Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

 LS VÕ AN ĐÔN: TẠI SAO TÔI KHÔNG CHẠY ÁN ĐỂ LÀM GIÀU?

Posted by adminbasam on 05/10/2015
4-10-2015
H1Nghề luật sư là nghề hái ra tiền ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng mỗi luật sư nhận trung bình từ 3 vụ đến 10 vụ án; nếu là luật sư chân chính thì nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Nhiều luật sư chạy án giàu lên nhanh chóng, họ mua nhà lầu ở nhiều nơi và tậu xe hơi đắt tiền.
Tôi chỉ là luật sư bào chữa cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Những vụ án thuộc diện này tôi nhận bào chữa hoàn toàn miễn phí nhưng được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ từ một triệu đến hai triệu đồng mỗi vụ, chi phí này chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng. Ngoài việc làm luật sư bào chữa tại tòa án, tôi còn phải làm ruộng, cuốc đất trồng rau, nuôi bò để cải thiện cuộc sống.

Sau khi liên ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án thành phố Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi, nhưng bất thành vì vấp phải sự phản đối từ dư luận cả nước. Sau đó, họ tung tin đồn “Tôi sắp bị bắt về tội phản động” làm cho nhân dân trong vùng không ai dám đến nhờ tôi bào chữa.
Nhiều người nói với tôi rằng “Làm luật sư ai cũng giàu sang phú quý còn anh thì nghèo hoài; hơi đâu mà lo chuyện xã hội để tự làm khổ thân; sao anh không chạy án làm giàu như những luật sư khác…”
Làm người ai cũng muốn mình giàu sang phú quý, tôi cũng muốn có nhà lầu, xe hơi nhưng làm giàu bằng cách chạy án bất chính, lấy tiền từ sự đau khổ của người khác làm giàu cho bản thân và gia đình mình thì không nên. Bản thân tôi không bao giờ thấy hạnh phúc khi mình đi xe hơi tiền tỷ mà xung quanh mình còn rất nhiều người dân nghèo lam lũ, làm cơ cực cả đời không đủ ăn.
Nhiều gia đình nông dân quê tôi khi có việc liên quan đến kiện tụng hoặc có người thân trong gia đình lâm vào cảnh lao tù thì họ chạy vạy khắp nơi mượn tiền hoặc buộc phải bán con bò, sào ruộng là tài sản duy nhất của mỗi gia đình nhà nông để lo tiền chạy án, mong sao cho mình thắng kiện hoặc người thân của mình khỏi lâm vào chốn lao tù.
Than ôi, muốn làm một người tốt, một người sống có lương tâm trong cái xã hội này thật là khốn khổ !
____
Phản hồi của LS Lê Ngọc Luân:

LUẬT SƯ ĐI XE HƠI, Ở NHÀ LẦU CÓ PHẢI LÀ LUẬT SƯ CHÂN CHÍNH?

5-10-2015
Ngày hôm qua, người đồng nghiệp – LS Võ An Đôn đã có một bài viết trên trang facebook với tựa đề: “Tại sao tôi không chạy án để làm giàu ?”. Trong đó, có đoạn như sau:
“Nghề luật sư là nghề hái ra tiền ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng mỗi luật sư nhận trung bình từ 3 vụ đến 10 vụ án; nếu là luật sư chân chính thì nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Nhiều luật sư chạy án giàu lên nhanh chóng, họ mua nhà lầu ở nhiều nơi và tậu xe hơi đắt tiền”.
Sau khi bài viết này được đăng, có gần 17.000 like, hơn 2.300 lượt chia sẻ và hơn 2.300 bình luận, điều đặc biệt, đa số mọi người đều ủng hộ bài viết của LS Võ An Đôn.
Là một đồng nghiệp với LS Võ An Đôn (dù ngoài đời chưa gặp anh ấy), tôi mạn phép được nêu lên một vài quan điểm của cá nhân của mình, ý kiến này không nhắm đến phân tích về bài viết của anh ấy mà chỉ nói lên bức tranh nghề luật sư ở Việt Nam và phí luật sư được tính như thế nào để mọi người có cái nhìn khách quan hơn.
1) Bức tranh cơ bản về nghề luật sư ở Việt Nam, thù lao luật sư được tính như thế nào ?
Hiện nay, luật sư hành nghề có thể lựa chọn cho mình con đường hành nghề khác nhau như: Luật sư chuyên về tư vấn hoặc luật sư chuyên về tranh tụng; có luật sư làm cả lĩnh vực tư vấn lẫn tranh tụng. Theo quy định của luật pháp hiện hành, chỉ đối với lĩnh vực hình sự thì mới có quy định mức phí thù lao rõ ràng, bằng cách quy định số tiền cụ thể cho mỗi giờ làm việc của luật sư. Tuy nhiên, luật không cấm về tổng mức phí tối đa cho các vụ án hình sự. Riêng đối với các lĩnh vực khác như kinh tế, dân sự, lao động, đầu tư…luật pháp không có quy định mức phí tối đa hay tối thiểu. Thay vào đó, luật sư sẽ lấy phí thù lao dựa trên độ phức tạp hay giản đơn của vụ việc, kinh nghiệm, bản lĩnh và uy tín của chính tổ chức hành nghề và của cá nhân luật sư đó.
Đối với những luật sư chuyên về tư vấn, khách hàng của họ hầu như là các doanh nghiệp, có thể gồm các tập đoàn kinh tế lớn. Những vụ việc mà khách hàng nhờ có thể lên đến hàng trăm triệu Đô la Mỹ, thậm chí cả tỷ Đô la. Lúc này, phí thù lao khách hàng phải trả cho luật sư có thể vài tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ. Đồng nghĩa với nó là một áp lực rất lớn cho luật sư nhận vụ việc bởi tính phức tạp và khó khăn, những vụ việc như vậy cần phải có một nhóm luật sư chuyên các lĩnh vực khác nhau cùng kết hợp mới đủ sức làm. Đặc biệt, rủi ro hơn, nếu tư vấn không đúng dẫn đến thiệt hại cho khách hàng thì luật sư đó phải bồi thường cho khách hàng một số tiền cực lớn.
Ngoài ra, với những công ty luật lớn, với số lượng luật sư có thể lên đến hơn hai trăm (200 người) thì mỗi tháng công ty đó phải bỏ ra tiền tỷ để trả tiền cho nhân viên và các chi phí khác…vv…
Đối với những luật sư tranh tụng, phí luật sư có thể là mười triệu đồng hoặc có thể là lên đến tiền trăm, tiền tỷ. Tùy theo tính chất của vụ việc đó có phức tạp hay không ? Có những vụ án kéo dài đến mười (10) năm, có khi luật sư phải tự bỏ chi phí để tiếp tục nghĩa vụ của mình đối với khách hàng.
Vì vậy, phí luật sư tùy thuộc hoàn toàn vào nhiều yếu tố và không phải luật sư lấy phí một hai triệu thì luật sư đó là chân chính hay luật sư lấy tiền trăm triệu, đi nhà lầu, xe hơi thì luật sư đó không là chân chính hay chạy án.
2) Sự đóng góp của những luật sư đối với người dân và xã hội.
Tùy theo sự lựa chọn lĩnh vực hành nghề của mình, mỗi tổ chức, cá nhân luật sư sẽ có sự đóng góp khác nhau.
Cá nhân tôi được biết có nhiều luật sư chuyên về lĩnh vực tư vấn, ngoài việc hành nghề, hàng ngày họ miệt mài góp ý cho việc sửa đổi các bộ luật và các chính sách cho xã hội khác. Việc làm đó không phải doanh nghiệp hay người dân nào cũng biết, người biết rõ nhất chính là cơ quan lập pháp.
Cạnh đó, những luật sư chuyên về tranh tụng họ đóng góp cho sự phát triển của nghề và đất nước bằng cách tranh đấu, vạch ra những điều chưa được của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các vấn đề khác.
Cũng có những luật sư họ đóng góp âm thầm nhưng không bao giờ nói ra hay để cho ai biết, họ chỉ tâm niệm làm đúng với bổn phận và lương tâm của một người đã dấn thân vào cái nghề vốn được gọi là cao quý.
Quan điểm của tôi cho rằng, sự đóng góp nào cũng quý cả, miễn sao nó xuất phát từ tâm tốt và sự đóng góp đó là tri thức.
Ước mơ hạnh phúc và giàu có là một điều vô cùng chính đáng và đáng trân trọng. Mỗi cá nhân được hạnh phúc, được sống trong nhà lầu, đi xe hơi bằng chính đồng tiền của mình thì còn điều gì tuyệt vời hơn.
Tôi cũng sẽ phấn đấu làm việc hăng say để có nhà lầu xe hơi, lúc đó đi làm việc ở tỉnh xa, cần thiết sẽ chở khách hàng cùng đi để chia sẽ và hàn thuyên những câu chuyện về nhân tình thế thái thì còn gì tuyệt vời hơn phải không các bạn.
Tôi cũng trân trọng những việc làm của LS Võ An Đôn khi anh bào chữa cho người dân nghèo khó, phụ nữ mang thai, trẻ em.
Nếu ai đó kết luận: “Nếu là luật sư chân chính thì nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ” là hoàn toàn không có cơ sở và không chính xác.
Cuối cùng, tôi trân trọng gửi chúc sức khỏe, hạnh phúc đến toàn thể các đồng nghiệp và tất cả mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét