KTNT - Võ Phi Nhật Huy được biết đến với hình ảnh một doanh nhân thành đạt, sở hữu nhiều công ty có giá trị hàng triệu đô, hàng ngàn bất động sản cho thuê. Vậy đâu là sự thật?
Chuỗi công ty trị giá 5 triệu USD của “thánh nổ”?
Theo thông tin trên website, Tập đoàn Big Group được thành lập vào năm 2010, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực quản lý và khai thác bất động sản cho thuê với thương hiệu phongdep.vn cùng nhiều các công ty thành viên (Công ty Cổ phần bất động sản Bigland, Công ty Cổ phần đào tạo BigSuccess, Công ty Cổ phần kiến trúc xây dựng BigArch, Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế BigInvest, Công ty TNHH BigTech, Công ty TNHH BigCares). Chủ tịch HĐQT tập đoàn này là Võ Phi Nhật Huy.
Võ Phi Nhật Huy (dấu X) trong khóa đào tạo tại Vũng Tàu vào tháng 9-2015
Ông Phan Nguyên Lễ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Bigland, cho biết: “Hiện nhiều công ty thành viên trong Tập đoàn Big Group hoạt động không hiệu quả và cầm chừng. Chẳng hạn như Big Hotel hiện chỉ có 1 khách sạn tồi tàn về cơ sở vật chất, tọa lạc tại số G3/84 đường Hưng Phước, quận 7, hiện đã chuyển qua hình thức phòng trọ. Còn Big Office chỉ có 1 văn phòng ở đường Nguyễn Thị Thập, quận 7. Nguồn tiền chính để nuôi cả tập đoàn mà đúng hơn là nuôi Huy chính là việc bán những khóa học về bất động sản. Còn hơn 300 phòng cho thuê thì số lượng phòng trống rất nhiều”.
Còn theo chị Vi Thị Trúc Ly, từng làm Phó Giám đốc kinh doanh dự án của Bigland, hiện khối bất động sản cho thuê đăng tải trên website của Big Group lên tới hàng ngàn, trải dài khắp 3 miền là không chính xác mà chỉ dao động ở mức trên dưới 300 phòng. Những khối bất động sản cho thuê này được huy động từ nguồn tiền của chính những người từng theo các khóa học kinh doanh bất động sản nhưng vẫn đứng danh nghĩa công ty. Đồng thời các dự án kinh doanh của Bigland đều thua lỗ, chưa mang lại lợi nhuận khiến hoạt động của công ty rất khó khăn.
Truy cập vào trang phongdep.vn bằng các thao tác thủ công, chúng tôi nhận thấy hiện chỉ có trên dưới 400 phòng, khác xa việc “thánh nổ” rêu rao có hàng ngàn khối bất động sản cho thuê. Các khối bất động sản cho thuê này cũng tập trung tại TP. Hồ Chí Minh chứ không trải dài khắp 3 miền đất nước. Làm một phép tính mỗi phòng có giá thuê trung bình khoảng 5 triệu đồng, trừ tiền nhà thực tế còn lời khoảng 500.000 đồng/tháng thì tổng lợi nhuận sẽ đạt 200 triệu đồng/tháng (tính phòng sử dụng 100%); trừ 10% cho quản lý, trả lương cho giám đốc, nhân viên kinh doanh, bảo vệ, lao công, bảo trì. Vậy phải chăng chuỗi bất động sản cho thuê mà “thánh nổ” này rêu rao trị giá hàng triệu đô được tạo ra từ đây?
Và nghi án “quỵt tiền” nhân viên
Cũng theo ông Phan Nguyên Lễ, để huy động vốn vào mục đích đầu tư, chi trả cho việc mua xe sang trả góp, mua biệt thự biển tại Vũng Tàu, Võ Phi Nhật Huy đã huy động vốn bằng việc thành lập nhiều công ty thành viên, sau đó giao các chức danh chủ chốt của công ty cho nhân viên nhưng ngược lại họ phải góp cổ phần vào công ty và góp vốn để đầu tư dự án. “Các khối bất động sản cho thuê lớn thì huy động vốn từ bên ngoài, nhỏ thì huy động từ chính nhân viên kinh doanh của mình. Trước khi vào công ty làm, tôi có mua cổ phần và tiền đầu tư, sau đó do không hài lòng trong việc minh bạch tài chính, không có đạo đức trong kinh doanh, tôi đã nghỉ việc, phải đi lại nhiều lần cho tới khi lên tiếng nhờ Công an Kinh tế vào cuộc thì mọi việc mới được giải quyết. Được biết, hiện nhiều cổ đông chưa từng được nhận một đồng tiền nào từ các hoạt động kinh doanh của công ty”, ông Lễ cho biết.
Còn chị Vy Thị Trúc Ly đang phải chật vật đòi lại món tiền đầu tư vào dự án nhà khi chị còn làm việc tại Bigland. Chị Ly chia sẻ: “Sau hơn 2 năm gắn bó, cống hiến cho công ty, tới khi ra đi, khoản tiền tôi đầu tư vốn dĩ không sinh lời giờ đây cũng chưa nhận được. Ban đầu, Võ Phi Nhật Huy khẳng định trả số tiền đó rồi, sau lại lại bảo nhầm và nói đã chuyển cho Võ Phi Nhật Quang, đề nghị tìm Quang làm việc. Tôi nghĩ anh Huy đã xưng danh có công ty triệu đô thì việc không trả khoản tiền cho nhà đầu tư phải chăng anh đang muốn “góp gió thành bão” để biến chuỗi công ty của mình thành tỷ đô”.
Các tin nhắn của đại gia triệu đô trong nghi án “cuỗm” tiền nhân viên
Gần đây trường hợp của em Đỗ Đức Huy, quê Đà Lạt, vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 2015 cũng rơi vào vòng xoáy của Big Group. Ông Lễ chia sẻ: “Đức Huy là một người hiền lành, một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường nhưng bị cuốn theo ảo tưởng làm giàu từ bất động sản. Em đã huy động vốn từ gia đình, vay mượn bạn bè, tín dụng đen để mua xe hơi, cổ phần và đầu tư số tiền lên tới vài trăm triệu đồng”. Cụ thể vào tháng 1/2015, Huy vay gia đình 200 triệu đồng để trang bị, mua sắm cho Công ty Cổ phần kiến trúc xây dựng BigArch mà Đức Huy được Võ Phi Nhật Huy hứa phong chức Giám đốc sau khi đầu tư. Qua một thời gian hoạt động không hiệu quả cùng việc lãi mẹ đẻ lãi con, em đã bị mất tích 17 ngày, nhiều nguồn tin cho hay em bị tín dụng đen giữ để gây sức ép lên gia đình. Cho tới khi gia đình mang một khoản tiền trả nợ em mới được về”.
Vì một chút hư danh, ảo tưởng kiếm tiền dễ dàng từ việc “Tự do tài chính bằng bất động sản cho thuê”, nhiều người đang lao đao vì bị cuốn vào viễn cảnh tươi đẹp mà các thánh có kỹ năng “chém gió” siêu phàm vẽ ra.
Một khách hàng đăng trên facebook tỏ ra thất vọng khi thuê căn hộ tại Bigland
Với mức thu nhập cao của các “thánh nổ” từ các khóa học cộng nhiều khối bất động sản cho thuê cùng chuỗi công ty trị giá 5 triệu đô, câu hỏi đặt ra là việc chấp hành nộp ngân sách nhà nước thông qua cơ quan thuế, quy định về hoạt động đào tạo, giảng dạy các kỹ năng như thế nào?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc trong kỳ tới./.
Nhóm PV bất động sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét