Giới Trẻ Việt Nhìn Từ Silicon Valley
Giới Trẻ Việt Nhìn Từ Silicon Valley
Alan Phan
27 Aug 2015
Sau cuộc họp thân hữu ngày 23 tháng 8 vừa qua ở San Jose, một nhóm bạn trẻ mời tôi ăn tối và khoảng 20 người bỗng nhiên cùng nhau đàm thoại trong một diễn đàn impromptu. Sau đây là vài đoạn thú vị ghi âm từ một Iphone:
……..
“Khi viết bình luận và điều hành Góc Nhín Alan (GNA), bác có bị chính quyền Việt gây nhiều phiền hà?”
“Thực ra chỉ từ những comments của các ông bà Dư Luận Viên. Họ gọi bác bằng đủ mọi danh từ, rất quen thuộc với luận điệu của CS, …phản động, mất gốc, chạy theo tư bản, chỉ chém gió, chưa đóng góp gì cho VN….và điều khôi hài là họ đều sao chép lại theo một nguyên bản ngây ngô từ một quan chức tuyên truyền thiếu rất nhiều kiến thức. Câu comment phổ thông nhất là sao lúc này GNA toàn đăng bài về chính trị của các tác giả khác; sao không chỉ nói đến các đề tài kinh tế. ….
Chúng tôi theo dõi contents của GNA gần như thường trực: bài về kinh tế chiếm khoảng 50%, về xã hội văn hóa tư duy khoảng 40% và chỉ 10% có đụng đến các vấn đề chính trị trong đó một vài bài là nhậy cảm với quan điểm “lề đảng” của nhà nước. Các bài ít người đọc nhất là kinh tế và các bài phổ thông nhất với đọc giả là các bài “chính trị” theo lề dân này. Nếu chỉ muốn câu views và tạo nên lượng đọc giả khổng lồ, chắc GNA chỉ nên đăng những bài thuộc loại nhậy cảm. Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu của GNA.”
“Bác có cả các số liệu về lượng người đọc từng bài một hay từ còm sĩ một?”
“Thực ra, Amazon (server host), Google, Twitter và Facebook có rất nhiều chi tiết thú vị. Những ông bà Dư Luận Viên gần như không hề đọc các bài về kinh tế hay xã hội nếu không liên quan đến việc phê bình chính quyền hay quan chức. Họ chỉ tập trung comments và chửi bới vào vài bài đụng chạm. Các IP họ dùng đều có chung một địa chỉ, chứng tỏ họ làm việc tại một cơ quan độc nhất của đảng hay nhà nước, và các thông tin cá nhân của họ đều được ngụy tạo…Nói chung, họ có thể làm người đọc comments khó chịu, nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến quan điểm của ai. Với bác, đó chỉ là một cách kiếm tiền lẻ tội nghiệp… ”
………
“Bác nghĩ thế nào về giới trẻ Việt Nam tại Silicon Valley, cái nôi của công nghệ IT Mỹ?”
“Bác đến đây rất nhiều lần suốt 40 năm qua, gặp gỡ, hội thoại, làm ăn…với nhiều chuyên viên, nhà đầu tư, sáng lập viên doanh nghiệp (đã thành công hay thất bại)…. Sự thay đổi thần kỳ của khu vực cũng như ảnh hưởng của IT trên kinh tế, xã hội toàn cầu là một phép lạ. Tuy nhiên đây là lần đầu bác có sự tiếp xúc sâu rộng với giới trẻ Việt Nam. Tổng quát, bác thấy các bạn cũng mang nhiều bản sắc của những giới trẻ khác, từ Âu qua Á, lớn lên và mưu sinh trong một môi trường đặc thù của sáng tạo và cạnh tranh. Ngoài một mức sống cao hơn nhờ thu nhập, giới trẻ nơi đây biết chấp nhận rủi ro nhiều hơn, lạc quan và năng động hơn, có những đam mê mạnh hơn các bạn trẻ ở các vùng khác. Giới trẻ Việt đi chậm hơn các đồng nghiệp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Âu…vì hoàn cảnh, nhưng bác tin là các cháu sẽ bắt kịp các cộng đồng thiểu số khác trong vòng 10 hay 20 năm nữa…và sẽ thể hiện cái thông minh cốt lõi của dân tộc..”
……“Giờ bác hỏi lại các con: nhìn lại giới trẻ đang còn sống ở Việt Nam, các con thấy có những gì khác biệt..?”
“Cho con trả lời. Con vừa qua mới có 6 tháng, fresh off the boat, nên xin phân tích vài điểm:
Khác biệt lớn nhất là tư duy, suy nghĩ…từ khi đến Mỹ. Hồi ở Việt Nam, gia đình con loại trung lưu, bố là công chức cao cấp, nên con chỉ lo đi học và chơi, không gì để thắc mắc. Học kiểu Việt Nam thì có lẽ chỉ cần vài ngày trước khi thi cử, rồi tìm cách mua đề thi, chạy chọt…nên con lấy bằng Cử nhân mà gần như không biết một điều gì nhiều về lĩnh vực tổng quát hay chuyên môn. Có rất nhiều thì giờ rảnh để cà phê, nhậu nhẹt, facebook và phá phách xóm làng.
Qua đây, bù đầu vào các homework rồi tham khảo, đọc cả chục cuốn sách mỗi tuần…để bắt kịp bạn học. Có thể nói là thở cũng không có thì giờ…
Hiện tại đã vậy, suy nghĩ về tương lai ở Việt Nam gần như không có. Mọi thứ tùy thuộc vào cha mẹ, từ chuyện làm hộ khẩu, mua cái nhà, kiếm việc làm khi ra trường, lấy vợ…mình thật thụ động, ích kỷ và vô cảm trước mọi diễn biến xẩy ra chung quanh. Còn những đám bạn nghèo, kém may mắn, thì con không thich đàn đúm với chúng, vì thấy bọn này…tuyệt vọng quá.
Qua Mỹ, con bắt đầu biết sống và suy nghĩ trong độc lập, không đổ thừa những thiếu sót, ngu xuẩn của mình vào tình thế hay số phận…rất lạc quan khi nghĩ là tương lai ra trường sẽ có cơ hội để thi thố tài năng, xây dựng cho mình một cuộc sống ý nghĩa. Ngoài sự nghiệp, con cũng bắt đầu thông cảm hơn với những người thua kém, sẵn sàng giúp họ nếu cần.
Khác biệt lớn thứ hai là kiến thức. Lúc ở Việt Nam, con tin vào những tuyên truyền dậy ở trường từ bé…rồi lập đi lập lại mỗi ngày ở các loa phường, miệng cha mẹ bà con, TV, báo chí…nên đúng là một cháu ngoan bác Hồ kiểu mẫu.
Qua Mỹ, chỉ cần 1 tháng lên mạng với Google không bị tường lửa, con nhận ra sự dối trá trắng trợn của những kiến thức mà người dân bị nhồi sọ suốt 70 năm. Cứ mỗi đề tài, mỗi một ông thánh được suy tôn…chỉ cần đọc 100 bài với đủ góc cạnh, sẽ thấy rõ cái chân tướng ghê tởm…của mọi thứ đã ô nhiễm đầu óc con khi còn trong nước.
Lúc này, gần như con không còn liên lạc với bạn bè cũ trong nước. Chúng quả là ngu hơn lợn”
……..
“Còn ai có thêm ý kiến về các khác biệt giữa lớp trẻ ở đây và ở nhà?”
“Con xin tiếp lời bạn N… Con thấy ở đây, ai cũng có những toan tính về sự nghiệp trong ngành mình học và đam mê. Họ sẽ có cơ hội thực hiện giấc mơ Mỹ của họ, nếu đủ khả năng, ý chí và may mắn. Như câu thành ngữ …the sky is the limit…Còn ở Việt Nam, nhiều người bạn cũng có giấc mơ và toan tính, nhưng sự thực hiện gần như là hoang tưởng. Không có quan chức hay thế lực chính trị, không có tiền gối đầu khởi nghiệp, không có công nghệ đặc thù, không có sản phẩm hay thị trường…thì chuyện thành công như các đồng nghiệp IT bên này…đúng là lấp biển vá trời”.
“Cho con đóng góp. Con thấy những khác biệt lớn lao đã ảnh hưởng những hệ quả mà bạn N…và T… nói ra, có nguyên do từ 3 yếu tố: môi trường sống, cơ chế pháp quyền và văn hóa truyền thống.
Môi trường sống khiến con người thấy nghèo hèn, tự ti vì thua kém, chật vật với từng bữa ăn, thiếu tiền thường trực nên luôn nợ nần, cầu xin. Cái nghèo là một thảm họa và người dân Việt bình thường, không phải COCC, bị vùi xuống bùn đen, khó mà có tư duy hay kiến thức của xứ sở tự do mà bạn N…đã nói. Thêm vào đó, ô nhiễm thực phẩm, không khí, ngập lụt, rác thải… đã làm cho môi trường không thích hợp cho cả loài chuột bọ…
Yếu tố thứ hai là một cơ chế quyền lực không khoan dung, với một chính quyền không chấp nhận bất cứ một khác biệt nào. Mọi hành xử trong kinh tế, xã hội, chính trị…đều đã được sắp xếp giữa các “đầy tớ” và không một ông bà chủ nào ngoài băng đảng có thể xía vào.Trong cái cứng ngắc, thô thiển như vậy, không một sáng tạo nào có thể sinh sản; như cây xanh trên sa mạc.
Sau cùng, văn hóa truyền thống Việt Nam đã bị chôn sống từ bao giờ, 70 năm tại miền Bắc và 40 năm tại miền Nam. Chỉ còn lại một văn hóa suy đồi, trì trệ…và những thói quen dối trá và dốt nát đẻ ra từ lối giáo dục nhồi sọ. Bạo lực hiện diện trong mọi tầng lớp xã hội. Các giới trẻ thì theo gương những con sâu đầu đàn: tham nhũng, thủ đoạn, hèn hạ; trên thì nâng dưới thì đạp…làm thế nào mà một người lương thiện có thể tìm nổi một đời sống ý nghĩa như mơ mộng?”
“Con xin tiếp lời cùng 3 bạn trên. Thực ra, cốt lõi của vấn đề là Việt Nam đang bị Trung Quốc đô hộ trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự. Gộng kềm của thực dân Tàu còn mạnh hơn thực dân Pháp rất nhiều; và sau kinh nghiệm về việc đánh thắng Pháp, nhà cầm quyền của 2 nước đã tiết lọc những bài học rất tinh vi, để cầm chắc không người Việt nào có thể phản kháng chế độ mà không bị trừng trị. Sự kết hợp chặt chẽ của 2 đảng cầm quyền tại đây chỉ có thể gia tăng sự lệ thuộc vào tương lai, không thay đổi được, trừ khi một hay hai đảng sụp đổ trước”.
……..
“Bác nghĩ thế nào về sự sụp đổ này? Liệu có là hoang tưởng?”
“Theo suy nghĩ cá nhân của bác và sau khi nghiền ngẫm khá nhiều về các quốc sách cai trị dân qua lịch sử Âu, Á…bác nhận ra một điều. Dù các đảng Cộng Sản châu Á đã đem lại nhiều hệ quả tang thương và khốc liệt cho đời sống của người dân thường, nhưng bộ máy cai trị của họ vô cùng hữu hiệu và sắc bén trong việc cướp giật, nắm giữ và bảo vệ quyền lực cũng như quyền lợi của băng đảng CS. Đỉnh cao của nghệ thuật cai trị phải là gia đình Kim của Bắc Triều Tiên.
Khác với triết thuyết của Machiavelli hay Tôn Tử, các nhà cầm quyền của 3 quốc gia CS còn lại tại châu Á (Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên) đã áp dụng một quốc sách pha trộn giữa chính trị và tôn giáo, để sự đàn áp khống chế mọi người dân hoàn toàn tự nhiên và tuyệt đối. Bầy cừu này ngoan ngoãn nằm trong sự kiểm soát của bộ máy với niềm tin là thần thánh đang cứu giúp họ. Họ tin rằng mình may mắn với một định mệnh quá tuyệt, như câu tuyên truyền, ‘mở mắt dậy là muốn làm người Việt Nam’ câu nói nổi danh, từ một ‘tư tưởng’ rực rỡ của thời đại. Dù là Internet và những chuyến lữ hành ngoài quốc gia có làm sáng mắt vài người, nhưng ‘tư tưởng rực rỡ’ cũng như tường lửa, roi vọt trừng phạt và 70 năm quen làm cừu…đã khiến phần lớn người dân nuốt trôi sự thật và sẵn sàng sống chết với giả dối…
Bác nghĩ các nhà nghiên cứu sử học sẽ có quá nhiều dữ liệu trong tương lai để giúp chúng ta hiểu thêm về hiện tượng này.”
……….
“Còn suy thoái kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam? Ảnh hưởng của chúng sẽ ra sao trên đời sống người dân?”
“Dĩ nhiên là thu nhập của họ sẽ giảm, tiền dành dụm có thể mất vài giá trị…nhưng thói quen tiêu dùng và ăn nhậu chắc cũng không thay đổi nhiều. Từ bia Heineken xuống bia hơi, từ thịt bò xuống khô mực thì cũng OK với đa số dân thành thị. Còn những hộ nghèo ở làng mạc xa xôi, suốt ngày chỉ khoai sắn, côn trùng ếch nhái…thì chắc cũng không gì nhiều để mất. Riêng với các quan chức và đại gia đỏ, đây là khúc ngoặt của ván bài sinh tử. Tranh chấp quyền lực và lợi ích sẽ gia tăng vì miếng bánh thu nhỏ lại. Nhiều người sẽ mất tài sản và mạng sống nếu không cẩn trọng; và vài người sẽ biết nắm bắt cơ hội mới để tăng quyền lực hay giàu hơn.
Nói chung, trong 2015, bác đoán là các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ dùng dự trữ ngoại hối, ngân sách…để ổn định tình thế tạm thời cho nên không có nhiều biến động. Nhưng sau đầu năm 2016, những phương tiện và giải pháp không còn thích hợp, nên họ phải buông tay để thị trường khống chế. Đây là khởi đầu của một chu kỳ suy thoái toàn cầu…ảnh hưởng không lớn lắm trên kinh tế Âu Mỹ; nhưng có thể rất khó khăn với các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.”
……..
“Trước khi chia tay, bác cho các con ý kiến là có nên đem tiền về Việt Nam đầu tư? Nếu không, đâu là nơi lý tưởng nhất.?”
“Như bác chia sẻ trong buổi họp mặt, Việt Nam có rất nhiều cơ hội dành riêng cho những ai có quan hệ đặc biệt với quyền lực. Việc kiếm tiền nhanh và nhiều gấp trăm lần Mỹ là điều rất khả thi. Nhưng với những bạn không có hoàn cảnh hay có tư duy chụp giựt, thì làm ăn ở Việt Nam là một hành trình trắc trở và gian nan vô kể. Phải biết chịu đựng và có một tình yêu quê hương mù lòa.
Với bác, kinh doanh là một động thái hoàn toàn độc lập với cảm xúc. Cần đam mê nhưng cũng cần phân biệt lợi hại, lỗ lời. Trong tình trạng bấp bênh hiện nay, bác sẽ ngừng lại mọi dự tính đầu tư và chăm chú vào việc phòng thủ cho dòng tiền còn lại. Các kinh tế lớn như Âu Mỹ, các blue chips như công ty đa quốc lâu đời…sẽ là điểm đến của bác.
Còn nếu muốn tìm chút cảm giác phiêu lưu, Mexico hiện nay là môi trường phát triển tốt nhất cho FDI”.
…….
Alan Phan và các bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét