳng! Phải nhổ tên xét lại còn làm bù nhìn trong bộ máy này đi cho thiên hạ chớ có ho he. Này xem, đến nay Đảng mới nện thằng chống Mao đấy nhá!
Trước khi dừng lại ở tấn thảm kịch Việt Nam bị đại hậu phương dạy bằng lửa đạn, tôi thấy nên nhắc đến ý kiến của Lý Quang Diệu. Trong khi một số báo chí phương tây nói Trung Quốc đã thất bại trong bài học tặng cho Việt Nam thì Lý Quang Diệu nói: Trong việc này, Đặng đã làm thay đổi lịch sử của Đông Nam Á.
Theo chương “Mó Đít Cọp – Chiến tranh Việt Nam lần thứ ba” của Kissinger thì nỗi ám ảnh trầm kha của Bắc Kinh là bị bao vây, kể cả Liên Xô và Việt Nam cho nên Mao đã lộ cho Kissinger biết Mao có thể chấp nhận được việc Sài Gòn yên lành sau hiệp định Paris 1973. Và theo một số nguồn đáng tin cậy thì Bắc Kinh đã gợi ý Dương Văn Minh bẳt tay với Bắc Kinh để ngăn Hà Nội xé hiệp định Paris. Minh từ chối. Nếu ông nhẹ “quốc gia”, nặng “quốc tế” như Hà Nội mà hợp tác với Bắc Kinh thì chưa biết sự đời sẽ ra sao!
Hoa Quốc Phong thì hí hửng là đã mó đít cọp. Tức là Liên Xô nằm im. Kissinger nhìn thấy dấu hiệu Liên Xô suy tàn. Năm 1988, Trung Quốc chiếm Trường Sa. Biết cọp thép ở Cam Ranh lại sẽ nằm bẹp.
Một sáng, 19-7-1979, Hồ Dưỡng, vụ trưởng tổ chức, gặp tôi nói tôi phải về hưu non. Lý do: Tôi không hợp với báo Đảng. Tôi nói tôi làm báo đảng trước các anh đến hai chục năm mà sao lại bảo không hợp?
– Anh Quang Thái nói không biết giao việc gỉ cho anh.
Đau dạ dày, Quang Thái nhờ tôi nói với Thép Mới để cho sang Đức chữa. Anh chỉ giao việc riêng của anh được thôi.
Tôi gặp Hô Dưỡng ba lần. Lần cuối cùng, tôi đòi cơ quan làm theo pháp luật: Mở giám định y khoa xem tôi mầt sức lao động thế nào, lập hội đồng kỷ luật xem tôi tội gì, nếu thật có tội tôi sẽ về ngay, không cần cả lương hưu.
Cơ quan không lập cái gì cả. Khăng khăng bắt về. Cuối cùng, Hồ Dưỡng thú thật việc này là theo ý anh Sáu Thọ. Thể tình tôi thâm niên cụ kỵ ở báo Đảng, báo đã định tăng một bậc lương lót tay tôi trước khi về nhưng anh Sáu Thọ nói: “Thằng này rất láo, lẽ ra hắt về không cả hưu hiếc nữa mà sao còn tăng?”
Sáu Thọ đánh tôi vì ông muốn qua đó báo cho mọi người chớ hiểu rằng đây là cơ hội nổi lên chống những người đã say sưa đại loạn theo chỉ thị của Mao.
Còn một nguyên nhân gần. Trước đấy nửa tháng, tôi đến ban quốc tế của Nguyễn Hĩm Chỉnh đọc báo Mỹ, Pháp.
Chỉnh bảo tôi:
– Ủa, Trần Đĩnh, ông già (tức Sáu Thọ) dạo này tình cảm lắm, mình gặp ông già luôn.
Tôi chợt nóng gáy. Bảo Chỉnh mai ông lên ông già thì nói với ông ấy hộ là thằng Trần Đĩnh nó nói cái Trung ương này ông Sáu Thọ dựng nên không ra làm sao cả.
Lúc ấy trong ban quốc tế còn có cô Hoàng Liên và Duy Thịnh, sau đều là trưởng ban của báo.
– Chết, Chỉnh khẽ kêu lên, thất sắc.
– Chết tôi, không chết cậu, cậu làm ơn nói hộ.
Cái gì trong vô thức đẩy tôi hung hãn thế? Một xung lực của trung thực bị đè nén mãi.
Có lẽ mặc cảm từ lâu muốn được chung chia khổ hạnh với bạn bè, nay anh chị em ra tù vẫn khốn đốn. Rồi hai vụ đo đất xây nhà và nằm nhà kho ở bệnh viện làm tôi cáu. Chỉ biết sau đó quay đi, tôi chợt thấy mình vừa trải qua tâm trạng người nhảy sông: thật ra chẳng có gì ghê gớm, chỉ là một xổng chân, xổng miệng.
Tôi đến Minh Việt rồi Hoàng Minh Chính báo rằng bắt tôi về hưu non là có lẽ họ lại sắp đánh chúng ta đấy. Họ sợ tôi hoá thành tín hiệu sai cho mọi người tin là Đảng chống Trung Quốc thật rồi mà nổi lên.
Chính nói:
– Đúng quá, đánh còn để đe dư luận chớ cố bới tội họ đã xung phong làm đàn em đầy trung tín và nhiệt huyết cho Mao.
– Khi đánh xét lại thì chúng ta là thù trong, giặc ngoài là Mỹ và Liên Xô, tôi nói. Nay thì giặc ngoài là Trung Quốc còn thù trong là chúng ta. Bố tiên sư đời thật!
Chính nghe thích quá, cười nhe hai hàm răng rất khỏe ra:
– Chí lí, hay…
Ở Chính về đến cổng cơ quan thì gặp Xuân Diệu. Tôi báo Xuân Diệu. Xuân Diệu đỏ gay mặt lên rồi tay bứt tóc, chân giậm đất, trước ngay cây trà trắng mà anh rất quý, thường quàng cổ tôi đứng ngắm hồi tôi nổi nênh, kêu to:
– Sao họ lại đối xử với Trần Đĩnh như thế được?
Tuần sau, một chiều mưa rất to, tôi đến Nguyễn Đức Thuận. Từ 1967 đến nay, đúng một giáp, tôi mới gặp anh. Anh mời tôi cùng ăn cơm vừa dọn lên. Toàn rau, chỉ ba miếng thịt nạc kho cho Thuận bị tiểu đường. Tôi kể lại chuyện cơ quan bắt về hưu non rồi hỏi Thuận:
– Theo anh là chủ tịch Tổng công đoàn, thì bắt tôi về như thế có sai luật lao động không?
– Sai quá, Thuận nói.
– Tôi kiện đây.
– Anh viết thư cho anh Thọ thì hơn. Anh Thọ mến anh.
– Chính anh ấy bắt tôi về.
Thuận im ngay.
Tôi kiện đều đặn hơn một năm. Tháng nào cũng đến mười cơ quan nộp đơn. Cho Chủ tịch nước, Chủ tịch Hộỉ đồng bộ trưởng, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao… Đều im lặng. Viết cho cả Trường Chinh. Tôi viết: “Mới lớn lên, vừa vào nghề báo, tôi ở gần anh, được anh dặn đầu tiên là phải mạnh dạn đề đạt ý kiến, mạnh dạn phát hiện vấn đề. Tôi đã tang thương vì hai điều đó”.
Minh Việt đọc xong nói rất cảm động.
Tôi đến Viện triết học đưa Đặng Xuân Kỳ thư này. Đang họp chi bộ, thấy tôi ở hành lang, anh ra ngay. Nói ông cụ tôi cấm con cái đưa thư nhung anh thì tôi nhận. Tôi sẽ đưa nó cho người thư ký gần nhất của cụ và đảm bảo đến tay cụ. Kỳ hỏi khẽ một câu: Tôi nghe ông cụ tôi nói thì các anh đều đã được giải quyết rồi cơ mà?” (ngụ ý là tốt đẹp. Cũng tức là bố con Kỳ bị phong toả thông tin hết!)
Nhưng đều chung số phận của loại đơn khiếu kiện: Sa vào trận đồ phi hồi âm của Thọ.
Đào Phan bảo tôi:
– Sáu Thọ có nể ai đâu. Chả thế ông Cụ chơi chữ, gọi hắn là Le Due – quận công (theo tiếng Pháp). Năm 1941, tớ bị bắt lên Sơn La. Anh em bảo nói cho nghe tin gì mới. Tớ truyền đạt nghị quyết Hội nghị trung ương 8 về chính sách đại đoàn kết đánh Pháp đuổi Nhật thì Sáu Thọ nói: “Trung ương đéo gì, Trung ương thằng Khu! Cộng sản mà lại đoàn kết với tư sản và địa chủ”. Dễ hiểu sao sáu Thọ lại bỏ Trường Chinh phò Lê Duẩn.
Đời cách mạng của Đào Phan là nỗi cay đắng trường thiên. Mãi tới những năm cuối cùng của đời, 1992, mới được mấy dòng của Cục cán bộ Tổng cục chính trị nói anh không được coi là cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám là vì trước kia chưa thẩm tra được việc hồ sơ lưu trữ có ghi lúc tù ở Sơn La, anh “đã cung cấp cho địch tình hình hoạt động của anh em trong tù khiến địch khủng bố dữ, gây tổn thất cho cơ sở của ta ở trong tù”, đến nay sau khi thẩm tra xác minh thì Vụ cán bộ Ban tổ chức trung ương kết luận tài liệu phát hiện ghi trong hồ sơ kia không chuẩn xác và không đủ chứng cứ. Sơ sài có thế. Đào Phan lẳng lặng trở lại hàng ngũ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám rồi danh sách các bí thư Hà Nội tử 1930 đến 1975. Đào Phan đã có thư gửi Lê Phước Thọ, Trưởng ban tổ chức trong đó nói rõ chính Lê Đức Thọ đã lén lút ghi vào giấy tờ của anh những dòng vu cáo kia. Đào Phan đã đưa cho tôi một bản sao thư này, anh viết nắn nót trên đầu, bên lề tay trái: Bản sao của bạn Trần Đĩnh.
Vì là vợ Đào Phan, Bội Hoàn bị người ta đâm xe (trên đường đi đến cơ quan sơ tán trong chiến tranh) và phải vào đồn công an. Người đâm xe bảo chị ăn cắp hết tem phiếu của mụ. Bắt cởi quần áo ra khám. Nghi chị mang tài liệu của chồng.
Không thấy có nghị quyết lẳng lặng phục hồi danh dự cho Bội Hoàn về cái việc khốn nạn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét