Người nhỏ thó, liêu xiêu, trên cổ lủng lẳng chiếc máy ảnh Canon D30, ông Nguyễn Văn Diên tần ngần đứng đợi khách kêu chụp ảnh ngay vòng xoay Quách Thị Trang. Ông như lạc lõng giữa trung tâm Sài Gòn nhộn nhịp vào những ngày tết. 
chup anh dao, Sai Gon
Giới trẻ "tự sướng" bằng điện thoại, nguyên nhân chính đẩy nghề chụp ảnh dạo vào dĩ vãng. Ảnh: Dương Cầm
Ở đằng kia, phía trước chợ Bến Thành, nhiều nam thanh nữ tú đang "tự sướng" bằng điện thoại di động, lưu lại khoảnh khắc mùa xuân. Nhìn cảnh đó, ông Diên chỉ biết buông tiếng thở dài...
Năm nay 73 tuổi, ông Diên cho biết mình đã gắn bó với nghề chụp ảnh dạo từ thời trai trẻ đến tận bây giờ, tính ra đã ngót nghét 50 năm.
chup anh dao, Sai Gon
 Ở độ tuổi 73, ông Nguyễn Văn Diên vẫn cầm máy ảnh đi mưu sinh trong ngày tết. Ảnh: Dương Cầm
Không giấu diếm, ông Diên nói: "Từ miền Trung lưu lạc vào đây, tui bám nghề này để kiếm sống, chứ không phải vì đam mê đâu. Coi tui bảnh bao vậy chớ chỉ có hình thức mà không có nội dung. Nghèo lắm, tui không có nhà, đang thuê nhà trọ ở bên quận 8 đó chú".
Đời chụp ảnh dạo, rày đây mai đó. Ông Diên cho biết mình đã "hành nghề" tại khu phố Nguyễn Huệ ít nhất cũng 25 năm, từ cái thời đất nước còn bao cấp và Sài Gòn chưa có những ngôi nhà cao tầng mọc san sát như bây giờ. Ngày đó, điện thoại cảm ứng, Ipad chưa ra đời, nghề chụp ảnh dạo còn sống được.
Công nghệ phát triển như vũ bão, phong trào "tự sướng" nở rộ. Ở những thành phố lớn, ai ai cũng kè kè chiếc điện thoại, những ông "phó nháy" trở nên lỗi thời. "Nồi cơm" của những người như ông Diên cũng bị teo tóp dần...
chup anh dao, Sai Gon
 Ông Diên lúi húi sửa tư thế cho mẹ con bà khách trước khi bấm máy. Ảnh: Dương Cầm
Ông Diên phải bỏ Sài Gòn, đi lưu lạc đến những địa phương xa xôi, hẻo lánh của đất nước. Ở những nơi đó, nền công nghệ chậm bén mảng đến hơn, cho nên ông Diên vẫn có thể tiếp tục sống bằng nghề chụp ảnh dạo.
 "Tui mới về Sài Gòn lại được chừng 3 tháng, sau 5 năm ở Phú Quốc chụp ảnh cho khách du lịch. Ngoài đó, bây giờ thợ chụp ảnh dạo cũng hết đất sống rồi. Sáng nay, mồng 2 Tết, nhớ nghề quá nên vác máy ra đây kiếm khách, hy vọng có ít tiền xài" - Ông Diên buồn bã.
"Thời buổi khó khăn, người ta cạnh tranh nhau từng người khách. Tui già rồi, không kham nổi với mấy anh chụp ảnh trẻ ở phố Nguyễn Huệ nên đành ra chỗ vắng này kiếm cơm mấy ngày tết" - Ông Diên nói thêm.
Trong ngày tết, mỗi kiểu ảnh ông Diên lấy giá 20.000 đồng. Khách đợi 10 phút là có ảnh. Giá tương đối "mềm", thế nhưng vẫn không có người kêu chụp. Ông Diên buồn bã: "Từ sáng đến giờ, tui chỉ mới chụp được có hai kiểu ảnh. Cách đây chừng 10 năm thôi, những ngày tết thế này, người ta kêu tui chụp ảnh mệt nghỉ. Bây giờ khó khăn quá chừng".
chup anh dao, Sai Gon
 Để lấy được 20.000 đồng cho mỗi kiểu ảnh, ông Diên khá vất vả. Ảnh: Dương Cầm
 Một bà tuổi sồn sồn, chở theo đứa con  trai vừa tấp xe vào vòng xoay. Bà hỏi: "Ông già, có chụp ảnh không?". Ông Diên mừng rỡ: "Có! có. Cô chụp mấy kiểu?".
Người phụ nữ này muốn ông Diên chụp cho đứa con trai kháu khỉnh 3 kiểu ảnh, lấy view là chợ Bến Thành. Ông Diên lúi húi mở ống lens máy ảnh, chuẩn bị "tác nghiệp". Ông Diên tỉ mỉ chỉnh sửa "dáng" của cậu bé cho đẹp trước khi bấm máy. 
Nhìn cái dáng nhỏ thó, liu xiêu của ông Diên đứng chụp ảnh giữa dòng đời tấp nập, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chụp xong, ông Diên lấy quyển sổ ra ghi số điện thoại của khách, chờ rửa ảnh xong thì ông gọi đến lấy.
chup anh dao, Sai Gon
 Người nhiếp ảnh già như chơi vơi, lạc lõng và lỗi nhịp giữa Sài Gòn hiện đại, công nghệ phát triển như vũ bão. Ảnh: Dương Cầm
Chia tay ông Diên, chúng tôi tìm đến chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây có 3 người "tuổi xưa nay hiếm" đang làm cái nghề "sắp vào dĩ vãng".
Bà Thanh, năm nay tuổi đã ngoài 60, đang lăng xăng chụp ảnh cho các Phật tử đến viếng chùa. Chụp xong vài kiểu, bà kêu khách ngồi đợi để bà in ảnh ngay tại chỗ. 
Chiếc máy in cũ kỹ chạy rè rè, đẩy tấm ảnh màu khổ lớn ra. Bà Thanh giao cho khách, lấy 50.000 đồng/tấm. Bà Thanh nói: "Nghề này buồn thấy mồ, cũng như nhiều nghề khác để kiếm sống thôi. Quanh năm đói, được có mấy ngày tết, tui phải ráng". 
chup anh dao, Sai Gon
 Bà Thanh đang chụp ảnh cho khách tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Dương Cầm
Dường như khá mặc cảm, bà Thanh không chịu chia sẻ gì thêm. Chỉ tay về phía một người đàn ông và một phụ nữ lớn tuổi ở góc sân chùa: "Chú gặp hai người đó. Họ là anh em ruột, theo nghề chụp ảnh dạo mấy chục năm nay, có nhiều chuyện hay lắm". 
Chúng tôi lân la hỏi chuyện người phụ nữ lớn tuổi đang ngồi in ảnh như chỉ dẫn của bà Thanh. Bà này dứt khoát không chịu cho biết tên, với lý do: "Tui chỉ là thợ chụp ảnh dạo thôi. Nghề này toàn đói khổ, có gì vui đâu mà khoe. Nhìn bạn bè cùng trang lứa thành đạt, tui cũng tủi hổ lắm. Chú cứ hỏi chuyện, tui nói nhưng tên tui thì cứ ghi là Hoa hay Hồng gì đó, đừng ghi tên thật". Tôn trọng ý kiến nhân vật, chúng tôi tạm gọi tên bà là Hoa.
chup anh dao, Sai Gon
Bà Thanh giao ảnh cho một Phật tử. Ảnh: Dương Cầm 
Bà Hoa cho biết, sở dĩ cả anh em bà đều theo chụp ảnh dạo là do cha bà làm nghề nhiếp ảnh. Bà theo cái nghề này từ thời còn là một thiếu nữ. Ngày đó, giới nữ làm nghề chụp ảnh được coi là tân tiến, rất hiếm người theo.
Ở tuổi xế chiều, bước chân chậm, tóc bạc, mắt mờ nhưng bà Hoa vẫn chưa thể dứt ra khỏi "cái nghiệp" vì yêu nghề, vì cơm áo gạo tiền.
chup anh dao, Sai Gon
 Bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) đang ngồi rửa ảnh cho khách tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Dương Cầm
Trong lúc bà Hoa ngồi in ảnh giao cho khách, ông anh ruột của bà loay hoay chụp ảnh cho khách. Chụp vài kiểu, ông lại ngưng, bước cắm dây lấy file ảnh ra đưa cho bà. 
Bà Hoa nghẹn lời "Tui không ngờ, tui và ổng sống gần trọn đời bằng nghề này. Hồi nhỏ hai anh em theo ông già đi chụp ảnh chơi, ai dè mê hồi nào không hay. Nghề này bạc bẽo, chẳng dư giả gì, giờ không còn thịnh nữa. Anh em tui buồn thì có buồn nhưng vẫn trân trọng cái nghề của cha mình truyền lại".
chup anh dao, Sai Gon
 Nghề chụp ảnh dạo đã gắn bó đến cuối đời anh em bà Hoa. Ảnh: Dương Cầm
"Ngày xưa còn sức, tui với ổng đi lang thang chụp ảnh cho khách ở ở thú Sài Gòn, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đó chớ! Giờ già rồi, sức đâu nữa mà đi, quanh quẩn ở chùa Vĩnh Nghiêm này. Dịp tết hay ngày rằm, khách đi cúng viếng đông, có nhu cầu chụp ảnh lưu niệm thì mình chụp cho họ, kiếm chút tiền quấy quá qua ngày" - Bà Hoa cho biết.
Lê Ngọc Dương Cầm