Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016


Cường Phạm và giấc mơ đưa nước mắm Việt ra thế giới
Doanh nhân Cường Phạm

Cường Phạm và giấc mơ đưa nước mắm Việt ra thế giới

Thứ Sáu, 12/02/2016 06:55 (GMT+7)
  

Doanh nhân Sài Gòn
Rời bỏ vị trí và công ty mà nhiều người mơ ước là Apple, doanh nhân Cường Phạm đã chọn một ngã rẽ mà không ai ngờ đến, đó là đưa nước mắm Việt "vượt đại dương".

Tháng 3/2013, một nhóm phóng viên ẩm thực và đầu bếp nước ngoài đổ bộ làm xôn xao đảo nhỏ Phú Quốc. Quần ngắn, áo phông, giữa cái nắng oi ả, họ lặn lội vào khu chợ cá tấp nập, chọn mua thực phẩm, chiều vào thăm nhà thùng làm nước mắm trên đảo và buổi tối, chế biến ẩm thực.
Paul Qui, quán quân cuộc thi Bravos Top Chef mùa 9 năm 2011 chế biến món tôm sốt cà chua theo phong cách ẩm thực Đông Nam Á lần đầu tiên kết hợp phương Tây, dùng với nước mắm chế biến tại Phú Quốc, đặc sản của hòn đảo này. Chịu trách nhiệm dẫn đoàn và phiên dịch cho các đầu bếp và phóng viên quốc tế trong hành trình khám phá ẩm thực Việt Nam là ông Cường Phạm, Việt kiều Mỹ, cựu kỹ sư phần mềm Apple rời bỏ ngành công nghệ nhiều năm để theo đuổi giấc mơ mang nước mắm Việt ra thế giới.
Ông Cường cùng gia đình rời Việt Nam, đến Mỹ vào năm 1979. Năm 2005, khi trở về quê hương Phú Quốc, ông bất ngờ nhận ra nước mắm Phú Quốc mà gia đình ông vẫn ăn thường ngày tại Mỹ thực chất là nước mắm Phú Quốc "nhái" được chế biến tại Thái Lan. Từ đó, ông nuôi khát vọng một ngày sẽ mang nước mắm Phú Quốc đúng nghĩa đến Mỹ.
Khát vọng này lấn át cả ý định lập một hãng phần mềm của ông sau khi nghỉ hưu. Cựu nhân viên Apple, Oracle, Verizon để lại ba mươi năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, mang tiền tích lũy về Phú Quốc, một trong những khu vực có nguồn cá cơm dùng để sản xuất nước mắm ngon nhất thế giới, mua một nhà thùng nhỏ, nghiên cứu công thức làm nước mắm.
Sau khi thử nghiệm thành công loại mắm tốt nhất với tên gọi Red Boat (Cánh Buồm Đỏ), ông giới thiệu đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, sau đó mới bán ra thị trường vào năm 2011.
Nước mắm Red Boat, nổi bật dòng chữ "Made in Phu Quoc Island" (chế biến tại đảo Phú Quốc) của ông Cường hiện đã được xuất hiện trên các kệ siêu thị tại Mỹ và được không chỉ giới Việt kiều mà còn người phương Tây sử dụng.
Năm ngoái, đầu bếp Paul Qui gọi nước mắm Red Boat trên báothedailymeal.com là một trong hai loại nguyên liệu mà những người nội trợ không nên bỏ qua trong gian bếp của mình. New York Times gọi Red Boat của ông Cường là "nguyên chất thượng hạng" dù so với các hãng nước mắm khác tại Việt Nam, Red Boat hiện vẫn là một nhà máy chế biến mắm có quy mô khá khiêm tốn.
Trong kinh doanh, ông Phạm Cường áp dụng nguyên tắc nổi tiếng của thương hiệu Apple: chất lượng là chính (giá Red Boat cao hơn so với các loại nước mắm khác cùng độ đạm).
Ông kiên quyết phản đối việc rút ngắn thời gian chế biến như cách các nhà thùng nước mắm Việt Nam thường làm nhằm nâng cao sản lượng nhưng sẽ giảm sút chất lượng. Nước mắm Red Boat được ví von tinh túy và mang đậm hương vị truyền thống Việt, tương tự như rượu Bordeaux của Pháp.
Cánh Buồm Đỏ hiện không đơn độc chỉ mình ông Cường. Thương hiệu nước mắm này đang đứng trước cơ hội ra khơi xa hơn. Họ vừa nhận được sự đầu tư của một số cổ đông cũng là người gốc Việt rót vốn tham gia vào công ty với ý định đẩy mạnh hơn sự hiện diện của nước mắm Việt trên đất Mỹ vào năm 2016, thời điểm Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ ký kết, dỡ bỏ hàng rào thuế quan xuất khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có thực phẩm vào Mỹ.
HẢI ÂU - NGUYÊN MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét