Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Bài 2: Tả Củ Tỷ - Mờ mịt mây mù

Xã Tả Củ Tỷ cách thị trấn Bắc Hà trên 40 cây số, nằm sau dãy núi Khau Luông. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống Tả Củ Tỷ bị vây bọc bởi những dãy núi đá vôi cao chất ngất, mờ mịt sương mù. Trước đây khi chưa có đường ô tô những người khoẻ ở Tả Củ Tỷ phải đi bộ từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt mới tới Bắc Hà, người yếu phải ngủ lại ở Lùng Phình sáng hôm sau đi tiếp. Tả Củ Tỷ giống như một ốc đảo trên núi. Nói đến Tả Củ Tỷ những người dân ở Bắc Hà cũng phải rùng mình. Tháng 12/2000 đường ô tô mới mở lên Tả Củ Tỷ.
Nói là đường ô tô nhưng chỉ là đường đất, mùa khô may ra ô tô mới leo lên được, còn mưa xuống không lái xe nào liều mạng cả. Thế cũng là tốt lắm rồi. Nhờ có đường ô tô mà Tả Củ Tỷ không còn bị cô lập bởi những dãy núi cao chọc trời. Nhiều người già sống trên núi cả đời lần đầu tiên nhìn thấy ô tô không giống con ngựa bốn chân nhả khói chạy nhanh như gió thì kêu lên vì kinh ngạc, còn đám trẻ đuổi theo ô tô hò reo ầm ĩ. Năm 2004, đường lên Tả Củ Tỷ được rải đá, năm 2008 bắt đầu rải nhựa, nhưng cho đến nay công việc mới chỉ bắt đầu.
Tiếng Quan Hoả Tả Củ Tỷ nghĩa là nương lúa to, nằm giữa hai sườn núi dốc. Chủ tịch xã Giàng Củi Dín cho hay, cả xã chỉ có 6 thôn: Tả Củ Tỷ, Sảng Mào Phố, Ngải Thầu, Sông Lẫm, Xín Chải và Sả Mào Phố với 273 hộ, nhưng có đến 163 hộ thuộc diện hộ nghèo. Tôi hỏi những hộ khá giả ở đây thế nào? Chủ tịch Dín ngần ngừ một lát rồi bảo: Ngoài số hộ nghèo ra còn lại đủ ăn, có một ít gia súc, nhưng không nhiều lắm đâu… Rồi anh giở sổ đọc cho tôi ghi chép: Ruộng một vụ có 109 ha, ngô 114 ha, chè Shan 122 ha…
Từ khi có đường ô tô người dân ở đây mới có điều kiện dùng các loại phân hoá học, kết hợp với phân gia súc năng suất mới đạt 3,5 tấn/ha, trước đây cũng chỉ được trên 2 tấn/ha. Bởi thế, chỉ còn vài ba hộ đói. Phó chủ tịch xã Lừu Văn Tương lắc đầu: Không thiếu ăn nhưng chẳng có tiền tiêu. Mọi thứ từ quần áo, sách vở… tất cả đều nhìn vào hạt thóc và mấy con lợn con gà. Chăn nuôi trâu bò mỗi nhà cũng chỉ được vài con, vì không có bãi chăn thả, chỗ nào có nước thì làm ruộng rồi, vụ rét vừa qua cả xã chết 120 con trâu bò, chết rét một phần chủ yếu là chết đói…
Nói rồi Lừu Văn Tương dẫn tôi đi xem mấy nương chè Shan trồng từ năm 2003. Năm ngoái giá chè búp tươi có lúc lên tới 10.000- 12.000đ/kg, nên người dân bỏ công chăm sóc, còn năm nay giá chè chỉ có 2.000 -2.500đ/kg, chẳng bõ công hái, nương chè nhà nào thưa thì họ gieo lúa nương vào giữa các luống chè, còn lại thì bỏ đấy, cỏ cũng chẳng làm, chè cũng chẳng hái. Trên đường ra nương chè chúng tôi đi qua mấy đám ruộng mạ nhà anh Tương, tôi quá bất ngờ bởi ruộng mạ nhà anh gieo trên ruộng mà đất khô khốc như gieo trên nương, mạ đã cao hơn một gang tay, các cây mạ đã có ngạnh trê.
Anh cho biết: Mạ nhà anh gieo được hơn 30 ngày rồi, không có nước nên gieo mạ như gieo lúa nương. Bà con ở đây chủ yếu cấy các loại giống lúa lai, tất cả đều gieo như thế, làm như vậy quen rồi, bảo gieo trên ruộng nước thì không ai biết làm. Nhà anh thuộc hộ có nhiều ruộng ở Tả Củ Tỷ, mỗi năm cấy 40 kg lúa giống, không có đủ phân chuồng nên mỗi vụ phải bón 7 bao lân, 4 bao NPK, 6 bao đạm. Phân vô cơ cũng chỉ mới sử dụng từ khi có đường ô tô, trước đây chủ yếu cấy chay, nên năng suất thấp, thiếu ăn triền miên.
Giá phân bón năm nay cao quá, một bao đạm mua tại Lùng Phình là 480.000đ/bao, chưa kể phải chở bằng xe máy mất 50.000đ tiền xăng. Lại phải bán thóc, lợn gà để mua phân bón, cây lúa quen bón phân rồi nếu không có phân thì chẳng được gặt, nên đắt mấy cũng phải mua, biết làm sao được, mà giá thóc bán ở đây cao lắm cũng chỉ được 500.000đ/kg. Từ lâu người dân Tả Củ Tỷ vẫn luôn phải mua đắt bán rẻ. Anh Tương cho biết: Do giá phân bón cao nên người Dao ở đây đã trộn tất cả các loại phân bón với phân gia súc trong một cái hố gần ruộng, khi cấy họ kéo theo một chậu phân, mỗi gốc lúa dúi một cục phân, nên lúa của họ bao giờ cũng tốt hơn lúa của các dân tộc khác…
"Con cháu làm gì để sống đây?"
Huyện Bắc Hà vận động người dân Tả Củ Tỷ trồng chè để tạo ra sản phẩm hàng hoá, giúp người dân làm giàu. Nhìn những nương chè thưa thớt, rậm rì cỏ dại cộng với giá cả như hiện nay thì chẳng mấy năm nữa hơn gần 100 ha chè trồng năm 2003 sẽ bị chết, hoặc người dân sẽ phá bỏ để trồng lúa nương là điều khó tránh khỏi. Lừu Văn Tương thở dài: Đất càng ngày càng bạc màu, núi đồi rộng mênh mông thế kia nhưng chẳng thể trồng được cây gì đâu, không biết mấy chục năm nữa con cháu làm gì để sống đây?
Trên đường trở về chúng tôi ghé vào nhà Phàn Văn Trui ở thôn Sảng Mào Phố, anh chẳng ngần ngại: Nhà mình mỗi năm thu gần 1 tấn thóc, ngô chỉ gieo 1 cân giống nên chẳng được bao nhiêu, năm nào cũng thiếu ăn 2-3 tháng. Sắp hết thóc rồi, kiếm được đồng nào thì gửi cho con đi học ở dưới huyện, nên nhà chẳng có gì đâu. Tôi hỏi: Điện lưới quốc gia đang kéo về đây, khi nào có điện thì phải mua ti vi cho con xem chứ. Trui lắc đầu: Trên bảo Tết vừa rồi có điện, nhưng đến bây giờ chỉ nhìn thấy cột điện, chưa nhìn thấy dây. Chắc còn lâu nữa. Có điện cũng thế thôi, chẳng có tiền mua ti vi đâu, cả khu vực trụ sở này có 4 -5 cái ti vi, bọn trẻ vẫn đi xem nhờ mà…Trui chỉ cô bé mặc áo xanh đang ngồi cạnh bếp: Con gái đầu của mình là Phàn Thị Hoa đấy, nó học Trường nội trú của huyện, sang năm vào lớp 10 rồi. Tôi bảo nó học cố lên, sau đi học làm cô giáo hay y tá gì đấy, làm ruộng ở Tả Củ Tỷ chẳng bao giờ đủ ăn cả…
Nhìn những đám mây đen đang kéo về vần vũ trên các đỉnh núi, chúng tôi không dám nán lại, nếu mưa xuống nhiều đoạn đường đang san ủi có thể sạt lở bất thình lình, như vậy không biết đến bao giờ mới có thể ra được. Khi vượt qua dốc Lù Sú Tủng- nơi dòng suối chui vào lòng đất, chúng tôi quay nhìn lại Tả Củ Tỷ, tất cả lúc này đã chìm vào cơn mưa trắng trời, phía dưới đó là dòng Nậm Ke đang gầm gào đổ ào ạt nước sang huyện Xín Mần của Hà Giang.
Thái Sinh (NNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét