Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Vinafood chỉ cần đóng vai trò đi tìm thị trường cho gạo Việt Nam rồi kết nối công ty trong nước với công ty nước ngoài.
Không cần cạnh tranh gạo chất lượng cao với Campuchia, Thái Lan
Bình luận trước thông tin xuất khẩu gạo của Việt Nam qua Trung Quốc đang đối mặt với một đối thủ tiềm năng, đó là “hiện tượng” Campuchia, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng điều này chưa thực ra đáng lo bởi gạo Campuchia hiện nay chưa cạnh tranh được với Việt Nam ở phân khúc gạo cấp thấp và trung bình.
Tuy nhiên, ở phân khúc gạo cao cấp Campuchia lại hơn Việt Nam bởi Phnom Penh sản xuất chủ yếu gạo mùa, giống tốt, năng suất chỉ tầm hơn 2-3 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam không ai trồng do nông dân Việt chỉ muốn trồng lúa chất lượng kém hơn nhưng năng suất 6-7 tấn/ha.
Ngay cả khi Việt Nam trồng giống lúa Jasmine ngon hơn, thơm hơn, năng suất đạt 5 tấn nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với gạo Thái Lan hay Campuchia ở phân khúc gạo ngon.
"Lượng gạo Campuchia xuất khẩu qua Trung Quốc có thể là gạo ngon, chứ không phải gạo thường. Gạo ngon này Việt Nam thua Thái Lan, Campuchia", ông cho biết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh |
Vị chuyên gia cũng gạt bỏ nỗi lo Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế đa dạng nguồn cung thế nào để ép lại gạo Việt Nam bởi theo ông, Trung Quốc vẫn phải mua gạo cấp thấp, trung bình của Việt Nam do giá rẻ hơn để phục vụ nhu cầu của đại chúng. Do đó, ở phân khúc này Việt Nam không phải sợ.
Dù nhu cầu của người dân Trung Quốc ngày càng muốn ăn gạo ngon hơn và sẵn sàng chi tiền để mua gạo chất lượng cao, nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân chỉ ra thực tế rằng người dân Việt không ai muốn trồng giống lúa ngon như của Thái Lan hay Campuchia.
"Việt Nam không có giống lúa chất lượng cao như Thái Lan, Campuchia, tuy nhiên có thể trồng trở lại các giống lúa cũ ngon cũng đạt năng suất 2-3 tấn/ha. Điều đáng lưu ý là nông dân Việt không chịu trồng vì năng suất thấp quá, ngay cả lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng muốn lúa năng suất cao, trong khi đó Thái Lan và Campichai chỉ chú trọng đến chất lượng, không cần thiết lo số lượng. Đó là điểm khác nhau giữa Việt Nam và Thái Lan, Campuchia.
Bây giờ nói đưa giống lúa năng suất 3 tấn/ha vào trồng, hiếm có nông dân nào chịu. Hiện nay chỉ có doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ Viễn Phú mới trồng giống lúa cũ nhưng độ thơm của nó không bằng của Thái Lan, Campuchia. Họ bán được với giá cao hơn cả Thái Lan, Campuchia, nhưng số lượng còn rất ít. Cũng như gạo thơm Campuchia bán đi các nước tính ra cũng chỉ có 200-300.000 tấn", GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.
Vị chuyên gia đầu ngành nông nghiệp chỉ rõ, nếu Việt Nam cạnh tranh với gạo chất lượng cao của Thái Lan, Campuchia thì không có lợi. Ông làm thử một phép tính: "Giả sử Thái Lan, Campuchia trồng được 3 tấn lúa trên 1ha, qua xay xát được 1,8 tấn gạo, bán giá 700-800 USD/tấn, trong khi gạo Việt 1 năm trồng được 2 vụ, thậm chí có nơi trồng 3 vụ, năng suất 7 tấn/ha, tính ra được khoảng 10 tấn gạo/2 vụ sau khi . Nếu so giá trị 1,8 tấn gạo của Campuchia, Thái Lan với 10 tấn gạo Việt Nam, rõ ràng Việt Nam được lợi hơn rất nhiều.
Do đó, đừng chạy theo Thái Lan, Campuchia làm gì, sẽ chẳng ai chịu làm vì không có lời bằng việc trồng lúa năng suất cao. Chỉ có điều Vinafood không tìm được thị trường tốt để Việt Nam bán gạo giá cao hơn. Nếu bán được gạo giá cao hơn, Việt Nam sẽ lời hơn rất nhiều.
Một phần chúng ta không bán được gạo giá cao hơn là vì gạo bây giờ nhiều quá. Gạo cấp thấp của Việt Nam đang có quá nhiều, phải chi chúng ta bớt sản xuất gạo cấp thấp, chuyển qua trồng xoài, bưởi theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL thì được lời rất nhiều.
Hay chuyện ĐBSCL bị xâm nhập mặn, tôi cho rằng không nhất thiết phải bám lấy cây lúa suốt đời. Người dân có thể chuyển cây lúa sang nuôi tôm, khi ấy người ta thấy nước mặn là kẻ thù nữa mà là cứu tinh cho nông dân có thể nâng cao thu nhập", GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Về việc Thái Lan dự kiến sẽ triển khai chiến lược 20 năm về lúa gạo, đồng thời nghiên cứu việc chuyển dòng cửa sông Loei, một nhánh của sông Mekong, để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở Đông Bắc nước này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Thái Lan đang nhảy vào phân khúc gạo cấp thấp cạnh tranh với Việt Nam nhưng chắc chắn sẽ không bằng. Thái Lan chỉ mạnh ở phân khúc gạo chất lượng cao, còn gạo phẩm cấp thấp, năng suất cao không ai qua được mặt Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét