Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Người “trót yêu” miền núi!

Cái nghiệp chảy... mồ hôi
Chúng tôi tới khi anh và công nhân đang miệt mài làm việc trong xưởng đúc. Khuôn mặt đen nhẻm vì bụi than, bụi nhôm và có lẽ cái nóng của lò đúc đã làm cho da anh cháy đen. Vừa làm anh vừa tiếp chuyện: “Chú thông cảm, anh và công nhân đang cố gắng đúc cho đủ niêng để ngày mai còn giao cho khách, hàng gấp quá”.
Một sản phẩm niêng bán giá khoảng 65.000 – 70.000đ, chuông lắc (đeo cổ trâu, bò để khi thả vào rừng người chăn nuôi sẽ nghe tiếng kêu và xác định được phương hướng đàn trâu, bò của mình) giá chỉ 5.000đ/cái. Thế nhưng, để làm ra một sản phẩm như vậy, đòi hỏi cả một công đoạn nhọc nhằn và cần độ chính xác rất cao.
Anh Thành “bật mí”: “Việc chọn lựa đất sét tốt để làm khuôn là rất quan trọng; sau đó nhào đất sét với trấu đã được đốt cháy thành tro, than đá (than cám) và phơi khô bằng ánh nắng nhẹ. Thường để khuôn tốt và chuẩn xác, không bị nứt thì nên phơi khuôn trong nhà “.
Thoạt nghe tưởng công việc rất đơn giản, nhưng có bắt tay vào làm thì mới thấy khá công phu. Mỗi chiếc khuôn phải mất 3 tháng mới có thể sử dụng được, việc kẻ, vẽ các hoa văn, họa tiết cũng đòi hỏi tốn nhiều công sức. Theo như bác Quý, người làm thuê cho anh Thành thì mấy năm trở lại đây người dân ở miền núi đã có cuộc sống ổn định hơn, có của ăn của để nên việc trang trí họa tiết trên các sản phẩm niêng rất được người dân ưa chuộng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Châu, làm cố vấn kỹ thuật cho cơ sở của anh Thành tâm sự: “Cái nghề này vất vả lắm chú ạ, phải là con người biết quý trọng “con người”, lòng ngay thẳng mới làm được nghề này”.
Tấm lòng hướng lên... miền núi
Năm 1989, cái mốc thời gian quan trọng và đáng nhớ nhất của anh. Bởi đó là năm anh quyết tâm bỏ nghề đúc các sản phẩm bằng đồng gia truyền của gia đình, mà chuyển sang đúc các sản phẩm bằng nhôm mà người miền núi hay sử dụng.
Mấy tháng đầu, anh liên tiếp nếm mùi thất bại, bởi kỹ thuật đúc niêng, nồi nấu rượu dân tộc khác hoàn toàn với kỹ thuật đúc đồ gia dụng trước đây. Nhưng sau những lần “thua”, anh rút ra những kinh nghiệm rất bổ ích và anh đã thành công sau 6 tháng thất bại.
Anh Thành kể lại: “Gia đình khi đó bỏ ra rất nhiều tiền cho cái ý tưởng “điên rồ” của tôi, thấy tôi thất bại liên miên, cả gia đình khuyên tôi nên bỏ, nhưng không hiểu sao những ký ức về một chuyến đi thâm nhập thực tế tại một bản người Mường ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, được tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn, khó khăn của họ, càng thôi thúc tôi phải làm thành công. Và sự kiên trì của tôi cuối cùng đã được đền đáp”.
Các mặt hàng của anh đã có mặt tại các tỉnh của Điện Biên, Lai Châu và vùng Tây Nguyên, đã xuất khẩu sang Lào. Hàng năm, xưởng của anh thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.
Hiện anh đang “dốc” hết vốn làm đợt hàng mà anh cho là lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi hỏi mãi thì anh mới bộc bạch: “Trận lũ vừa qua về các tỉnh miền núi Tây Bắc, chắc chắn đồ gia dụng đã trôi theo dòng lũ và lúc này người dân rất cần đến sản phẩm của mình. Tôi sẽ giảm giá mỗi sản phẩm từ 500 – 1.000đ, coi như là góp phần nhỏ của mình cho người dân vùng lũ”.
Ông Trương Trọng Huy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung tâm sự: “Làng nghề truyền thống Thiệu Trung cần có những người như nghệ nhân Thành, bởi tinh thần, tấm lòng và tâm huyết nghề là “linh hồn” lúc này để chúng tôi xây dựng một làng nghề truyền thống quy củ. Làng nghề đang được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng, khi đó thương hiệu làng nghề truyền thống Thiệu Trung sẽ được nhiều người biết đến và những cơ sở như gia đình nghệ nhân Lê Cao Thành sẽ được phát huy hiệu quả”.
Ra về khỏi cơ sở của anh Thành, tôi nhớ mãi hình ảnh một sân chất đầy sản phẩm niêng, nồi nấu rượu... đã được buộc thành những kiện hàng để vận chuyển lên với người dân đầu đỉnh lũ miền núi Tây Bắc.
Doãn Xuân (sggp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét