Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Năng suất lao động Việt Nam thấp: Làm thuê kiểu... ăn đong

- Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, Việt Nam gia công cho nước ngoài theo kiểu thuê gì làm nấy, không có thị trường nên thua kém các nước.

Đứng trên vai người khổng lồ
Trước câu hỏi nếu cứ gia công giá rẻ cho nước ngoài mãi, năng lực kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: "Trước hết phải khẳng định Việt Nam không thể tranh với doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn, Walmart là tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ có thể có hàng chục nghìn cửa hàng và họ đã xây dựng thương hiệu hàng trăm năm nay, họ có thể bán chiếc áo sơ mi giá 50 USD nhưng dù áo sơ mi của May Hưng Yên đưa vào đó bán giá 20 USD cũng chẳng ai mua. Đây là vấn đề thương hiệu. Việt Nam không có thị trường, thị trường là của người ta và đừng nghĩ có thể tranh chấp được chuyện đó.
Phải xác định chúng ta đứng trên vai những người khổng lồ, hãy cứ làm tốt nhất từ năng suất tới chất lượng ở công đoạn của mình để doanh nghiệp ngoại không thể không đầu tư vào Việt Nam, để đến lúc người ta phải chỉ định mặt hàng đó chỉ sản xuất tại Việt Nam mà không phải nước khác, khi ấy giá của chúng ta dần dần từng bước được nâng lên. Còn bây giờ cứ tranh chấp, cứ kêu gào đầu tư vào sợi, dệt... trong khi thị trường không có thì chỉ rơi vào tình trạng càng đầu tư càng lỗ. Bài học dệt nhuộm Phố Nối của Tập đoàn Dệt may là 1 ví dụ, đầu tư hàng trăm tỷ cuối cùng đắp chiếu để đấy".
Bên cạnh đó, để cải thiện năng suất lao động, ông Dương khẳng định, trước hết phải nâng cao tay nghề cho người lao động. Lâu nay xảy ra tình trạng người lao động khi ra trường không dùng được nên hầu hết các doanh nghiệp phải tự đào tạo, có thể đào tạo từng bước hoặc nhiều bước, tùy theo loại hình sản xuất. Ví dụ, sản xuất chuyên môn hóa cao thì chỉ đào tạo từng công đoạn để người lao động nâng cao năng suất.
Về quản lý, quản trị, giảm số lao động không trực tiếp tạo ra sản phẩm thông qua đầu tư công nghệ thông tin.
Ngoài ra, đầu tư về thiết bị, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may đã đầu tư tương đối hiện đại. Còn lại một số doanh nghiệp mới thành lập không có tiền đầu tư thiết bị của Nhật thì phải sắm thiết bị Trung Quốc và chấp nhận phương án khi đã có điều kiện thì 2-3 năm sau bán thiết bị đó đi, đầu tư thiết bị mới.
Riêng với May Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, một năm doanh nghiệp ông đào tạo khoảng 20-30% số lao động. Cách đào tạo không phải theo kiểu của nhà trường mà là đào tạo phân khúc. Ví dụ, khi mới vào có thể đào tạo 1-2 tháng để người lao động có thể làm được một số công đoạn cơ bản, hiểu được yêu cầu công việc, nâng cao ý thức, sau đó 5-7 tháng những người có khả năng sẽ được đào tạo tiếp để làm thêm bộ phận trung bình và khoảng 1 năm sau thì tiếp tục chọn những người khá để đào tạo làm những công đoạn khó. Sau khoảng 2 năm, một người lao động có thể làm 4-5 bộ phận, trong dây chuyền sản xuất, người nào thiếu, vắng lập tức họ có thể sang làm được, những người này gọi là thợ toàn năng.
Về máy móc, May Hưng Yên chủ trương cứ 5 năm thay đổi một thế hệ máy móc, thậm chí các thiết bị dưới 20 triệu chỉ khấu hao trong 2-3 năm là hết, phải thay thiết bị khác.
Khẳng định cơ hội của ngành dệt may trước TPP, nhưng ông Dương cũng lưu ý rằng còn rất nhiều thách thức, đặt biệt là dệt may Việt Nam phải đối mặt với quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Muốn đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế, Việt Nam chỉ có cách mua nguyên liệu của các nước thuộc TPP.
"Sợi chúng ta đã có, giờ đầu tư dệt, nhuộm. Ba công đoạn này nếu bây giờ đầu tư thì quá đắt. Lâu nay doanh nghiệp may Việt Nam mua của Trung Quốc 1 đồng, dẫu có chịu thuế thì vẫn có lãi, còn nếu tự làm mất 1,5 đồng, trừ cả thuế ưu đãi rồi mà vẫn lỗ thì có ai làm hay không? Đây là vấn đề kinh tế, chủ trương là thế nhưng Nhà nước phải hỗ trợ vốn, tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chưa Việt Nam lấy đâu tiền để đầu tư dệt may?
Năm 2013, tập đoàn Texhong của Hồng Kông đầu tư một lần vào nhà máy sợi ở Quảng Ninh tới 500 triệu USD (11.000 tỷ đồng), bằng 2 lần vốn điều lệ của Tập đoàn Dệt may. Tập đoàn Dệt may đang chuẩn bị lập khu công nghiệp dệt may tại Nam Định để lôi kéo nước ngoài đầu tư 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Đây là con đường đi của doanh nghiệp Việt Nam, không có vốn phải hợp tác liên doanh với nước ngoài. Vừa rồi chúng tôi làm việc với một số doanh nghiệp Ấn Độ, họ nói nếu chúng tôi đồng ý họ có thể đầu tư vào nhưng với điều kiện chúng tôi phải bỏ tiền 1 phần, bao tiêu sản phẩm nhưng Việt Nam làm gì có thị trường để mua vải? Đây là vấn đề Nhà nước phải cùng với ngành may, kết hợp với nước ngoài mới có thể làm được", ông Dương nói.
Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét