Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Sài Gòn, nơi tình yêu luôn hiện hữu

Sài Gòn xô bồ, ồn ào và tấp nập. Sài Gòn nắng nóng mà mùa mưa đến thì ngập,… Nhưng khi gắn bó với nơi này một thời gian, nhiều người chợt nhận ra yêu Sài Gòn lúc nào không hay.
Tình yêu hiện hữu từ những điều bình dị
Sài Gòn và những con đường mang tên nỗi nhớ. Ảnh: Internet.
Sài Gòn và những con đường mang tên nỗi nhớ. Ảnh: Internet.
“Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng, ngay khoảnh sân của ngôi nhà nằm ngay góc ngã ba Bàu Cát 2 - Trương Công Định (phường 14, quận Tân Bình) xuất hiện đàn chim sẻ, bồ câu cả trăm con đua nhau xuống “đánh chén”. Người thiết đãi bầy chim không ai khác là chủ nhân ngôi nhà.
Lý do ư? "Vì họ là dân Sài Gòn luôn rộng lòng bao dung, kể cả đối với chim huống chi người". Tôi từng đọc đâu đó câu chuyện đại loại như vậy. Không người thân, không nhiều tiền, nhưng nhờ câu chuyện đó mà tôi vững tin xách ba lô với 8 bộ quần áo và 6 triệu đồng dắt túi, bắt xe vào Sài Gòn.
Kể ra vậy để bạn biết tôi không phải là người Sài Gòn. Tôi là người miền Trung, ra Bắc học rồi vào Nam lập nghiệp. 6 tháng gắn bó cùng mảnh đất này, thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để người con gái tha phương như tôi biết đó là mảnh đất lành.
“Nước sâm lạnh ngon, bạn cứ lấy uống nhé! Cảm ơn”.  Ảnh: Internet.
“Nước sâm lạnh ngon, bạn cứ lấy uống nhé! Cảm ơn”. Ảnh: Internet.
Người Sài Gòn chân chất thật thà, không khách sáo lễ nghi. Người Sài Gòn nói ghét là ghét, nói thương là thương. Ghét thì tránh đường, thương thì đến với nhau, không vòng vo, lắt léo. Cuộc sống ở Sài Gòn dễ thở hơn cũng là vì thế.
Sài Gòn chẳng mấy người bán trà đá. Mặc dù cái nghề này ở Hà Nội hay nhiều tỉnh thành khác là nghề hốt bạc. Ở Sài Gòn, đi một đoạn lại thấy bình trà đá đặt bên vệ đường, thêm vài cốc nhựa hoặc nhôm để cạnh… cho những người dân nghèo lỡ bước qua đây dừng chân.
Những tấm biển nhỏ ghi “Trà đá miễn phí” hay mỹ miều hơn chút thì “Nước sâm lạnh ngon, bạn cứ lấy uống nhé! Cảm ơn”... không khó tìm thấy trên những con đường Sài Gòn tấp nập. Cốc trà đá, sâm lạnh chẳng đáng là bao nhưng với những người lao công, cô chú bán ve chai thì mát lòng mát dạ lắm. 
Một góc Sài Gòn bình yên. Ảnh: Internet.
Một góc Sài Gòn bình yên. Ảnh: Internet.
Sài Gòn rất rộng nên dễ bị lạc đường, nên muốn đi đâu cứ phải hỏi các bác xe ôm. Những người lái xe ôm ở Sài Gòn cũng lạ lắm, đã chỉ đường là chỉ đến tận chân tơ kẽ tóc. Ngày đó tôi mới vào Sài Gòn, sắm con xe đạp đi lại cho tiện vì tiền trong túi đã cạn mà chưa tìm được việc.
Tôi ở Bình Thạnh, hỏi đường lên quận 3. Bác xe ôm đầu tiên chỉ đã nhiệt tình rồi, lúc tôi định đi thì bác ở bên ngoắc ngoắc lại. “Con đi đường này gần hơn nè…”. Đi được một quãng xa rồi mà vẫn thấy hai bác cãi nhau vì một người lỡ chỉ vì: “Nhỏ đi xe đạp, mày chỉ đường đó nó thêm cả cây số mệt chết mày”. “Nhưng đường đó dễ đi hơn”.
Người Sài Gòn không có khái niệm đại gia hay đẳng cấp. Ra đường đi xe cup, xe dream cũng chẳng ai cười chê. Một ông chủ giàu nứt đố đổ vách vẫn uống café lề đường, lai rai quán nhậu với bát cháo lòng, đĩa đậu phộng mà người miền Trung hay miền Bắc vẫn gọi là lạc. 
Sài Gòn làm ấm lòng những người khách phương xa vào đây lập nghiệp bằng những cách gọi gần gũi như con cháu trong nhà, hơn nhau ít tuổi thì “anh chị”, xưng “em”, với người lớn tuổi hơn thì xưng “con”, gọi “cô”, “chú” “ngoại”. Người Sài Gòn nhiệt tình phóng khoáng, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xa lạ, chỉ cần đáp lại bằng một nụ cười thân thiện, một cái gật đầu cảm ơn.
Bồ câu nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Internet
Bồ câu nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Internet
Hạnh phúc tròn quanh vuông
 Tôi thường uống café trên con hẻm nhỏ Phan Đình Phùng. Nơi đây có quán cà phê vợt cô Ba hơn 60 năm tuổi, quán không chỉ là nơi lưu giữ hương thơm hoài niệm của một thời xa vắng, mà còn là điểm dừng chân ngơi nghỉ của những "thân cò" lặn lội mưu sinh. Quán café nho nhỏ cho những người muốn tìm khoảng lặng bình yên.
Tình bạn giữa anh Chung làm nhân viên phục vụ ở đây và chị Hằng làm nghề ve chai khiến tôi nhớ mãi. Anh Chung nghèo lắm, nhà anh ở tận Gò Vấp, để kịp đến đây lúc 23 giờ, anh phải đi trước đó 2 tiếng đồng hồ vì anh... đi bộ đến chỗ làm.
Mỗi lần được nhận cơm từ thiện, chị Dung thường xin thêm một vài suất để mang về cho anh và những người có hoàn cảnh khó khăn. Bù lại, làm nhân viên của quán nên hễ khách uống xong lon nước ngọt để đó ra về anh lại lúi húi nhặt nhạnh lại để dành cho chị. Có mấy người tưởng hai anh chị thương nhau nhưng hóa ra không phải. Ngậm điếu thuốc phì phèo trên môi, chị Dung cười khề khà: “Trời, cùng cảnh với nhau thì giúp nhau chút xíu. Người Sài Gòn là vậy đó”.
Sài Gòn bao dung với hàng triệu người dân tứ xứ. Ảnh: Internet.
Sài Gòn bao dung với hàng triệu người dân tứ xứ. Ảnh: Internet.
Ngày mới vào Sài Gòn, tôi nghĩ cứ cho mình một thời gian thử thách, cũng là thực hiện lời hứa rồi lại về Bắc làm việc. Nhưng rồi ý nghĩ đó cứ mờ dần, mờ dần đi lúc nào không biết nữa. Chỉ là mùa đông về lại nhớ nôn nao cái lạnh nơi đất Bắc, nhớ áo ấm khăn len, nhớ kem Tràng Tiền, nhớ Hồ Gươm, Hồ Tây bảng lảng sương mờ những sáng ban mai se lạnh… Nhưng để trở về thì...chợt giật mình. Hình như, tôi yêu Sài Gòn mất rồi. 
Nhấp ngụm cafe, lẩm nhẩm lại câu thơ cũ ai từng viết…
"Ngọt từ trong tia nắng
Vui trong giọt mưa buông
Sài Gòn đâu có nhạt
Hạnh phúc tròn quanh vuông!
Sài Gòn vẫn đang mưa!"
Theo Hải Đăng/Timeout Việt Nam
- See more at: http://www.dulichgiaitri.com.vn/du-lich/sai-gon-noi-tinh-yeu-luon-hien-huu-2971.html#sthash.MuNBIfvI.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét