TTO - "Lực lượng vũ trang của ta rất hùng mạnh, tại sao đánh thắng ngoại xâm mà lại không dẹp nổi đám thảo khấu nhãi nhép hoành hành trong lòng thành phố mình?! Là một người đàn ông, tôi thấy hổ thẹn. Ông thì sao?"
Một tên cướp táo tợn trên đường phố Sài Gòn đã bị công an và người dân bắt giữ - Ảnh: Tư liệu TTO |
Trên đây là câu hỏi nhói lòng mà nhà báo Đoàn Qúy Lâm (Trung tâm Tin tức VTV24, Đài truyền hình VN) gởi đến Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khi tham gia chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM do Tuổi Trẻ làm cầu nối.
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đến bạn đọc "tâm thư" này:
"Thư gửi lãnh đạo thành phố
Kính gửi ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
TP.HCM có nhiều thành tựu, nhưng rõ ràng là vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối cần xử lý. Việc ông vào làm Bí thư Thành ủy mới đây, chắc chắn đã mang đến những kỳ vọng cho hàng triệu người dân của đô thị lớn nhất cả nước này.
Cái chất của một lãnh đạo quả quyết, đầy nhiệt huyết, trí tuệ, trách nhiệm trong ông, tạo niềm tin về một sự thay đổi mạnh mẽ.
Thưa ông, tuy là dân nhập cư, nhưng mười lăm năm mưu sinh ở TP này, tôi đã nhận mình là “người thành phố”.
TP đã mang lại cho giới trẻ nhập cư như chúng tôi công việc, những cơ hội để sống như mình mong muốn; sống để vươn lên đứng vững trên đôi chân của chính mình và phụng sự cộng đồng.
Lực lượng vũ trang của ta rất hùng mạnh, tại sao đánh thắng ngoại xâm mà lại không dẹp nổi đám thảo khấu nhãi nhép hoành hành trong lòng thành phố mình?! Là một người đàn ông, tôi thấy hổ thẹn. Ông thì sao? Tôi cho rằng, những người có trách nhiệm cần phải biết hổ thẹn. |
Nhà báo Đoàn Qúy Lâm |
Cũng như nhiều người, tôi mang ơn Sài Gòn - TP.HCM. Chúng tôi vui, buồn cùng nhịp sống ở đây. Và tất nhiên, chúng tôi cũng tự cảm thấy chua xót, trăn trở trước những vấn nạn tồn tại dai dẳng ngay tại mảnh đất mà chúng tôi yêu quý.
Có thể những điều tôi nói dưới đây, ông cũng biết rất rõ rồi. Nhưng tôi vẫn xin lược trình, ngõ hầu được ông quan tâm, xử lý dứt điểm. Được vậy, tôi tin dân TP sẽ rất hạnh phúc và tự hào về ông.
Ông hãy vi hành cùng một hiệp sĩ đường phố, và họ sẽ chỉ cho ông xem bọn cướp nhiều đến cỡ nào.
Chúng rình rập người dân, cưỡng cướp phụ nữ và cả đàn ông trên từng km đường, từng góc phố. Mất tài sản đã đành, nhiều tai họa theo đó mà ra: tai nạn, thương tích, mất mạng, đau khổ, kinh sợ, bất an, mất niềm tin…
Phần lớn những người phụ nữ mà tôi quen biết (bạn bè, đồng nghiệp, người thân) đều đã từng là nạn nhân của nạn cướp giật.
Một đồng nghiệp nữ của tôi ở Phú Nhuận bị cướp giật đồ kéo ngã xe, đập mặt xuống đường, vỡ xương hàm và gãy cả 2 hàm răng.
Em gái tôi bị cướp giỏ xách ở Tân Phú. Khi em đuổi theo tri hô thì đồng bọn lao xe tông vào em ngã ra đường.
Có gia đình ở Tân Bình cả ba mẹ con đều từng bị cướp, có người bị cướp đến 3 lần. Đó chỉ là vài trong vô vàn ví dụ. Chưa kể đến nạn cướp của du khách nước ngoài, nó cũng vô cùng nhức nhối.
Lực lượng vũ trang của ta rất hùng mạnh, tại sao đánh thắng ngoại xâm mà lại không dẹp nổi đám thảo khấu nhãi nhép hoành hành trong lòng thành phố mình?! Là một người đàn ông, tôi thấy hổ thẹn. Ông thì sao? Tôi cho rằng, những người có trách nhiệm cần phải biết hổ thẹn.
Tôi có 3 tháng công tác ở Hà Nội, và thấy rất rõ sự khác biệt về an ninh trật tự. Xe máy dựng đầy hè phố mà không bị mất cắp; ôtô đậu đầy lòng lề đường mà không bị bẻ kính chiếu hậu, tháo cần gạt nước.
Phụ nữ Hà thành ra đường thoải mái diện đồ trang sức, thoải mái mang giỏ xách đắt tiền trên tay, thoải mái cầm điện thoại Iphone plus a-lô…, mà không lo bị cướp.
Tôi thấy phụ nữ TP.HCM quả rất thiệt thòi, rất đáng thương! Khi đi ra đường, họ muốn làm đẹp mà không dám đeo trang sức; muốn tiện dụng, điệu đà một chút, mà không dám mang túi xách; ai gọi điện thoại cũng không dám nghe máy.
Thưa ông Bí thư, là địa phương tạo ra hơn 30% ngân sách quốc gia nhưng với ngân sách để lại khá eo hẹp như hiện nay, TP.HCM rất khó để tái đầu tư nhằm phát huy tiềm năng lợi thế trung tâm thương mại quan trọng nhất của cả nước.
Điển hình như hạ tầng giao thông của TP lại tệ quá. So với Hà Nội để thấy sự chênh lệch. Đại lộ ở TP.HCM đếm trên đầu ngón tay, chỉ có Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội.
Ở Hà Nội, cửa ngõ nào đường cũng lớn. Không chỉ rộng lớn mà còn có nhiều đường trên cao. Trạm thu phí ở Hà Nội ít và phải ra rất xa ngoại thành mới có. TP.HCM thì hàng loạt trạm rê sát vào trung tâm, lại thêm các tỉnh láng giềng là Đồng Nai, Bình Dương cũng đặt trạm ngay các ngõ vào TP.HCM, nhằm tận thu miếng mồi cực béo bở là lưu lượng xe cộ đi lại dày đặc.
Ở Hà Nội, dân đi ôtô có thể đậu xe ở rất nhiều nơi, lòng đường cũng đậu được mà lề đường cũng không cấm cản.
Bà con ở TP.HCM thì kiếm được một chỗ đậu xe trong nội thành lại là cả một vấn đề, tìm đỏ cả mắt.
Giao thông đã đình đốn, mà còn hay bị CSGT bắt phạt vì đủ thứ lỗi rình rập rất dễ “dính” phải. Nếu ông bỏ xe biển xanh, tự lái xe biển trắng đi làm vài tuần, ông sẽ cảm nhận rõ cái khổ của cư dân TP mình.
Còn nhiều vấn đề lắm, nhưng trên trang báo hữu hạn này tôi chỉ xin thỉnh nguyện thêm một điều: Tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin cần tuyệt đối xóa bỏ. Dù có thể chúng được đưa từ nơi khác tới, nhưng không vì thế mà TP không có trách nhiệm.
Con người có lương tâm không thể cầm lòng trước cảnh những bé thơ bị đày đọa trên mặt đường nóng rát, bụi bặm; bị chuốc thuốc ngủ đến dặt dẹo, oặt ẹo, để kiếm tiền cho người lớn.
Các bé chưa đủ khả năng để quyết định số phận của mình. Vậy, TP hãy thật sự tập trung ngăn chặn triệt để. Hình ảnh bóc lột trẻ thơ hành khất, nói thật là nó cực kỳ dã man, thưa bí thư. Hình ảnh đó không thể có ở trong thời đại văn minh.
Trân trọng kính chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe và đạt những thành tựu để đời trong nhiệm kỳ quan trọng này".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét