Sự thân thiện của Israel - đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Đông, với Nga, xuất phát từ lợi ích của Tel Aviv.
Sáng suốt
Đánh giá về việc Nga hợp tác với Israel để phát triển nông nghiệp, PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định, đây là một quyết định sáng suốt, hợp lý. Hai bên đã chọn đúng đối tác và sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều.
Khoa học công nghệ đã mang lại kỳ tích cho nông nghiệp Israel |
"Nga có diện tích lớn nhất thế giới với hơn 17 triệu km2, chiếm khoảng 1/6 bề mặt trái đất, với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, mùa đông của nước Nga kéo dài và lạnh nhất. Với điều kiện như vậy, phải có kỹ thuật, công nghệ hiện đại thì mới có thể khai thác và sử dụng được.
Cũng vì có diện tích rộng nên Nga chủ yếu canh tác theo kiểu quảng canh - phát triển theo bề rộng, chứ không thâm canh, gối vụ, nhưng chính vì thế họ chưa phát huy được sức mạnh của công nghệ.
Trong khi đó, Israel lại đáp ứng được yêu cầu của Nga. Israel cũng là nước có khí hậu khắc nghiệt, nhiều sa mạc, điều kiện canh tác kém nên họ phải chọn hướng phát triển công nghệ. Israel thực sự là một cường quốc về công nghệ nông nghiệp với công nghệ sinh học, giống, gen, kỹ thuật tưới tiêu nước... Tất cả những điều đó đều đáp ứng rất tốt cho Nga. Nga và Israel là hai đối tác phù hợp với nhau.
Bản thân Israel cũng đang rất muốn mở rộng ảnh hưởng, quan hệ của mình thông qua hợp tác về mặt nông nghiệp. Do đó, quyết định hợp tác của hai bên rất hợp lý, sáng suốt và nó mở ra một triển vọng tốt cho nhu cầu về mặt nông nghiệp của Nga cũng như nhu cầu mở rộng ảnh hưởng của Israel trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp", PGS.TS Phạm Quang Minh chỉ rõ.
Ông cũng nói thêm, nước Nga từ trước đến nay chỉ tập trung vào công nghiệp quốc phòng, vũ trụ và khai khoáng mà ít quan tâm đến lĩnh vực sản xuất phục vụ trực tiếp đời sống con người. Nga chỉ trồng 1 vụ/năm, gieo hạt trước mùa đông và sau khi mùa đông kết thúc, tuyết tan cây cối đâm chồi nảy lộc, họ ít phải áp dụng kỹ thuật, năng suất vì thế cũng không cao. Các sản phẩm của Nga không đa dạng, chủ yếu là lúa mỳ, lúa mạch, khoai tây, bắp cải... Khi hợp tác với Israel, kỹ thuật và công nghệ của Israel sẽ giúp Nga đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.
Một điểm khác cũng được vị chuyên gia quan hệ quốc tế lưu ý, đó là thời gian qua do mâu thuẫn về chính trị giữa Nga và Ukraine nên Mỹ và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga, đặc biệt là đối với việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đẩy nước Nga vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong việc cung cấp nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân Nga. Khi ấy, bắt buộc Nga phải quay sang các đối tác mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ Latinh... Đồng thời nó cũng có tác động ngược trở lại đối với chính các nước phương Tây. Với việc trừng phạt Nga, các nước phương Tây gần như đã tự chặt vào tay mình khi nông sản, thực phẩm của họ không được xuất khẩu vào thị trường rộng lớn của Nga.
"Trừng phạt là động lực thúc đẩy Nga tìm kiếm các đối tác mới thay thế cho EU, thoát khỏi sự phụ thuộc vào khu vực này. Nhưng tôi cho rằng, không bao lâu nữa hai bên sẽ phải có sự điều chỉnh vì lợi ích của chính mình. Đã có những con số thống kê về thiệt hại của nông dân các nước EU do bị Nga trả đũa, ngừng nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ châu Âu", PGS.TS Phạm Quang Minh nói.
Về khả năng Nga sẽ nối lại hoạt động nhập khẩu nông sản, thực phẩm châu Âu sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, vị chuyên gia khẳng định điều đó chắc chắn xảy ra. Lý do được ông đưa ra là: khi quan hệ chính trị trở lại bình thường thì các quan hệ kinh tế cũng sẽ được tăng cường trở lại bởi đây là hai mặt gắn bó với nhau chặt chẽ. Quan hệ chính trị được đẩy mạnh cũng là để phục vụ cho lợi ích kinh tế. Nga và EU vẫn là hai thị trường gần nhau về mặt địa lý, chi phí vận chuyển thấp, họ vẫn là hai đối tác truyền thống. Cùng là châu Âu nên Nga và các nước EU vẫn chia sẻ những giá trị chung, thói quen chung, thậm chí sở thích chung về món ăn.
"Nga sẽ tiếp tục quan hệ bạn bè truyền thống với EU nhưng cũng không chấm dứt quan hệ với các đối tác mới, trong đó có Israel khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Khi hợp tác với Israel, Nga nhận ra rằng cần phải đa dạng hóa các quan hệ bởi nếu phụ thuộc vào một đối tác sẽ rất nguy hiểm. Mặt khác, sức mạnh của công nghệ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đã là công nghệ hiện đại bao giờ cũng đắt đỏ, kèm theo đó là nguồn vốn để mua công nghệ đó, do đó Nga sẽ chọn lọc những công nghệ phù hợp", PGS Minh lưu ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét