Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Alan Phan: Doanh nghiệp có nên đầu tư vốn xã hội trong năm 2012?

Diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 12 tiếng đồng hồ ngày thứ 4 tuần này 16/2/2012, khoảng 20 diễn giả đến từ các lĩnh vực kinh tế, với trải nghiệm doanh nghiệp thực tiễn của mình sẽ chia sẻ về cơ hội đầu tư và cách kiếm tiền trong năm 2012 tại “Ngày hội đầu tư”. Một vài người trong số các diễn giả  là chuyên gia kinh tế, đại diện quỹ đầu tư nước ngoài. Ở cả ba cương vị chuyên gia, quỹ đầu tư và là một doanh nhân, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, TS. Alan đã dành cho Diễn đàn Doanh  bài phỏng vấn về một chủ đề không được nhắc tới trong hội thảo, nhưng lại là một vấn đề mà các doanh nghiệp đều rất quan tâm và có ý nghĩa quyết định vị thế lẫn cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong tương lai, đó là Vốn xã hội.
Vài nét về “Vốn xã hội”
Trước hết, đối với tôi, vốn xã hội và kinh doanh là hai chuyện riêng biệt, mặc dù một doanh nghiệp muốn thành công lâu dài thì phải rất quan tâm đẩy mạnh vốn xã hội. Cụ thể và đầu tiên, doanh nghiệp phải quan tâm đến nhân lực lao động – cốt lõi vốn xã hội quan trọng trong công việc kinh doanh và xây dựng nền tảng doanh nghiệp -, quan tâm đến cộng đồng xung quanh để gây dựng, thiết lập và giữ vững niềm tin vào doanh nghiệp từ khách hàng, đối tác đến nhân viên.
Nhưng đó là điều không thể bắt buộc và các chủ doanh nghiệp cũng không phụ thuộc vào những trách nhiệm xã hội, như một phần của việc xây dựng và khơi thông vốn xã hội. Nói riêng về trách nhiệm xã hội, thì đây là sự tự nguyện của mỗi một lãnh đạo, là sự thể hiện tầm nhìn chiến lược, năng lực và lựa chọn của mỗi một doanh nhân. Chúng ta có thể đặt để ra những lề luật, quy định, cấm đoán doanh nghiệp không vi phạm, nhưng không thể ép buộc doanh nghiệp quan tâm đến “vốn xã hội” nói chung, đến cộng đồng, đến an sinh của những đối tượng không thuộc về doanh nghiệp.
Lẽ dĩ nhiên, một công ty có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, biết lo cho môi trường, cộng đồng xung quanh sẽ là một công ty có cơ hội và nền tảng để thành công, phát triển bền vững trong lâu dài. Nhưng như đã nói, đó là lựa chọn của riêng từng người.
Để có thể gia tăng chất keo dính kết và liên kết con người lại với nhau, tăng chất lượng và sản phẩm cho xã hội (như định nghĩa của Ngân hàng Thế Giới WorldBank về vốn xã hội), phần lớn các doanh nghiệp đã và đang thành công, các doanh nghiệp lớn đều chứng tỏ đã rất quan tâm đến vấn đề này.
Các doanh nghiệp lớn không chỉ quan tâm thể hiện trách nhiệm cộng đồng xã hội mà còn coi đó như một nguồn vốn cần được phát huy, tận dụng để một mặt thể hiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mình; mặt khác đó cũng là bệ phóng để doanh nghiệp đã làm ăn tốt sẽ càng có cơ hội ăn nên làm ra tốt hơn. Cũng vì vậy, hiểu theo nghĩa ngược lại, khi nói về một doanh nghiệp đã phát huy và tận dụng tốt vốn xã hội, người ta sẽ nghĩ ngay về một doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, dám đầu tư cho các vốn liếng, tài nguyên vô hình.
Với những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ, con đường phát huy và tận dụng vốn xã hội sẽ còn nhiều gập ghềnh, và đó hẳn sẽ là ưu tiên thuộc hàng thứ yếu nếu so với mục tiêu phát triển kinh doanh. Những doanh nghiệp nhỏ luôn phải lo cho sự sống còn của mình trước khi nghĩ đên gây dựng vốn xã hội. Đó cũng là yếu điểm trong cạnh tranh khiến doanh nghiệp nếu trụ vững kinh doanh, sẽ phải mất thêm nhiều thời gian mới có thể lớn hơn, thực sự thành công, chứng tỏ được sự thành công và tận dụng điều đó để bước tới.
Những rào cản phát huy vốn xã hội
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang còn nhiều thách thức và kinh tế thế giới cũng đang chuyển động theo những chiều hướng khó lường, việc phát huy vốn xã hội đối với các doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn so với các doanh nghiệp trong cùng khu vực hoặc trên trường quốc tế.
Rào cản nội tại và trước nhất là nền kinh tế Việt Nam , các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ vừa đi ra biển lớn, sức khỏe còn non yếu và khả năng đề kháng trước sóng to, gió mạnh chưa cao. Doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nền tảng kinh doanh, hơn là đầu tư cho vốn xã hội. Đương nhiên trong bối cảnh  này thì đầu tư vật lực, nhân lực vào vốn xã hội sẽ dễ bị xem là một sự lãng phí và chưa thật cần thiết, như đã nói về ưu tiên của doanh nghiệp khi chọn sự sống còn của doanh nghiệp thay vì chọn phát triển vốn xã hội ở tầm mức vi mô.
Nhưng để phát triển lâu dài và bền vững, dù tập trung vào xây dựng nền tảng kinh doanh và tăng sức đề kháng khi hội nhập, những doanh nghiệp đủ nguồn lực vẫn phải tính chuyện đầu tư vốn xã hội, với mức độ có thể còn nhỏ giọt, dần dà chứ chưa thực sự mạnh mẽ và  có thể cho thấy hiệu quả tức thời. Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có công nghệ riêng, có thương hiệu và có lối đi riêng. Chẳng hạn như Trung Nguyên Café, như Vinamit, như Vinamilk… Nhưng con số các doanh nghiệp như vậy không nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải đau đầu với bài toán chuẩn bị vị thế cho tương lai hay cứ phải giải quyết những vấn đề trước mắt rồi đến đâu hay đó.
Thành thật mà nói, nếu so với các quốc gia lân cận trong khu vực, chưa nói đến các quốc gia có nền kinh tế cường thịnh và xã hội phát triển vượt bậc, thì về mặt phát huy vốn xã hội ở các thang bậc vi mô, trung mô, doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa có gì, và vốn xã hội một khi chưa được khơi lên, được quan tâm đúng mức, cũng gần như không giúp được gì cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc củng cố vị thế kinh doanh như mong muốn. Đây chắc chắn sẽ là một bất lợi khi kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được những thách thức của năm 2012, trong bão khủng hoảng chung của toàn cầu.
Năm 2012, dù không bi quan, kinh tế thế giới theo tôi dự đoán vẫn còn rất xấu. Kinh tế Việt Nam khó thoát khỏi trường điện từ ảnh hưởng, chưa kể chúng ta cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc và xáo trộn, nhiều thứ sẽ phải làm lại từ đầu. Một môi trường kinh doanh và không khí, điều kiện nói chung đang có nhiều thay đổi và khó khăn sẽ khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân bắt buôc phải hạn chế việc đầu tư vốn xã hội, đầu tư cho nhân lực, con người, cho những mục tiêu xã hội lớn lao.
Mặc dầu, nếu nhìn về toàn cảnh chung, đây lại là đòi hỏi vô cùng cấp bách của một nền kinh tế – xã hội đang tụt hậu, đi sau, đặc biệt về văn hóa, văn minh. Đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cải thiện vốn xã hội ở tầm cấp vĩ mô, lại phải xây trên nền tảng và bắt đầu từ tầm cấp vi mô, từ doanh nghiệp , từ sự liên kết con người và gia tăng chất lượng nhân lực, chất lượng sản phẩm cho xã hội của cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các nhà quản lý công ty, đòi hỏi này khá lớn lao và chắc chắn để giải quyết những vấn đề nội tại, trước mắt của mỗi một doanh nghiệp, để giải quyết chuyện sống còn hay rút lui, bảo toàn sức lực, doanh nghiệp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc co lại đầu tư vốn xã hội.
Như vậy, sẽ còn rất lâu nữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới  thực sự khơi thông nguồn vốn quý giá phát triển bền vững và tăng cao sức cạnh tranh. Nền kinh tế – xã hội Việt Nam cũng sẽ còn xa mới có thể đạt tới những gì mà vốn xã hội đã mang đến cho các quốc gia phát triển. Mọi lựa chọn đều có cái giá của nó. Cái giá phải trả trước mắt của chúng ta là tồn tại, vượt qua thách thức cam go của yếu nghèo, được đánh đổi bằng sự chuẩn bị và đắc thụ những vị thế tương lai.
Bài viết do Lê Mỹ thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét