Có lẽ sau hội nghị cấp cao Mỹ và Asean, chỉ có người Phi là thực lòng với những gì đã bàn ở hội nghị. Là một quốc đảo nhỏ bé và nghèo, chúng ta có thể thấy trên đường phố Manila đầy nhan nhản những trẻ ăn xin, người lang thang vô gia cư, bán hàng rong mà khó nơi nào ở Đông Nam Á này có nhiều như thế. Phi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, đó là điều mà bất cứ người Việt nào đến đây đều có thể thấy việc đó trên mọi đường phố. Quốc đảo có vô số hòn đảo nhỏ, đủ các loại sắc dân, thiên tai mưa bão liên miên. Nhiều người dân ở nông thông phải bỏ quê hương đến thành phố làm đủ mọi nghề mưu sinh. Chưa kể những xung đột sắc tộc ở vùng miền đến mức phải dùng vũ lực.
Người Phi lành hơn người Việt rất nhiều, mặc dù đói khổ lang thang làm bán hàng rong, tẩm quất dạo, làm gái ...nhưng những người Phi không vì thế mà trộm cướp tràn lan hay hung hăng gây gổ trên đường.
Người Phi nghèo và lành. Nhưng không phải vì thế mà họ không thể hiện tinh thần chống xâm lược. Cuộc biểu tình diễn ra ngày hôm nay được tổ chức bởi một thượng nghị sĩ Phi, một số người Việt Nam ở đây cũng hăng hái tham gia, đó là những sinh viên từ Việt Nam sang đây học. Một cuộc biểu tình có hai sắc áo, một là màu cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, hai là sắc áo màu tím của người Phi. Nơi biểu tình diễn ra ở đại sứ quán Trung Quốc.
Tôi và anh bạn Nguyễn Tiến Đạt, cựu hội trưởng sinh viên Công Giáo miền Bắc và mấy Xơ đang học ở đây cùng đến biểu tình. Chúng tôi đọc kỹ thông báo để làm những tấm băng rôn phù hợp với tinh thần của cuộc biểu tình.
Chúng tôi ngồi một góc riêng, trong khi chờ đợi đến giờ biểu tình thì nhóm phóng viên của CNN đến chỗ chúng tôi hỏi. Không hiểu vì sao cô phóng viên CNN trưởng nhóm lại chọn tôi là người để cô phỏng vấn. Có thể cô nhìn thâý tôi là người nhiều tuổi nhất trong nhóm.
Tôi đang lên án về việc Trung Quốc dùng vũ lực, bắn phá và giết hại những người lính Việt Nam đóng trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào những năm 1974, 1988. Tôi lập luận rằng chưa cần nói đến lịch sử xa xưa hai quần đảo này thuộc nước nào. Nhưng hàng trăm năm trước không có tranh chấp nào của Trung Quốc với Việt Nam. Và đất nước tôi sở hữu hoà bình hai quần đảo đó, đến ngày bất ngờ quân đội Trung Quốc mang tàu chiến đến nã đạn bắn giết người dân, người lính chúng tôi để chiếm đóng đảo và từ đó càng ngày họ càng ra tăng quân sự để tiếp tục chiếm ra xung quanh.
Mới đến đó thì bỗng nhiên có hai cô cậu người Việt Nam mặc áo cờ đỏ sao vàng nhảy xen vào cản cuộc phỏng vấn. Thái độ họ rất dữ dội, lý do họ đưa ra chỉ có hai người được phép trả lời phỏng vấn là ông thượng nghĩ si Phi và một người trẻ là cảm tình đảng CSVN đang học ở đây. Tôi giải thích rằng việc họ phỏng vấn tôi, tôi có quyền trả lời. Tôi không hề phá hoại hay làm gì cản trở cuộc biểu tình.
Cậu trẻ này nhaỷ vào nói với phóng viên CNN là chỉ có họ mới đại diện cho Việt Nam trả lời phỏng vấn. Nhưng bên CNN họ không nghe, họ rất ngạc nhiên khi có một dân tộc mà chuyện chống ngoại xâm lại chỉ có nhóm này tự cho mình được phép lên tiếng.
Còn cô gái này quắc mắt hỏi tôi tên là gì, cô bảo tôi không được phép trả lời. Tôi nói rằng cô không có quyền gì ngăn tôi, nếu thích cô ngăn bên CNN. Còn tôi đi qua đây thấy biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam, là người Việt tôi ủng hộ. Không có khẩu hiệu hay lời nói, hành động quá khích nào đi quá nội dung cuộc biểu tình. Nếu cô cảm thấy tôi làm sai thì cảnh sát Phi đứng đầy kia mời cô gọi. Cô gái đi gọi cảnh sát, nhưng những người cảnh sát Phi họ lắc đầu từ chối. Cô tức giận quay lại quát tôi tên là gì, phải cho cô biết. Tôi nói cô không có quyền gì với tôi cả. Cô gái trẻ có hành động bất nhã là dí điện thoại vào mặt tôi chụp, như kiểu đe doạ tôi sẽ bị xử lý bởi một thế lực nào đó.
Thật buồn cho suy nghĩ của các cô, các cậu này. Có lẽ họ nghĩ tôi là người Việt thì phải e sợ họ vì họ là người của Đảng CSVN tổ chức biểu tình ở đây. Gọi cảnh sát không được, mấy người Việt mặc áo cờ đỏ, sao vàng bèn quay lại nhảy chen vào khiến cuộc phỏng vấn không thể thực hiện tiếp tục. Họ quây quanh cô phóng viên CNN mặc áo xanh để ngăn cản và cãi vã.
Cuối cùng tôi và nhóm phóng viên CNN không muốn sự cãi vã kéo dài, bèn trao đổi E Mail để hẹn ngày khác tiếp tục phỏng vấn.
Ông thượng nghị sĩ tổ chức biểu tình.
Khẩu hiệu của nhóm chúng tôi, hãy nhìn xem nó có gì không phải với chế độ cộng sản Việt Nam mà đến nỗi ở tận nước dân chủ, những người trẻ tuổi của Đảng phải ngăn cản.?
Một chút ấm lòng khi thấy tấm băng rôn này xuất hiện.
Người Phi biểu tình chống Trung Quốc bành trướng ở biển Đông.
Tấm hình người Phi miêu tả dã tâm của Trung Quốc.
Gần cuối cuộc biểu tình , cô gái ngăn cản phỏng vấn xin lỗi tôi rất dịu dàng. Cô nói vì sợ có người phá hoại nên ngăn cản. Tôi hiểu đó là lý do cô ấy nói khi việc xong rồi hoặc tấm hình cô ấy chụp tôi đã được gửi về đâu đó xác nhận tôi chưa hề phá cuộc biểu tình của người Việt nào chống Trung Quố ở quê hương tôi và nhiều nơi trên thế giới, dù bất cứ là màu cờ nào của người Việt chống Trung Quốc tôi đều ủng hộ.
Nhưng tôi lại vẩn vơ nỗi buồn khác, tại sao những người trẻ tuổi này có thái độ trịch thượng và hống hạch hoạch hoẹ tên tuổi và ngăn cản tôi. Họ nghĩ rằng cứ người Việt nào ở đâu cũng phải sợ họ vì họ là người của chế độ cộng sản. Họ khoác được trên mình cái áo của Đảng là có thể khiến người khác phải sợ họ. Hôm nay chắc họ ngạc nhiên khi thấy tôi chìa trước ống kính CNN tấm hộ chiếu Việt Nam mà tôi không hề ngại gì họ. Nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn họ gấp bội lần, vì tôi chưa bao giờ chứng kiến cuộc biểu tình quái gở thế này. Những điều quái gở ấy tôi sẽ nói ở phần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét