- Tiếp tục cho rằng tham nhũng có "lỗi từ hệ thống", TS Lê Hồng Sơn nói rằng nó khiến nhiều người thấy "chống tham nhũng như đánh trận giả".
Phòng chống tham nhũng rất quan trọng nhưng tại sao việc này lại không hề dễ dàng? Vấn đề là ở đâu?
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp) tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này.
Minh họa |
Theo tôi, lại phải sử dụng cụm từ “lỗi hệ thống” chủ trương nói nhiều nhưng giải pháp thì còn hết sức hạn chế từ thể chế cho tới tổ chức thi hành, các thể chế phòng chống tham nhũng. Nghiên cứu hệ thống thể chế cũng như quá trình thực thi thể chế, rất nhiều người cảm thấy hình như chống tham nhũng nửa vời, không tới nơi tới chốn.
Trước hết nói về người nắm chức vụ quyền hạn dễ tham nhũng thì cơ chế quản lý tài sản, tiền nong cũng như nắm từng hành vi khi thừa hành công vụ rất lỏng lẻo, kê khai cũng để làm vì, thiếu kiểm tra, kiểm soát và đặc biệt là hiện tượng kê khai không hết, không đủ mà người đó có được trong thời kỳ đương chức là phổ biến.
Ở đây vừa có lỗi của thể chế thiếu cụ thể, vừa có lỗi trong thực thi thiếu nghiêm túc, thiếu quyết liệt về quản lý sự phát sinh, sự đội lên bất thường của tiền nong, tài sản của quan chức có dấu hiệu tham nhũng.
Những chốt chặn quan trọng như tài sản có được trước khi có chức vụ với khối tài sản người đó có được sau khi không còn đảm nhiệm chức vụ ta cũng làm chưa tốt.
Một biểu hiện tương đối rõ mà nhiều người đã biết, đã quan tâm đó là tài sản của bố mẹ, anh em liên quan tới người có chức vụ, quyền hạn cao dễ xảy ra tham nhũng, như tôi đã nói, chúng ta cũng đang bỏ lửng. Đã có trường hợp đương sự tham nhũng khối tài sản lớn và chuyển cho người thân, bố mẹ, con cái nhưng việc xử lý cũng còn lừng khừng không tới nơi, tới chốn.
Cũng giống như hiện tượng ra cơ quan điều tra hoặc ra tòa án người đưa tham nhũng thì chứng minh mình có đưa, nhưng người nhận thì lúc nhận, lúc chối. Vậy mà người điều tra và thẩm phán lại xoay vặn trở lại người chứng minh có đưa tham nhũng rằng: “anh đưa tiền, đưa tài sản như vậy “có giấy biên nhận không?” “Có ai làm chứng không?”. Trời ạ!, làm sao có chuyện đưa tiền đút lót mà lại đòi có biên nhận, làm sao đút lót lại yêu cầu có người làm chứng. Rõ ràng pháp luật ở đây cũng như việc hiểu và thực thi nó trong hệ thống các cơ quan chức năng phòng chống, tham nhũng chưa phản ánh đúng thực chất vấn đề, chưa đi vào cuộc sống.
Đối với tài sản của những người thân thích của quan chức có chức, có quyền cũng đang là một vấn đề lớn. Theo tôi, ở đây có một quan điểm sai lầm là: lẫn lộn giữa quyền của một người công dân bình thường – nhà nước không buộc họ phải chứng minh tính minh bạch, tính hợp pháp của tài sản mà họ có được – với những người thân thích của các quan chức có chức, có quyền.
Khi một người đã dấn thân vào chốn quan trường, đã đảm nhận một chức danh, một vị trí có chức quyền, nhà nước cũng phải buộc người đó cũng như những người thân thích của những người đó phải chịu sự quản lý đặc biệt. Mà trước hết, là chịu sự quản lý về nguồn gốc tài sản, tiền nong của những người thân thích có sự phát sinh đột biến trong quá trình quan chức đó đảm nhận chức vụ, quyền hạn. Ở đây không thể nhầm lẫn giữa quyền của một công dân bình thường với trách nhiệm của những người thân thích của quan chức có chức, có quyền.
Một số người, khi nói đến chứng minh nguồn gốc tài sản của những người thân thích này thì lại nêu vấn đề quyền công dân, vấn đề trách nhiệm của nhà nước phải chứng minh tài sản của một cá nhân là “minh hay không minh” là do vi phạm pháp luật mà có. Người ta vô tình hay cố ý quên đi một thực tế đó là đây là những người thân thích của quan chức , nắm chức quyền, dễ tham nhũng.
Con tham nhũng rồi chuyển tài sản cho bố đứng tên, mà ai cũng biết ông bố đó không chức, không quyền lại tự nhiên phát sinh một khối tài sản khổng lồ? Chồng tham nhũng rồi chuyển tài sản cho vợ đứng tên, tại sao không hỏi người vợ không làm ăn, buôn bán lớn nhưng trong vài năm cũng tự nhiên có khối tài sản khổng lồ?
Bố giữ một chức vụ quan trọng dễ tham nhũng rồi chuyển tài sản cho con đứng tên trong khi người con đó ai cũng biết chỉ là một công dân bình thường nhưng trong vài năm đã có được một khối tài sản khổng lồ?
Theo tôi, cần đặt vấn đề rằng, khi một người giữ chức vụ quyền hạn dễ phát sinh tham nhũng, dễ có điều kiện tham nhũng thì những người thân thích gần gũi cần phải chịu một sự quản lý, ràng buộc chặt chẽ của nhà nước, của xã hội về khối tài sản của chính những người thân thích đó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét