Phát ngôn Tuần Việt Nam: Máu làm quan!
Xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo… cha anh, chạy theo hư danh. Danh “hư” nhưng lợi “thực”. Có “thực” lại chạy tiếp “danh”.
Xin được lấy một phụ đề nhỏ trong bài viết “Thế hệ 9X: Làm quan hay làm ăn?” của tác giả Alan Phan đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 29/11/2011 để làm chủ đề chính của Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này.
Một nền giáo dục ứng thí
Bài viết của tác giả, tuy chỉ đề cập tới sự ham muốn- “máu làm quan” của thế hệ trẻ ngày nay, qua tiếp cận với hơn 100 sinh viên đại học. Nhưng thực chất đã đụng chạm tới một vấn đề vĩ mô hơn, và cũng đáng suy ngẫm hơn.
Vì sao tuổi trẻ người Việt lại “máu làm quan” hơn “máu làm ăn”?
Hay bởi các em được tạo ra từ một nền giáo dục học để thi, không phải học để làm? Cho dù ngành GD luôn nhắc tới bốn trụ cột- châm ngôn của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Cái nền GD đó, thấm đẫm tinh thần thi cử, ngay cả trong văn chương. Không phải ngẫu nhiên, tác giả Alan Phan nhắc tới bài thơ Trăng sáng vườn chè. Người viết bài chợt nhớ, cả tuổi thơ của mình, cũng luôn được nghe tiếng mẹ hát ru:
Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi…
…Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng tới lên trên vườn chè.
Dân tộc chúng ta, trọng sự học. Và cũng rất trọng “cái danh”- làm quan. Cái danh ấy chỉ có thể lập nên qua chuyện đỗ đạt thi cử. Cái danh ấy, nó len lỏi tới cả chốn phòng the, tới cả sự ân ái vợ chồng, đến mức nàng cảm thấy Đêm nay mới thật là đêm, chỉ sau khi chàng đã vinh quy bái tổ. Đủ hiểu đặc điểm, đặc tính một dân tộc trọng sự học và trọng cái danh đến độ nào.
Cũng phải công bằng mà nói, háo danh và máu làm quan là bản năng của con người, khi bắt đầu có nhận thức về nhóm, về tập thể, cộng đồng và xã hội. Nó không xấu, nếu nền tảng xã hội nói chung, nền tảng GD nói riêng, tạo ra được những vị quan tài đức, chứ không phải bất tài bất đức…song toàn!
Nhưng nếu nền tảng xã hội và nền tảng GD đó, chỉ ưu ái, khuyến khích con người háo danh và làm quan, thì xã hội đó sẽ ra sao đây?
Mặc dù trải qua ba, bốn cuộc duy tân hay cải cách, GD Việt Nam đến giờ, thực sự chưa thoát khỏi thân phận một nền GD ứng thí- bản chất cốt lõi của một nền GD phong kiến xưa cũ, nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Thi cử vẫn là cái gốc điều chỉnh mọi cách thức tổ chức GD, mọi phương pháp dạy- học. Mới có câu thi gì học nấy.
Người ta lo cho con cái, và chuẩn bị cho cái sự ứng thí của đứa trẻ từ lúc bập bẹ, lớp “lá” mầm non, lớp 1 tiểu học, tới mục tiêu cao nhất- thi đại học. Vấn nạn học thêm, vì vậy cũng nảy nở từ bậc tiểu học tới trung học phổ thông như nấm sau mưa. Liệu có nên gọi, bên cạnh nền GD chính khóa, còn có một nền GD học thêm?
Bộ GD tự lúc nào, được mệnh danh là Bộ… thi cử. Từ đầu năm, cho đến cuối năm chỉ loay hoay họp hành, chuẩn bị cho các kỳ thi. Thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi học sinh giỏi quốc gia các cấp, thi Olimpich quốc tế và khu vực. Chưa kể các kỳ thi của các địa phương.
Đã thi cử là có gian lận. Chống gian lận bằng cuộc vận động Hai không rầm rộ, nhưng đến thời điểm này, qua các tỷ lệ tốt nghiệp cao và đẹp đến…nghi ngờ, cái sự gian lận thi cử, e nó lại “vận” vào chính ngành GD?
Đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải hỏi thẳng vị Bộ trưởng GD tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII mới đây: Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp) có phản ánh thực chất không… Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp (VietNamNet, 24/11/2011).
Người dân khổ vì thi cử, nghi ngờ thi cử, thậm chí vay nợ chồng chất vì con cái đi thi cử, nhưng lại không thể rời bỏ thi cử.
Bộ GD khổ vì thi cử, nhưng cũng không dám bỏ bớt thi cử.
Ngay chủ trương thi “2 trong 1″- chỉ còn một kỳ thi trung học quốc gia, một chủ trương hợp xu thế thời đại, dưới áp lực xã hội, Bộ GD đành lững lờ không nói không, cũng không nói có, hệt chú “thỏ đế” trong ca dao: Rằng yêu thì nói là yêu/ Không yêu xin nói một điều cho xong…
Cũng cần công bằng để nói rằng, từng có nhiều năm, nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình, ngành GD muốn thay đổi xu hướng học để thi, khi chủ trương phân luồng qua mô hình phân ban THPT: Ban A (Khoa học tự nhiên), B (khoa học kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội và nhân văn).
Thế nhưng rất nhạy cảm, số đông người dân không ai muốn con em mình đi theo ban B – để làm thợ. Tất cả chỉ một ước muốn chui qua cánh cửa hẹp – thi đại học.
Phân ban lần đầu thất bại, vì đã không có học sinh theo học như thiết kế chủ quan của ngành, không được người dân ủng hộ. Mà cũng còn vì GD không trả lời được câu hỏi của họ- học sinh ban B sẽ đi về đâu, làm gì?
Phân ban lần hai ra đời, còn mỗi hai ban: A và C, chỉ để chạy theo và đáp ứng nhu cầu thi ĐH của số đông con em nhân dân.
Cái hay được thay bằng cái dở. Đi kèm theo là sự lãng phí, tốn kém tiền bạc không biết bao nhiều mà kể.
Nhưng xét cho cùng phân ban thất bại, GD không có lỗi, nhân dân không có lỗi, vì… Cái nước Việt mình nó thế(!)
Danh “hư” nhưng lợi “thực”
Nếu biết rằng, có chính sách nào trong xã hội chúng ta thực sự trân trọng khuyến khích người thợ, người lao động? Cao hơn nữa là trân trọng người giỏi, người tài? Từ vị thế, lương bổng, chế độ đãi ngộ? Hay chỉ khuyến khích con người vươn tới…làm quan?
Thì cái bằng cấp là tiêu chí đầu tiên phải có để tiến thân. Thế nên, ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng từng có chủ trương 100% cán bộ cốt cán phải là tiến sĩ!
Cái danh làm quan khi ra đời, dĩ nhiên luôn kèm theo cái lợi- bổng lộc, tiền bạc. Cái danh kiếm lợi bằng chính danh không thỏa, nó sẽ tận dụng để kiếm lợi bằng nhiều cách khác nhau.
Báo chí mới đây đưa tin, một vụ trộm ở TP. HCM. Chủ nhân ngôi nhà bị mất trộm (vợ và chồng) đều chỉ có một chức quan nhỏ thuộc ngành thuế, và ngành dạy nghề. Số lượng tài sản bị mất khá lớn, bao gồm 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất trộm là hơn 6 tỉ đồng.
Rồi cách đây vài năm, người ta còn chưa quên vụ một chiếc cặp bị bỏ quên ở sân bay của một quan chức trên đường công tác từ Tây Nguyên trở về Hà Nội. Trong chiếc cặp số có tới 11 chiếc phong bì đựng tiền VN (ít nhất từ 2 triệu đến 10 triệu) và đô la Mỹ. Ngoài phong bì có ghi tên nơi biếu.v..v… và v..v..
Nó chi phối con người đến mức, có lần nói chuyện về lứa trẻ, một GS từng trải buồn bã: Các em bây giờ, họ chỉ đi tìm “minh chủ, hắc chủ” để tiến thân, chứ không đi tìm thầy để tu thân đâu, nhà báo ạ!
Ở một đoạn khác, TS Alan Phan viết: Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ở Việt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẫn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy của các dân tộc Âu Mỹ: Lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phục vụ.
Cái tâm lý cay đắng ấy, đã được nhà văn Lê Lựu trong cuốn Thời xa vắng, chỉ ra, qua số phận đầy bi kịch của anh nông dân Giang Minh Sài, ngay cả khi anh ta đã ra thành phố. Số phận một cá nhân hay số phận của nhiều cá nhân một thời cuộc ấu trĩ?
Đó là chuyện thôn làng trong quá khứ. Nhưng nếu TS Alan Phan biết rằng ở tầm vĩ mô, thì thời hiện đại này, đến một cái danh hiệu cũng ưu tiên cho người làm quan? Như tiêu chí xét tặng Huân chương Lao động của Nhà nước chẳng hạn, mà người viết bài chứng kiến mắt thấy tai nghe.
Vậy có ai không thích làm quan?
Con người được đào tạo bởi một nền GD ứng thí, khi ra đời, lại sống trong một xã hội, mà sự làm lợi từ cái danh rất dễ.
Đó là lý do vì sao làm quan thẳng thì khó, nên không ít kẻ, mua quan bán tước, làm quan… tắt.
Đó là lý do vì sao, có biết bao câu chuyện bằng rởm, bằng giả của quan chức thấp, quan chức cao.
Một đất nước không rộng mà có bao nhiêu loại quốc nạn: Quốc nạn tham nhũng, quốc nạn học thêm, quốc nạn giao thông, quốc nạn bằng giả. Còn quốc nạn gì nữa đây?
Bằng rởm, bằng giả trong nước không oai, người ta tìm kiếm bằng rởm, bằng giả quốc tế, xuyên quốc gia “dọa nhau”. Vải thưa hóa ra vẫn che được mắt thánh! Không ít bằng giả, bằng rởm vẫn chễm chệ lên ngôi.
Thế nên, xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GDhư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo… cha anh, chạy theo hư danh.
Danh “hư” nhưng lợi “thực”. Có “thực” lại chạy tiếp “danh”
Chỉ đất nước, là khó phát triển?
Tác giả: Kỳ Duyên
Tuanvietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét