Quê hương có gì lạ không em?
Tôi tìm gì ở ngoài kia, nơi mà mọi người vẫn dùng những mỹ từ tuyệt nhất để gọi? Quê hương.
Trong số hàng trăm email tôi nhận mỗi tuần, một câu hỏi nhẹ nhàng chợt làm tôi liên tưởng đến chuyện ngày xưa của mình, “Em có nên về quê hương?”. Người viết là một sinh viên Việt Nam sắp tốt nghiệp MBA vào tháng 6 tới, có cơ hội để ở lại Mỹ, nhưng phân vân vì nghĩ là quê hương đang cần bàn tay khối óc của mình. Anh cũng nhận xét là cơ hội để tỏa sáng ở một ao hồ như Việt Nam cao và hấp dẫn hơn là làm một nhân viên trung bình tại biển lớn như xứ Mỹ.
Cuối năm 1967, giữa khi đất nước đang còn chiến tranh mù mịt, tôi lửng thửng từ Mỹ quay về Sài Gòn. Gia đình, bạn bè đều ngạc nhiên và khuyên tôi lên bệnh viện Biên Hòa khám tâm thần. Nhưng thời thế đẩy đưa, họ lại còn ngạc nhiên hơn nữa, khi vài năm sau, tôi làm chủ 5 xí nghiệp với hơn 12 ngàn công nhân. Dù sự thành công phần lớn là do may mắn, nhưng quyết định về Việt Nam của tôi đã đem cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời, kỳ thú, dù cũng lắm lúc đầy đau thương cay đắng.
Sự quyến luyến với quê hương cũng là những cảm xúc không thể lý giải rõ ràng. Tôi rời quê nhà lúc 18 tuổi, khi trái tim vừa biết mật ngọt của tình yêu, khi giao cảm với cuộc sống còn đượm màu thiên nhiên của cây xanh hoa trái trong mưa nắng hai mùa. Tiềm thức vẫn còn in đậm nét của những kỹ niệm, dù có buồn có vui nhưng nhìn lại thì lúc nào cũng đẹp, nên quyết định quay về có lẽ vẫn là một lực đẩy tiềm ẩn trong tâm hồn, bén rễ sâu hơn lý trí.
Nhưng khi trả lời email cho người bạn trẻ của tôi, tôi phải làm một phân tích theo góc nhìn của một người thứ ba, khách quan và trung thực.
Với một người trẻ vừa ra khỏi trường đại học, nói tổng quan, xứ Mỹ là một thiên đường của cơ hội, một sân chơi bằng phẵng và một lò huấn luyện cho các doanh nhân những kỹ năng chuyên sâu và hợp thời nhất. Mỗi thành công là một bước tiến kỳ diệu, mỗi thất bại là một bài học vô giá cho sự nghiệp về sau. Thêm vào đó, khắp thế giới, không có một thị trường nào lớn, năng động và đồng nhất như Mỹ. Về những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao như IT, tài chánh, y khoa, giải trí, quốc phòng…, các quốc gia mới nỗi như Trung Quốc, Brasil…hay già cỗi như Âu Châu Nhật Bản, còn cần đến nhiều thập niên mới bắt kịp. Thu nhập trung bình hàng năm của một chuyên gia trong các ngành nghề sáng tạo này khoảng $137,000 USD vẫn cao hơn lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp cỡ trung ở Việt Nam. Do đó, nếu chỉ nghĩ đến tương lai sự nghiệp lâu dài và bền vững, thì các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học sẽ khó tìm một nơi nào “ngon lành” hơn nước Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là đời sống thường nhật của một người Mỹ thường chịu nhiều áp lực về công việc, gia đình, nợ nần (do sự vay mượn quá dễ dàng) và thói quen tiêu xài. Những áp lực về lâu về dài sẽ gây ra những căn bệnh như tim mạch, ung thư… Sự chăm chú vào sự nghiệp làm xao lãng những liên hệ gia đình và bạn bè, nên rất nhiều người Mỹ phải than phiền về sự cô đơn trong cuộc sống. Tóm lại, cái giá phải trả cho một sự nghiệp tốt và bền vững có thể là hạnh phúc của cá nhân và gia đình.
So sánh với Mỹ, thì cơ hội để tìm một việc làm thích hợp và hứng thú tại Việt Nam cho một sinh viên vừa tốt nghiệp không có nhiều. Những kỹ năng gì mà trường đại học Mỹ đã đào tạo cho các bạn trẻ sẽ chóng bị lãng quên vì môi trường làm việc và sự thăng tiến của sự nghiệp không đặt trên căn bản “tài năng” hay “sáng tạo”. Sau nhiều năm làm việc ở Việt Nam, một chuyên gia có thể bị tụt hậu rất xa về thu nhập cũng như về kinh nghiệm so với các đồng nghiệp tại Âu Mỹ.
Tuy nhiên, đời sống ở Việt Nam tương đối thư giãn và nhẹ nhàng. Người Việt Nam được xếp hạng là dân xài sang nhất Á Châu (từ tiêu dùng đến giải trí) nói rõ hiện tượng vui hưởng tận cùng, không cần biết đến ngày mai. Gia đình và bạn bè lúc nào cũng bao quanh, chia sẻ cho nhau những tiếng cười lẫn nước mắt, những giúp đỡ lẫn đòi hỏi. Mặc cho một môi trường tệ hại về khói bụi và ô nhiễm, căn bệnh thường thấy ở nước ta là bệnh về gan, mật (vì nhậu quá nhiều) và phổi, ung thư cổ họng (vì hút thuốc, không phải bụi khói).
Riêng về kinh doanh, đúng như bạn sinh viên MBA đã nói, khả năng thành công ở một sân chơi nhỏ như VN sẽ dễ dàng hơn, nhất là nếu may mắn sinh ra trong một gia đình có nhiều quan hệ với các “nhân vật” của xã hội. Tuy vậy, sự thành công này thường giới hạn ở lãnh thổ nước ta: tôi chưa thấy một doanh nghiệp Việt Nam nào thành công rực rỡ khi ra biển lớn. Trong khi đó, không thiếu những doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, Âu Châu và Úc đã đạt những thành tích làm mọi người chúng ta hãnh diện.
Do đó, nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ đang bước vào đời từ đại học, tôi sẽ phải nói là nên tìm cách ở lại Âu Mỹ để tìm thêm kinh nghiệm, kiếm thêm ít tiền tiết kiệm, và tạo thêm những mối quan hệ cần thiết tại xứ người. Sau đó, nếu thực sự muốn về quê hương đóng góp trí tuệ và tâm sức, thì nước ta vẫn còn đây và nhu cầu về nhân lực cấp cao vẫn sẽ rất nhiều, trong 5 hay 10 năm tới. Lúc đó, bạn đã có một số vốn khá tốt về kỹ năng, kinh nghiệm cũng như khả năng giao tiếp với quốc tế. Như bố tôi vẫn thường nói khi sinh tiền “Con muốn giúp một người nghèo, thì đừng bao giờ làm một người nghèo. Thế giới này hơi dư người nghèo rồi”
Nói theo lý trí thì vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn còn những gắn bó không sao lý giải với quê hương. Gần đây, tôi thường về lại Sài Gòn ngay trong những ngày đang bận rộn công việc. Tôi về đây không phải để kinh doanh: trong một hội thảo của doanh nhân người Việt ở San Jose tháng rồi, tôi nói là các bạn muốn làm ăn thành công ở Việt Nam phải thay đổi và làm theo cái tư duy của người Việt Nam. Giống như lái xe trên các đường phố ở Hà Nội hay HCM, bạn sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai nạn nếu bạn khăng khăng giữ cái tư duy của người Mỹ về luật lệ hay phản ứng của các tài xế xe khác. Tôi cũng không về để ăn chơi: tôi không thích ăn nhậu vì sức khỏe không cho phép; và ở tuổi 66, với bệnh đãng trí, tôi thường quên không biết phải làm gì khi đối diện với một cô gái đẹp. Tôi cũng không mơ mộng để mà tưởng tượng “quê hương là chùm khế ngọt”. Tôi không ăn khế và luôn nghĩ là rau quả ở Thái Lan ngon ngọt và tươi mát hơn.
Còn đi tìm lại những kỷ niệm ngày xưa thì thực sự dòng đời dâu biển và văn hóa mới đã cuốn trôi theo chiều gió những dấu vết của quá khứ. Những con đường lá me đầy bóng mát khu đại học đã bị chặt trụi và hè đường là một bãi đậu xe mênh mông, chen lẫn những quán cóc dơ dáy, đầy rác rưởi. Những tà áo tím e ấp bên dòng sông Hương đã đi về đâu, chỉ còn những bộ âu phục lỗi thời, quê mùa và lạc giọng. Những mẫu chuyện cười nhỏ bé dễ thương của tuổi trẻ trong quán café đã được thay thế bằng những lời chào mua bán dự án hay các khẩu hiệu khó khăn rỗng tuếch.
Vậy tại sao tôi vẫn hay về đây? Tôi tìm gì ở ngoài kia, nơi mà mọi người vẫn dùng những mỹ từ tuyệt nhất để gọi? “Quê hương”. Cái âu yếm êm đềm khi thả hồn vào những đêm thao thức? Hay cái hoang tưởng thơ mộng về những con người hiền hòa bên ruộng lúa tre xanh? Cho đến khi tôi đọc lại bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan về những nghịch lý của cuộc đời, tôi mới thấu hiểu là mỗi người trong chúng ta đều có những tâm hồn tơi tả như những chiếc áo rách vai của anh lính trẻ, luôn đi tìm một nơi hay một người để khâu vá lại.
Sau cùng, tôi muốn nói với người bạn trẻ vừa quen qua Email, “Hãy quên đi những phân tích, lý luận, biện giải về quê hương. Em cứ nhìn vào tận đáy thẳm của tâm hồn và tự hỏi mình, trong những buổi chiều mưa xa xứ, có lúc nào em như người lính trẻ, nhớ về một hình bóng nào đó, và muốn hát trong màu hoa tím của ngày xưa.
“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm. mẹ già chưa khâu”.
ALAN PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét