5 tiến sĩ quyền lực trong giới doanh nhân Việt
Họ kinh doanh trong nhiều ngành khác nhau, nhưng có điểm chung là có tầm ảnh hưởng rất lớn tới từng lĩnh vực mà họ đang hoạt động.
1. Ông Trương Gia Bình - FPT
Ông Trương Gia Bình, sáng lập viên Tập đoàn FPT, một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam |
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT – Trương Gia Bình sinh năm 1956, nguyên quán Đà Nẵng. Ông là Tiến sĩ Toán Lý, Đại học Tổng hợp Lomonosov – CHLB Nga từ năm 1982 và được phong hàm Phó giáo sư năm 1991 tại Việt Nam.
Năm 1988, ông Bình là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT với tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm. Đến năm 2002, công ty cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Đến năm 2008, tên chính thức được đổi thành Công ty cổ phần FPT, và duy trì cho đến nay. Lĩnh vực hoạt động chính của FPT là công nghệ thông tin.
Đến cuối năm 2011, FPT có 10 công ty con, với gần 13.000 nhân viên (bao gồm cả công ty liên kết). Tổng tài sản FPT đạt gần 15.000 tỷ đồng, doanh thu khoảng 25.978 tỷ, lợi nhuận sau thuế gần 2.080 tỷ, lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) là 7.861 đồng.
Thành công của FPT dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình và các thế hệ lãnh đạo là niềm tự hào không chỉ của hàng nghìn nhân viên, mà còn là biểu tượng công nghệ thông tin của cả nước.
2. Ông Phạm Huy Hùng - Vietinbank
Ông Phạm Huy Hùng – Chủ tịch HĐQT Vietinbank có tầm ảnh hưởng lớn với hệ thống ngân hàng Việt Nam |
Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng sinh năm 1954, nguyên quán Hà Nội. Ông Hùng bảo vệ luận án năm 1997 tại Trường Đại học Tài chính Kế toán với học vị Tiến sĩ Kinh tế.
Tháng 6/2009, ông Phạm Huy Hùng được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Vietinbank và giữ chức vụ này cho đến nay. Gắn bó hơn 20 năm với Vietinbank, ông Phạm Huy Hùng trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với từng nhân viên trong ngân hàng, ông thể hiện uy lực của người lãnh đạo và thuyết phục họ bằng niềm đam mê và sức làm việc ít ai sánh kịp.
Kết thúc năm 2011, tổng tài sản của Vietibank là 460.604 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động là 22.374 tỷ đồng, lãi sau thuế là 6.259 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 20.230 tỷ đồng.
Hệ thống của Ngân hàng Công thương đến cuối năm 2011, gồm 1 hội sở chính, 6 công ty con, 1 sở giao dịch, 3 đơn vị sự nghiệp, 3 văn phòng đại diện, 151 chinh nhánh chi nhánh cấp một, 2 chi nhánh nước ngoài tại Đức và Lào, 899 phòng giao dịch, 49 quỹ tiết kiệm trên cả nước. Tổng số cán bộ công nhân viên tính đến ngày 31/12/2011 là 18.622 người.
3. Bà Phạm Thị Việt Nga – Dược Hậu Giang
Bà Phạm Thị Nga, nữ doanh nhân đưa đưa Dược Hậu Giang thành một trong những công ty mạnh nhất trong ngành dược phẩm tại Việt Nam |
Tổng giám đốc Công ty dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga, sinh năm 1951, nguyên quán Cần Thơ. Bà là Dược sĩ và Tiến sĩ Kinh tế. Từ năm 2004 bà Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Khoa học Công nghệ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.
Doanh thu của Dược Hậu Giang khi bà Nga về tiếp quản chỉ đạt 895 triệu đồng. Kết thúc năm 2011, tổng tài sản của Dược Hậu Giang là 1.996 tỷ đồng, doanh thu thuần gần 2.491 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 419,76 tỷ, lãi cơ bản trên một cổ phiếu là 6.382 đồng. Hết năm 2011, Dược Hâu Giang có 9 công ty con, tổng số cán bộ công nhân viên là 2.629 người.
4. Ông Hà Văn Thắm - Ocean Group
Ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng tới bất động sản. |
Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm, sinh năm 1972, nguyên quán Bắc Giang Bắc Giang. Ông Thắm bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2007, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học công nghệ Paramount, Mỹ. Đồng thời chủ tịch Đại Dương cũng là Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Colombia Common Wealth, Mỹ và là Cử nhân chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Thương Mại.
Ông Hà Văn Thắm khởi nghiệp vào năm 1993 bằng việc làm đại lý cho một số hãng với những mặt hàng kinh doanh đầu tiên là dầu ăn, lốp xe ôtô. Nhưng ông được biết đến nhiều hơn kể từ khi tham gia ngành ngân hàng, bằng việc mua lại Ngân hàng cổ phần nông thôn Hải Hưng để phát triển lên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank). Tiếp đó là những thương vụ đình đám trong lĩnh vực bất động sản như đầu tư vào thương hiệu kem nổi tiếng đất Hà Thành – Tràng Tiền.
Từ năm 2007 đến nay, ông Thắm là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương.
Kết thúc năm 2011, Tập đoàn Đại Dương có tổng tài sản 8.790 tỷ đồng, doanh thu 1.382 tỷ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 187,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên một cổ phiếu 567 đồng. Đến ngày 31/12/2011, Tập đoàn Đại Dương có tổng số nhân viên 1.315 người, có 5 công ty con hoặc nắm cổ phần chi phối.
5. Ông Lý Quý Trung
Sáng lập viên của thương hiệu Phở 24 – ông Lý Quý Trung |
Tên tuổi Lý Quý Trung gắn với Phở 24, hệ thống nhà hàng phở kiểu nhượng quyền thương hiệu do ông sáng lập. Sinh năm 1966, nguyên quán tại TP HCM, ông bảo vệ luận án năm 2008, với học vị Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Western Kennedy, Mỹ. Đồng thời, sáng lập viên Phở 24 cũng là Cử nhân Kinh tế trường Đại học Western Sydney, Australia và học cao học tại Trường đại học Griffith, Australia.
Ông được biết tới như một người ham học nhưng cũng rất chịu khó lăn lộn với trường đời ngay từ sớm. 19 tuổi, thi rớt đại học, Lý Quý Trung xin đi làm bồi bàn rồi tiếp tân trong khách sạn. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng và khách sạn, rồi thạc sĩ du lịch, từ Australia Lý Quí Trung trở về nơi từng làm bồi bàn để nhận chức tổng giám đốc. Sau này, ông trở thành thành viên sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn An Nam Group và Phở 24, sau khi đã lấy học vị tiến sĩ Quản trị kinh doanh.
Năm 2011, khi Phở 24 đã có hàng chục cửa hàng nhượng quyền trong cả nước và đặt chi nhánh tại 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, ông Trung từ bỏ vai trò quản lý tại hệ thống Phở 24 và toàn tâm làm Giám đốc điều hành Tập đoàn An Nam, chuyên về ẩm thực do chính ông thành lập năm 2003. Hiện, ông Trung là giáo sư danh dự tại Trường Đại học Griffith, Australia.
Hàn Phi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét