Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Gian nan đường đến trường

Những đứa trẻ vùng cao xã Xuân Thái, Như Thanh, Thanh Hóa hàng ngày vẫn đến trường bằng thuyền nan. Cuộc hành trình tìm kiếm con chữ quả là nguy hiểm và đầy gian nan đối với các em.
Lênh đênh tìm chữ
Cơn mưa đầu đông ngày càng nặng hạt nhưng vẫn không cản được bước chân của chúng tôi đến với các em nhỏ vùng cao trong hành trình tìm con chữ. Chạy theo những tuyến đường nhựa quanh co, bên triền núi nhấp nhô, bên vực sâu thăm thẳm. Băng qua những dãy núi cao trùng điệp, chúng tôi cũng đã đến vùng cao Xuân Thái. 
Dừng chân trước bến đò nhỏ, trước mắt chúng tôi hiện ra con sông Mực được bao bọc bởi rừng núi, dưới làn nước trong vắt. Khung cảnh thật thanh bình, yên ả. 
Phút chốc, từ phía xa xa xuất hiện một em gái dáng nhỏ nhắn đang căng mình buông những mái chèo xuống dòng sông. Tôi may mắn được em nhỏ cho lên thuyền ngồi. Hỏi ra mới biết em là Bùi Thị Nụ học sinh trường THCS xã Xuân Thái đang chuẩn bị đón các em nhỏ tan học về. Nụ là học sinh lớp 6, ở thôn 3, xã Xuân Thái. Hàng ngày Nụ vẫn chèo thuyền qua sông, bởi công việc chèo thuyền đã gắn bó với em từ khi mới bắt đầu cắp sách tới trường.
Vừa khua nhẹ những mái chèo xuống dòng sông Mực, Nụ cho biết, “Hàng ngày đi học bọn em vẫn thường xuyên qua lại bằng thuyền, em học vào buổi chiều, còn buổi sáng em đi chăn trâu, cắt cỏ và chèo thuyền sang sông để đưa đón các em nhỏ học cấp 1 về. Mỗi buổi sáng thường là 6h thì tất cả các em ở trong làng đều phải có mặt ở đây để đi thuyền qua sông. Trưa 11h30 lại phải đón các em ấy về. Việc chèo thuyền đi học của em đã quen thuộc từ nhỏ rồi nên cũng dần quen ạ”.
Khi được hỏi: “Tại sao bọn em lại không đi đường bộ cho an toàn?”, Nụ đáp: “Đi đường bộ cũng được anh à, nhưng nhà nghèo chúng em không có xe đạp đi học, mà nếu có đi đường ấy thì rất xa nên đi đường sông cho nhanh anh ạ!”.
Nhìn chiếc thuyền nan với những cánh tay bé nhỏ đang khua mái chèo. Trong tôi nặng trĩu nỗi lo, thương cho các em nhỏ trên hành trình đi tìm con chữ. Nỗi niềm này không của riêng ai, kể cả nhiều người dân sống bên bờ sông Mực cũng có những suy tư trăn trở.
Ông Huấn người dân sống cạnh sông Mực cho biết: “Tôi thấy các cháu đi học như vậy cũng nguy hiểm, nếu không may thuyền đò có trục trặc thì không lường trước được sự việc. Hàng ngày tôi vẫn thấy những chiếc thuyền nan của các cháu chèo qua sông đi học, nhìn cảnh ấy nghĩ mà thương các cháu!”.
Trước tình trạng trên đội ngũ thầy cô giáo viên vùng cao xã Xuân Thái cũng đã hết sức giúp đỡ các cháu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố và điều kiện, hoàn cảnh nên các thầy cô nơi đây cũng mới chỉ kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp nhưng vẫn chưa có tiến triển gì. 
Qua trao đổi, thầy Lê Hồng Lâm, Hiệu phó trường Tiểu Học xã Xuân Thái cho biết: “Toàn trường hiện có 26 lớp, 315 học sinh. Số lượng học sinh đi học bằng thuyền là 21 em. Tổng số cán bộ giáo viên trong trường là 44, trong đó có 39 cán bộ thuộc biên chế, 5 hợp đồng. Về việc các em đi học bằng thuyền, chúng tôi cũng đã kết hợp với phụ huynh nên đưa con em mình đến trường. Cùng với đó kết hợp với Quỹ Chữ thập đỏ xin hỗ trợ mua áo phao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mới kiến nghị lên trên nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ”.
Lênh đênh trên thuyền không có phao cứu trợ rất nguy hiểm mỗi khi qua sông.

Cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu phó Trường THCS xã Xuân Thái cho biết: “Toàn trường có 191 em học sinh, riêng một em bị tai nạn giao thông trên đường đi học về đã mất nên còn 190 em. Cả trường có 4 khối, 8 lớp học. Đội ngũ cán bộ giáo viên tổng là 27, trong đó có 3 giáo viên đang hợp đồng và 24 giáo viên thuộc biên chế. Tình trạng các em đi học bằng thuyền cũng đang được nhà trường và các ban ngành đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương đóng thêm giường chiếu cho các cháu để có điều kiện được ăn ở tại trường. Đồng thời tạo mọi điều kiện cần thiết giúp để đỡ các em”.
Chưa đủ tiêu chuẩn hỗ trợ
Lý do vì sao một số các em học sinh vẫn không được hưởng chính sách hỗ trợ ăn, ở lại tại trường. Do một số quy định hỗ trợ về khoảng cách đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hà cho biết: “Hiện nay, số lượng học sinh ở tại trường là 70 em, trong đó có 33 em là đi qua sông suối, trong tổng số 33 em có 11 em là đang phải chèo thuyền đến trường học. 11 em này có thể đi học bằng hai con đường, một là đường bộ, hai là đường thủy. Nếu đi đường thủy thì chỉ mất 1km là đến nơi nhưng đi đường bộ thì phải mất 5-6km mới đến trường. Theo quy định thì học sinh nào ở xa đến trường trên 7km thì được hỗ trợ. Tuy nhiên, một số các em trên nếu đi đường bộ cũng chưa đủ tiêu chuẩn hỗ trợ, vì chỉ có 5 – 6km. Nhà trường được hỗ trợ xây dựng 10 phòng nhưng trong đó chỉ ở được 4 phòng vì có giường nằm, các phòng lại không có giường nằm nên mùa đông để các em nằm chiếu thì cũng rét mướt”.
Lo lắng cho học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường đã hết sức tạo điều kiện cho các em bằng việc cho một số em học cấp một ăn, ở chung với các anh chị học cấp hai. Hoặc cho một số em vào nhà dân ở để các em không phải đi lại khó khăn. Trước những vấn đề trên phòng GDĐT huyện Như Thanh đã gửi công văn 530 yêu cầu không để cho các em đi học qua sông.
“Vừa rồi nhà trường cũng đã nhận được công văn 530 từ phòng GD ĐT gửi về, Công văn đã yêu cầu phối hợp với UBND xã đóng giường nằm không được để cho các em chèo thuyền qua sông suối. Nhận được công văn này thầy giáo Ngô Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường THCS xã Xuân Thái) đã xuống xã kiến nghị đề bạt đóng giường nằm cho các cháu những vẫn chưa có kết quả”, cô Hà cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Chu Văn Toán (Phó chủ tịch xã Xuân Thái), cho biết: “Trước đây khi chưa có con đường nhựa vào trường rất nhiều cháu phải đi bằng thuyền qua sông. Nhưng nay có đường nhựa vào trường thuận lợi nên số lượng các em đi lại bằng thuyền giảm ít. Lác đác chỉ còn một số cháu đi lại bằng thuyền ở một số thôn ven sông như: Thôn 3 (Ao Ròng), thôn 4 (Làng Lúng), thôn Ba Bái,… Sở dĩ các cháu đi bằng đường sông là do khoảng cách đến trường gần. Nếu đi bằng đường bộ thì mất rất nhiều thời gian. Tuy nhà trường có khu bán trú nhưng chỉ sử dụng được vài phòng còn một số phòng còn lại không sử dụng được vì thiếu cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, số cháu đi học bằng thuyền cũng chưa đủ tiêu chuẩn hỗ trợ vì khoảng cách cự ly. Trên 7km mới được hỗ trợ nhưng một số cháu này đi đường bộ chỉ có 5 – 6km”.
“Trước những vấn đề trên, UBND xã Xuân Thái cũng đã có những văn bản, kiến nghị lên cấp tỉnh, mong muốn các cháu có đủ điều kiện học tập đảm bảo an toàn cho các cháu học tập nhưng vấn đề đang còn phải chờ cấp trên phê duyệt”, ông Toán cho biết thêm.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi lại hành trình trên những con đường ngoằn ngèo, ấy vậy mà các em phải đi về về hàng ngày trên con đường này để đến trường quả là một sự khó khăn, vất vả. Hy vọng các em sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành để ổn định trên hành trình đi tìm kiếm kiến thức của mình.
Nghị Chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét