Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Đón khách du lịch tàu biển, nhìn từ cảng Chân Mây

Trong một cập nhật cách đây chưa lâu, trang online của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho hay, Star Cruises - tập đoàn du lịch đường biển của Malaixia, hiện lớn nhất của châu Á và đứng thứ ba thế giới – đã đặt ra kế hoạch lớn nhất của họ trong vòng 20 năm trở lại tại thị trường Việt Nam với khoảng 200 chuyến tàu (mỗi tàu có sức chứa 1.000 - 1.200 khách du lịch và hơn 1.000 nhân viên phục vụ).
Royal Caribbean International – hãng tàu của Mỹ và hiện đang đứng đầu thế giới – sau một thời gian “nhìn ngắm” và định lượng, đã quyết định đầu tư vào thị trường này ở Việt Nam. Xác định tọa độ là Chân Mây, Royal Caribbean đã đầu tư vào đây 4 triệu USD để nâng cấp bến cảng số 1 từ chỗ chỉ có một cầu cảng vốn có năng lực hạn chế thành nơi có đủ điều kiện để đón các tàu của hãng, trong đó có tàu Oasis of the Seas – du thuyền lớn nhất thế giới - có chiều dài 361m, sức chứa lên đến 5.400 hành khách cùng hơn 2.300 thuyền viên. Tiếp sau bước khởi đầu với Thừa Thiên Huế, Royal Caribbean International đã có kế hoạch đầu tư tiếp theo vào Cảng Nha Trang với một nguồn vốn tương đương và tỉnh Khánh Hòa đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận dự án này. Các nguồn tin khác từ Bộ Giao thông vận tải cũng cho hay, dự án cảng hành khách quốc tế ở Phú Quốc cũng đang được xúc tiến. Cảng này dự kiến sẽ được đặt tại thị trấn Dương Đông và cũng có thể tiếp nhận được tàu có sức chứa từ 5000 – 6000 hành khách và thuyền viên đội tàu. Nếu được triển khai, đây có lẽ cảng biển bề thế nhất ở Việt Nam với cầu tàu dài 400m, trong đó cầu chính dài 240m, rộng 90m và tàu có thể cập bến cả hai bên. Trong một diễn tiến tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có sự lưu ý khi đưa ra vấn đề xây dựng một cảng hành khách tại Hòn Gai. Tất cả những điều này cho thấy, xu hướng khách đến từ cảng biển với các tàu du lịch cỡ lớn có vẻ như đang được đặt ra như một đối trọng trong năm 2016.
Cũng như Star Cruises, đối tượng mà Royal Caribbean nhắm đến hiện nay là nguồn khách từ Hồng Kông và Trung Quốc. Nếu như hãng tàu lớn nhất của Châu Á dự kiến sẽ tăng tổng số chuyến đưa khách đến Việt Nam của họ trong năm 2016 gấp 04 lần năm nay, và có thể tăng chuyến trên cơ sở tính toán lại thì Royal Caribbean cũng đã có kế hoạch từ trước trong việc thiết lập các kênh quảng bá về các điểm đến ở Việt Nam với Trung Quốc, nhất là với Hồng Kông thông qua việc hợp tác với Hội đồng du lịch Hồng Kông. Việc tiếp tục đầu tư trong tương lai gần vào các cảng biển ở Việt Nam có thể xem như là một “bảo chứng” trong hướng tiếp cận cũng như kế hoạch dài hơi của họ. Xác định đối tượng khách tiềm năng lớn nhất và mang lại sự tăng trưởng nhiều nhất dựa trên khoảng cách địa lý là điều mà ông John F. Tercek – Phó Chủ tịch phát triển thương mại Hãng Royal Caribbean Cruise Ltd đã khẳng định trong một cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế ngay từ hồi đầu năm.
Các hãng tàu du lịch lớn đã nhìn thấy triển vọng của họ. Nhưng chắc chắn rằng, triển vọng sẽ không dành cho cả hai phía nếu không có sự xúc tiến với những động thái cụ thể để đạt được sự tăng trưởng cho mỗi bên. Tại Chân Mây, sau khi khánh thành bến cảng số 1, dự án xây dựng bến cảng số 3 đã khởi động với quy mô hơn 13 ha; trong đó, diện tích bến bãi hơn 10 ha; chiều dài bến 270 m với tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018. Với sự đầu tư này, năng lực vận tải sẽ tăng và Chân Mây đang được chú ý như một trong những cảng có có tiềm năng trong việc kết nối, trung chuyển du khách với các điểm đến ở miền Trung. Đây cũng là nguồn khách mà Thừa Thiên Huế trông đợi trong mức đặt ra của con số 3,5 đến 4 triệu lượt khách đón được mỗi năm, trong đó 45% là du khách quốc tế, đồng thời để tăng tỷ trọng nguồn thu ở lĩnh vực này lên trên 11%.
Tuy nhiên, lượng khách cập cảng từ Chân Mây sẽ chỉ là con số tăng lên chứ chưa phải là sự tăng trưởng, cộng với những giá trị tăng thêm khi mà điều cơ bản đặt ra ở đây là chất lượng dịch vụ ngay tại bến cảng với những hình thức đa dạng, từ vui chơi, giải trí đến mua sắm; là chất lượng điểm đến đủ làm cho du khách háo hức cùng với sự thuận tiện mà nó mang lại…Đây cũng là điều mà Thừa Thiên Huế nỗ lực tìm kiếm các đối tác để gầy dựng và hình thành sau những thành công bước đầu. Để thực sự mang đến chất lượng của sự thay đổi, còn cần đến những nỗ lực trong việc kết tour, nối tuyến cũng như tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ hơn của các hãng/công ty du lịch, và ngay cả trong việc chuẩn bị  những đội xe đủ chuẩn để đón khách từ phía các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải; của việc tạo ra những điểm mua sắm có hấp lực trong tour tham quan…chứ không phải chỉ là ở những nỗ lực từ phía chính quyền trong việc hợp tác đầu tư và chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Theo nhiều đánh giá chung, du khách đến từ Trung Quốc là đối tượng sẵn lòng chi rất nhiều cho mua sắm. Vấn đề là chúng ta có gì để thu hút sự sẵn lòng này từ họ!
Mặc dù được đánh giá là cảng đi đầu trong việc cải tạo, nâng cấp để đón tàu du lịch có trọng tải lớn, nhưng còn có một đề xuất đặt ra ở đây nữa là, trong khi cả nước chưa có cảng biển dành riêng cho việc đón khách du lịch, liệu Chân Mây có thể có một sự chuyển dịch táo bạo hơn trong việc tổ chức thành một cảng chuyên dành cho khách du lịch tàu biển?
Bình Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét