Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đèn Cù – Trần Đĩnh – Tập 2

Chương 4

Nguyễn Sinh, tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ bảo tôi cuối 1976: Nghe ông cụ anh trong kia nghèo mà anh thì cảnh này, tôi muốn giúp anh. Anh viết cho tôi một tiểu thuyết về nông nghiệp để có tiền tiếp tế cho cụ.
Khi tôi bị khai trừ, Nguyễn Sinh cùng ở báo. Một sáng thấy tôi ra đường Hàng Trống, anh đi theo rồi nói: “Anh thế là hết nhục, bọn tôi thì còn”. Tôi rất cảm động.
Ít lâu sau, cũng ở vỉa hè ấy, Nguyễn Sinh bảo tôi: Anh phất cờ, tôi theo với!
Tôi đã thầm hỏi là thế nào đây?
Rồi Sinh sang phụ trách Nhà xuất bản. Ít nhất Sinh cũng thấy tôi không lộ ra những điều anh đã chọn mặt mà tâm huyết.
Hai năm liền tôi viết hai truyện vừa về nông nghiệp. Và Sinh bảo là còn hơn nhiều cái anh đã in.
Sinh cho hay buổi sáng nhận bản thảo của tôi thì ngay lập tức A79 hay Cục an ninh văn hoá đến yêu cầu Sinh nộp. Giữ nghiên cứu một tuần. Tôi bảo Sinh: Cần tiền cho bố, tôi toàn nhăn răng cười suốt truyện thôi mà.
Quyển thứ hai đưa cho Sinh xong, tôi vừa bắt tay anh ra về thì Nguyệt Tú, tổng giám đốc mới của nhà xuất bản gọi Sinh đến nói: Tại sao anh lại cho phản động công tác với nhà ta?
Tôi không buồn mà ngạc nhiên: sao miệng phụ nữ lại thốt ra lời Cục 79 như thế! Ngày nào ở báoNhân Dân, Nguyệt Tú vồn vã với tôi như thế nào, bảo Lê Quang Đạo mời vợ chồng tôi đến chơi như thế nào, khẩn khoản như thế nào nhờ tôi phụ đạo cho Lệ, em gái Nguyệt Tú về văn học để chuẩn bị thi một cái gì đó quan trọng.
Mỗi khi đụng đến những sấp ngửa như thế, tôi lại thấy nổi lên một bộ mặt tôi cần chặn không cho nhiễm sang tôi. Và nhớ tới câu thơ của W.B. Yeats: Tôi đang tìm bộ mặt tôi hằng có, Trước khi thế gian được tạo ra (I’m looking for the face I had, Before the world was made). Nó thế nào tôi không biết. Nhưng cứ khát khao.
Ra tù lần thứ hai, Hoàng Minh Chính viết đơn tố cáo công an bức hại anh trong tù. Đêm đêm vào đè anh xuống giường bóp cổ. Anh đưa tôi một bản. Mấy hôm sau đưa ma bố Vũ Cận, Chính hỏi ý kiến. Tôi nói tán thành cả, song từ nay nên bỏ các từ ngữ cộng sản.
– Thí dụ? – Anh hỏi.
Tôi nói: Thí dụ “những tên công an”. Nên là nhũng nhân viên, những người công an…
Chính gật: Đồng ý.
– Họ ném đá ta, ta có thể ném trả nhưng họ bôi cứt vào đá để ném thì ta không bôi, tôi nói. Chúng ta phải sạch sẽ hoàn toàn.
Một hôm, Hoài tức Triết, bác sĩ sản khoa, em rể Chính Yên, nhà văn viết Hồ Quỳnh, mừng “thượng thọ ngũ tuần đại khánh”. Anh mời Nguyễn Sáng, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Chính Yên, Tố Uyên Con chim vành khuyên và tôi. Trà dư, chuyện gẫu chờ rượu ngâu Phú Lộc Hải Dương sang.
Chợt Sáng hỏi:
– Tại sao Táo quân đủ cả mũ áo lại cởi truồng, Đĩnh?
Văn Cao tiếp luôn:
– Ừ, là symbole, biểu trưng gì thế hả mày?
– Táo quân là viên chỉ điếm cài vào từng nhà, tôi nói, dân sợ nhưng khinh, thế là bắt anh ta cởi truồng. Không quần là cốt cho anh ta mỗi khi cúi xuống tâu, nhìn vào khe đùi hoang dã một vùng lại giật mình nhớ ra là sự thật trần trụi mới phồn thực. Chúng ta cũng là một táo quân của chính chúng ta.
Hưng đùa:
– Thảo nào thằng Lê Đạt nói thằng này trí lự… bạc hết đầu rồi này.
– Ừ, thằng này lẽ ra chưa bạc đầu. Sớm quá, Văn Cao nói.
– Cũng là chung truyền thống cả thôi. Tự nhiên tôi thấy cần vẽ rõ ra cái mặt thật của mình.
– Truyền thống gì ở đây? – Sáng hỏi.
– Một lần Vương Trí Nhàn hỏi: Anh có thế nói sơ qua mấy đặc điểm dân tộc được không? Tôi hỏi đặc điểm xấu có nghe không? Đặc điểm tốt Đảng nắm hết mất cả rồi. Nhàn bảo anh cứ nói. Bèn nói: dân ta có ba truyền thống tiêu cực, đúc thành ba cái mặt Trạng tiêu biểu. Một là Trạng Lợn, không học hành gì toàn nói mò nhưng ngáp phải ruồi mà đúng…
– Mày nói cụ thể ra đi mày. Tại sao lại cho anh đồ tể vào vai trạng ngáp ruồi này?
– Vì chân lý cứ theo cánh ruồi mà bay vào miệng anh ta thật. Và với anh ta, chân lý ngáp ruồi cao nhất cũng chỉ để anh ta eng éc cạo lông, moi lòng gan thôi.
– Còn hai trạng nữa?
– Anh thứ hai là Trạng Quỳnh. Thuần một võ chế và lỡm. Cũng hay nhưng hiệu quả vẫn là Chúa chết thì Trạng cũng toi và võ này đòi lủi giỏi, phủi tay nhẹn, không được đàng hoàng cho lắm. Anh này dễ là một trong vài yếu tố làm nên câu “trước mặt ông sứ, sau là thằng Ngô” hai mang mà sống. Còn anh thứ ba là Thằng Bờm, một thứ Trạng có thể nói là tổ sư ăn sẵn. Ao sâu cá mè là ngư nghiệp, chăn nuôi lên ngành chính như nay đang nói đấy nhưng anh ta không làm. Chim đồi mồi là gì? Là tiền thân của Disneyland, dịch vụ văn hoá nhưng anh lắc. Ba bè gỗ lim, vừa lâm nghiệp vừa thương nghiệp, đúng không? Anh cùng khinh tái. Còn tại sao tài sản của Trạng Bờm lại là quạt mo? Vì công – cụ – đổi – được – lấy – mọi – tài – sản – quý – hoá, cái bảo bối quý nhất này cứ quơ tay là có, giá thành của nó ngang với cái công – cụ – cọng – cỏ mà hắc tinh tinh cầm chọc vào lỗ mối câu mối lên ăn. Tóm lại, cất cánh bay lên không cần vốn ban đầu hay tư bản hay tư duy quái gì hêt. Đã thế quạt lại đa chức năng: che đầu, quạt mát, lót đít và giấu mặt cho đỡ hư hao kho liêm sỉ. Hiện tượng phú ông lép vế cũng rất A.Q (nhân vật trong truyện A Q của Lỗ Tấn – BT): mày giàu nhưng thua, tao nghèo nhưng thắng. Nên biết Bờm vi vu chín tầng mây được là nhờ không cần tính đếm đến giá trị, đứng trên “rừng vàng biển bạc”. Vậy ba truyền thống trạng – thắng – tuốt – tất – cả này nói lên cái gì? Nói lên cốt cách ăn sẵn hay ăn sổi ở thì, coi thoả miếng ăn nhãn tiền là mục tiêu cao nhất nhưng cuối cùng tất cả thực chất chính là ca ngợi hư vô giá trị cũng như ao ước đổi đời bằng không tưởng. Suy cho cùng, không tưởng chính là biến thái triết học tinh vi của lười. Nhưng thôi, nói nghiêm thì tớ cũng là một Trạng Quỳnh, một Trạng Lợn. May mà chưa đến nỗi khì với miếng xôi.
– Này, Đĩnh, mày nói đến hư vô giá trị hay đấy, Văn Cao nói. Làm gì bây giờ mày?
– Bao giờ sáng tạo chứ không nhặt mo cau làm cái vốn ban đầu vô giá. Ví dụ cậu làm Bến xuân, Mắt em như dáng thuyền soi nước. Cậu thấy ra cái ràng buộc nội tại mà trong cơn thổn thức cậu đã táy máy đem suối kết móc vào với mơ, mắt, dáng, thuyền, soi, nước, nhất là dáng với thuyền. Bao giờ thấy một câu thơ hay, một nét nhạc đẹp hay cái mặt Nguyễn Tuân được Nguyễn Sáng hoá phép thành mặt trăng sơn mài bồng bềnh mờ đóng càn khôn là vật chất hay ngược lại, bao giờ thấy cái tiều tuỵ vật chất chính là biểu hiện bản chất nhất, đáng khóc u hu nhất của sáng tạo trí tuệ tiều tuỵ thì có hy vọng hết được hư vô vật chất, hư vô giá trị.
Hoà bình, ký hiệp định Paris xong, mấy chục văn nghệ sĩ đi tàu thuỷ xuôi sông Hồng xuống Thái Bình nhờ Hùng Văn báo Độc Lập tổ chức. Chiều, Văn Cao, đám Tạ Bôn vĩ cầm, Nguyễn Đức Tuấn piano, Mỹ Bình, Diệu Thuý hai cô ca sĩ và tôi la cà ở phố. Đúng lúc học sinh tan học.
Chúng tôi liền bị vây kín. Các cháu hềnh hệch nhìn chúng tôi cười, cãi nhau: Đéo phải Liên Xô, Liên Xô to cơ. (Tôi phì cười: Văn Cao bé teo, gầy còm, xanh xao). Ừ nhưng là Tây… đéo phải ta. Văn Cao nói: “Các bác là người Việt Nam, ăn rau muống”.
Cười ầm lên, vỗ tay. Tây nói tiếng ta, a, nói sõi lắm. Á sí bà sà, pa li pa lô… Một cháu nạt lại.
Rẽ về cống khu trụ sở tỉnh uỷ, Văn Cao bảo tôi:
– Tớ thấy các cháu lầm chúng ta là Tây, mà tớ muốn khóc đấy.
Tồi nói:
– Tớ cũng thế. Bước chân dồn vang trên đường gộp ghềnh xa đến cả nửa thế kỷ chống kẻ thù rồi mà các thiếu nhi tỉnh năm tấn đầu tiên của miền Bắc lại ngỡ tác giả bé tí teo của Tiến quân ca là Tây!
Lúc ấy thật ra tôi muốn xin lỗi Văn Cao: Trẻ con nó nhầm chúng mình là Tây thì buồn nhưng sáng nay ngồi ở mũi tàu, tớ nói nhăng Bến xuân hay nhất trong các bài hát của cậu thì là đáng xấu hổ.
Cũng trong chuyến đó, khi tàu qua vùng Dạ Trạch, Nguyễn Tuân và tôi tán chuyện trên boong. Võ An Ninh chĩa máy ảnh ra: “Hai ông ngồi với nhau hay quá. Chụp nhá!” Nguyễn Tuân ngả đầu ra sau, giang hai tay cười toét. Sau đó, bảo tôi: Đứa nào xem ảnh hỏi Tuân nó vui cái gì thế thì ông cứ nhớ cái bối cảnh này mà trình bày rõ và đủ hết ngôn từ cho tôi. Kia, con thuyền nan đang chở khách qua sông kia, à, tôi chỉ vào nó mà bảo ông rằng: Chúng ta trung trinh với truyền thống thế kia cơ đấy. Thời Lý Công Uẩn cưỡi thuyền rồng ra đây cũng gặp những chiếc thuyền nan chở khách thế này. Mấy thế kỷ rồi mày, đáng sư cha nhà nó lên chưa, Đi… ĩ… nh?
Bây giờ xem lại bức ảnh có dấu nổi Võ An Ninh, thấy hai bộ ria chỏng vào nhau cười cợt thấy cũng ngồ ngộ.
Tôi muốn nói thêm đến Vương Trí Nhàn. Hôm anh hỏi tôi đặc điểm người Việt Nam, tôi đã chột dạ. Vừa “giải phóng” không lâu, và đảng thường xuyên ca ngợi, tổng kết đặc điếm của Việt Nam thì sao anh lại phải hỏi tôi điều đó, đứa chống đảng? Nhất là khi nghe tôi bảo chỉ nói đặc điểm xấu, anh có nghe không thì anh vẫn “anh cứ nói đi”, Tôi chợt thấy anh sớm tâm thành tìm lẽ phải và đặc biệt tâm thành muốn thoát khỏi cái lõng tô hồng đánh bóng chính thống, để tìm tới chân lý.
***
Năm 1976, Lê Duẩn thấy phải tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội ở cả nước. Ở Đại hội 4, ông đã chỉ cho thế giới thấy hướng tiến lên này (do Việt Nam – hay chính Duẩn – chỉ ra và tạo điều kiện) là sát sườn!
Đầu tiên đổi tên nước. Cộng Hoà Dân Chủ Đức, Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa, chẳng chủ nợ nào dám như con nợ nhảy lên đỉnh danh thơm. Họ có tiền nhưng chí thấp, tầm nhìn xoàng! Hơn nữa Đảng tưởng cho dân leo tót lên chủ nghĩa xã hội mộng ảo bằng đôi cánh duy ý chí thì dân sướng ngất! Ai ngờ dân lại kháo nhau: Mới dân chủ cộng hoà đã chống mông gào khổ thì tống thêm anh vô tư hữu này nữa vào sẽ càng khốn nạn.
Tôi nghiệm thấy dân luôn là đấng tiên tri! Ở lĩnh vực thất bại của Đảng.
Tên phố ở Sài Gòn đổi ầm ầm. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng Độc Lập tên dinh và Tự Do tên đường phải cho biến, ừ, Độc Lập sao bằng Thống Nhất, Tự Do sao bằng Đồng Khởi? Hồng Thập Tự đối thành Xô viết Nghệ Tĩnh – dân ta thiết gì các tổ chức tay sai đế quốc! Hiền Vương bị hậu duệ gái Võ Thị Sáu đá khỏi cái rẻo phố cuối cùng sót lại cho ông. Pasteur nhường chỗ cho Minh Khai. Bà “cứu nước” có giá hơn, Pasteur nhân đạo chung chung ấy mà (Pasteur nay trở lại như cũ – BT) Một nhà giáo bảo tôi: Cho trường lớn nhất mang tên bà này là nhằm một ý thâm hậu về trồng con người mới xã hội chủ nghĩa vì con người Việt Nam cũ lạc hậu, không có tinh thần quốc tế vô sản. Minh Khai là người phụ nữ Việt Nam duy nhất từng dự Đại hội Đệ tam Quốc tế với Nguyễn Ái Quốc và hơn nữa cùng ở chung buồng.
Những ngày đầu tiên vào Nam, tôi hay đoán tìm một con mắt nhân chứng Chàm đã hoá thạch ở cửa các toà tháp, giống như kim chiếc đồng hồ những người bị nạn dừng lại ở giây phút quyết liệt. Rồi bồi hồi nhớ tới các vương triều Thuỷ Chân Lạp, Champa. Tôi thường nhìn tít ra biển cố nhập vai người Chàm ở Tam Kỳ, Bồng Sơn một sớm nào đó vào năm 1471 chẳng hạn, bỗng thấy sau rặng dừa buồm chiến thuyền Việt lô xô rẽ vào. Mẹ ẵm con chạy ra sao? Chết chóc, đốt phá? Giá như dành cho một vài tên vua đã để mất nước đó, chẳng hạn Trà Toàn, một đoạn phố cho con cháu họ tuy thành công dân Việt rồi vẫn có cái để hoài niệm tổ tông? Lê Thánh Tôn thân hỏi Trà Toàn. Được mấy con? Được 10. Vua sai quân lính đưa dẫn thong thả, người ta cũng là vua một nước.
Ừ, sao không cho một vị vua Chàm nào lên tên phố? Và sao không một đường Dương Văn Minh? Sài Gòn còn nguyên, mạng dân Sài Gòn còn vẹn! Lại hoạ sĩ Cát Tường Lemur, tổ sư áo dài Việt, cái áo mà báo chí đang nức nở tự hào là thế giới bị nó “hớp hồn”, ừ, mà sao không rước Cát Tường lên? Di sản của ông đáng giả hơn thơ văn của nhiều tác giả chỉ có vài ba bài mà cũng lên tên phố.
Một cụ bạn nói ta giỏi học cái ngoại hình và thú vị là khi đã học thì đều đem giáng cấp thiên hạ xuống nhờ cứ tác hoá tộ vung tán tàn. Con tôi, cụ kể, mướn một cô chờ đi lao động ở nước ngoài nói tiếng Anh thế này. Dao thành lai phờ, tên cháu thành mai lêm, rồi đon lô thành không biết. Tôi ra Hà Lội nghe phụ lữ lói mà đúng nà đỏ nừng mặt nên. Chủng (chúng) em, hẻn tổi (hẹn tối,) vế nhả (về nhá).
Tôi hỏi Cao Xuân Hạo. Hạo nói: Toàn dấu hỏi nửa vời, và bỏ dấu huyền đi. Ba ơi ba chứ không phải bà ơi bà. Diêm dúa và véo von thành tiêu chuẩn sang quý. Ông ơi, Thạch Thất hoá mất rồi.Nống thốn bao vây thanh thí thanh cống vế cơ bán rối đây, đang mưng lăm… tức là đảng mừng lắm vì đã bao vây và tiêu diệt thành thị.
– Tiếng Thạch Thất lên ngôi thì rồi có ngày Thạch Thất thành trung tâm Hà Nội, tôi đùa. Mà này, mình đã khai cung ở đó. Hồi khai cung ở chân chùa Tây Phương, tôi nói, ta phét lác sáng tạo ngay cả tên lửa, máy bay Liên Xô – vì cần đề cao Mao hơn Liên Xô và ta đã cải biến MiG. Đó là gắn thêm vào buồng lái một cái móc để treo điếu cầy. Khi phi công đang bắn mà thèm hút thì chỉ cần chem chép miệng như kiểu gọi chó là cái điếu liền tự động đến ấn ngay vào miệng phi công. Giỏi nữa là dù máy bay nhào lộn thế nào, cái điếu vẫn treo xuôi, nước điếu không chảy làm cho rông trận không chiến và làm sặc phi công đang cần đã cơn nghiền. Bí mật cải tiến này ta không cho Liên Xô biết. Có thể báo phần nào cho Trung Quốc thôi. Như kỹ thuật đặc công vậy. Không dạy Liên Xô nhưng bảo cho Trung Quốc tí chút. Tớ nghe phố biến ở báo Nhân Dânlà tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị (về dạy đặc công cho hai ông anh) như vậy.
Sáng chế điểu cầy bay lượn trong không của tôi đã vào biên bản khai cung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét