Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Triết lý kinh doanh của người Hoa nhìn từ Sài Gòn – Chợ Lớn

Triết lý kinh doanh của người Hoa nhìn từ Sài Gòn – Chợ Lớn
 hoa kiều
Theo Tạp chí công nghiệp 5/3/2014
 Từ thời xa xưa, ở Sài Gòn đã phổ biến câu nói “Ăn mày Tàu”.
Là vì đi ăn xin ở đâu thì đi, nhưng không thể vào khu người Hoa ở Chợ Lớn để xin được, vì người Hoa tuyệt đối không cho tiền người đi ăn xin, mà ngược lại họ sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận, để tự mưu sinh và sau đó có thể làm giàu.
Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ. Tướng quân Quản Trọng cũng đã từng khuyên vua, “Bệ hạ nên cho dân nghèo cái cần câu, hơn là cho con cá”.
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Nam hay với quốc gia nào khác, họ đều mang theo tinh hoa của triết lý này để thi thố làm ăn nơi xứ lạ, quê người. Nhiều câu châm ngôn trong cuộc sống và kinh doanh mà người Hoa nào cũng thuộc lòng và nhắc nhở cho nhau như: “Buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện”, hay “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”…
Không thể phủ nhận tính cần và kiệm của người Hoa. Hai chữ “cần, kiệm” không chỉ có ý nghĩa triết lý suông, mà nó đã trở thành triết lý kinh doanh của người Hoa trong mọi thời đại. Vào các thập niên đầu và giữa thế kỷ XX, có nhiều tấm gương làm giàu nay đã trở thành giai thoại từ cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Chuyện kể rằng, Quách Đàm và chú Hỏa xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống của họ chỉ dựa vào gánh ve chai, nhưng do cần kiệm miệt mài làm việc mà họ trở thành đại phú gia thời ấy. Hay giai thoại “công tử co thùng”, đối với các đại phú gia Hoa kiều trước khi muốn con cái gìn giữ và phát triển sản nghiệp của gia đình, họ gửi các chàng công tử này đến các cơ sở để rèn luyện tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ.
Để xin được vào làm việc tại một cơ sở nào, họ cũng phải trải qua quá trình xét tuyển như những người công nhân khác. Khi được tuyển vào, công việc trước tiên các chàng công tử này là phải xuống bếp cọ thùng như những công nhân. Đây là một cách đào luyện con cái họ khi trở thành doanh nhân có đủ kinh nghiệm và tính kiên nhẫn trong vai trò người chủ trong tương lai.
Một yếu tố khác mang tính đặc trưng của người Hoa. Đó là tính cộng đồng của họ rất cao. Trong kinh doanh, họ lập ra nhiều bang hội, nhưng các bang hội không phải là nơi tụ hội ăn chơi mà để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người trong cộng đồng có thể gây dựng cơ nghiệp làm ăn.
Trước khi có tín dụng ngân hàng cho vay dự án kinh doanh, các bang hội người Hoa đã biết triển khai tín dụng, qua hình thức “hụi thảo”, một loại hình chung tay giúp vốn cho những người muốn ra làm ăn nhưng thiếu vốn.
Nhưng sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực hơn với “hậu tín dụng”, đó là chung tay giúp doanh nghiệp còn non trẻ. Nếu là mở hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì họ tìm đến mua giày…
Nhưng trước hết, chính những đối tác được giúp đỡ đó phải chứng tỏ sự tích cực về tính kiệm cần cao độ. Một số đại gia có thương hiệu vang dội ngày nay là do từng được giúp và áp dụng tinh thần kiệm cần, như thương hiệu giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát… là những điển hình cụ thể.
Bắt đầu là “tiểu phú do cần” sau trở thành “đại phú do trời”. Trời nói ở đây là thời cơ khách quan đưa tới. Nhưng thời cơ chỉ đưa tới cho những ai có tâm thành, sẵn sàng năng lực để tiếp nhận khai thác. Đến đây thì triết lý kinh doanh phương Đông của người Hoa đã gặp triết lý kinh doanh của phương Tây, “Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp anh sau”.
Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín, trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Trong nhiều lần tiếp xúc với giới truyền thông, ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết: “Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Họ luôn nhạy bén, có khát vọng đột phá, đi đầu và làm ăn lớn, chữ “tín” cũng xuất phát từ chỗ này”.
Công ty bánh Kinh Đô (trước 1975 có tên gọi là Công ty Đô Thành), ban đầu chỉ là cơ ngơi nhỏ tại quận 6, Sài Gòn nhưng bây giờ cơ ngơi của Kinh Đô có tới 9 công ty, có mặt từ Nam chí Bắc. Trên thương trường, Kinh Đô có thể xem là một trong những đại gia đáng gờm trong ngành sản xuất mặt hàng bánh kẹo…
Theo Tiến sĩ Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa: “Nền tảng gia đình và chữ “tín” là báu vật; đề cao vai trò của tổ chức xã hội, nghiệp đoàn truyền thống; chấp nhận mạo hiểm và quyết đoán trong kinh doanh, được sự giúp đỡ đắc lực của tập thể, gia đình và bè bạn; đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đầu tư; kết hợp giữa cách làm truyền thống với kiến thức và thực tiễn kinh doanh hiện tại…”.
Tại TP.HCM, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số (khoảng 500.000 người), nhưng tỉ trọng doanh nghiệp người Hoa lại chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại Thành phố, nơi được xem có vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp này đều ăn nên làm ra, trong đó không ít doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cho thị trường, rất quen thuộc với người tiêu dùng không chỉ ở TP.HCM mà còn trong phạm vi cả nước.
Chẳng hạn Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô, Công ty Bút bi Thiên Long, Công ty Dệt Thái Tuấn, Công ty Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Sản xuất ống thép Hữu Liên – Á Châu…
Trước 1975, khi Sài Gòn là “thủ đô” của chính quyền cũ, khu vực Chợ Lớn là nơi tập trung hàng nhập khẩu và hàng nội địa lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Người Hoa gần như giữ độc quyền về hoạt động thương mại (khoảng gần 90% bán buôn, 50% bán lẻ, 80% – 90% xuất nhập khẩu…).
Những nhà buôn tầm cỡ của người Hoa thường là những đại lý độc quyền, tổng phát hành và phân phối hàng cho các đại lý nhỏ, các cơ sở kỹ nghệ, sản xuất, kinh doanh. Họ có quan hệ làm ăn buôn bán với hơn 40 nước ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh hệ thống các nhà buôn lớn, người Hoa ở quận 5 và Chợ Lớn còn làm chủ nhiều tiệm buôn nhỏ, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, đủ mọi mặt hàng, giống như những cửa hàng tạp hóa, mà người Hoa thường gọi là “chạp phô”.
Chợ Lớn thực sự giữ vai trò trung tâm, chi phối thị trường thành phố Sài Gòn và Nam Việt Nam, tại khu vực này có một hệ thống chợ quy mô lớn, hoạt động có tính chất chuyên ngành như chợ Bình Tây, An Đông, La Cai, Tân Thành, Hòa Bình, Kim Biên…

Bình luận (37)

  • Qua Khu Tuong Lai

    Có người bạn làm trợ lý trong Vạn Thịnh Phát, một công ty bất động sản đáng gờm ở Việt Nam, đầu tư vào khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại cao cấp, các quán ăn ở quận 1, …, nghe bạn nói là các đầu não công ty trong đây nói tiếng Quảng Đông (tiếng Hoa). Trên mạng thấy phỏng vấn thì lãnh đạo Vạn Thịnh Phát nói tiếng Việt khá rành. Rất có khả năng những lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát là người Việt gốc Hoa?
    Khoảng 25 năm trước từng biết nhiều người Việt gốc Hoa mặc cảm nghèo khó, ở Việt Nam khá nhiều câu nói chê bai chỉ trích cái nghèo của họ, lúc đó nhớ rằng đi gặp vài người Việt gốc Hoa làm ăn nhỏ, họ hay gằn giọng “Con có hiểu người Hoa không, sao lại nói mấy câu này, mấy câu này là người Việt Nam dùng để sỉ nhục người Hoa nghèo”.
    Cách đây khoảng 5 năm, gặp khá nhiều bạn trẻ đánh giá người Hoa là không hòa nhập tốt vào vui chơi của xã hội Việt (vui chơi này tạm hiểu là nhậu nhẹt, la hét chọc ghẹo chốn đông người), không biết cách ăn mặc (về mức bình dân người Việt gốc Kinh ăn mặc thời trang hơn người Việt gốc Hoa rất nhiều), …
    Từng nghe người Hoa nói rằng chữ “Ba Tàu”, là cách nói của người Việt khinh thường người Hoa thời kỳ mà người Hoa chạy nạn sang Việt Nam, chỗ ăn chỗ ở không có, người dơ dáy, túng quẫn tiền bạc. Lên Wikipedia cũ cũng có giải thích thuật ngữ khinh miệt “Ba Tàu”, nhưng giờ thời gian trôi qua lâu rồi, chắc hiếm có ai còn đánh đồng “Ba Tàu” tương đương với nghĩa rẻ rúng, nghèo mạt, dơ dáy (người Hoa bây giờ đã hòa nhập chung với đất nước Việt Nam, về tiền bạc trong một khảo sát cũ thì kinh tế người Việt gốc Hoa nhỉnh hơn người Việt gốc Kinh một chút). Tiền bạc ở đây đương nhiên là không tính mấy ông nội con ông cháu cha với mấy ông khối văn phòng trong mấy tập đoàn nhà nước, làm hòa với lỗ mà lương trung hơn 10 ngàn đô/năm, cao hơn cả mức lương trung bình của khối FDI và cao hơn cả lương trung bình của cử nhân kỹ sư trường quốc tế RMIT (bởi vậy họ mới xây dựng được thiên đường, trên sự “nằm xuống” của bao nhiêu “lá lót đường).
    Nhìn chung thì nhiều người Việt gốc Hoa đã tự xem họ là người Việt Nam, sống và hòa nhập với văn hóa Việt Nam, không còn nhiều sự khác biệt so với người Việt gốc Kinh, tuy nhiên họ vẫn giữ được nét gì đó truyền thống của dân tộc họ (đi loanh quanh quận 5, hay mấy quán ăn Hoa Dimsum, sẽ thấy ngay một không khí khác lạ, không toàn bộ thuần Việt, cũng không lai Tây như mấy cửa hàng ở quận 1 hoặc Vincom).
    Reply
    • Ctrung

      Nghe đâu đó nói là họ khổ hơn người việt góc Kinh vì phải chạy đến 3 lần!
      Reply
      • Qua Khu Tuong Lai

        Mấy tỉnh khác mình không rành, còn ở TPHCM mình từng sống ở vài khu người Hoa, khoảng 25 năm trước mình biết rất nhiều cô chú (không quen biết) ở nhà mướn, ông bà lão dựng lều, chủ yếu là buôn bán nhỏ, sản xuất nhỏ, bán hàng rong, làm lao động tay chân, lụm rác, lao công, sau 25 năm khoảng 90-100% gia đình có nhà cửa ở TPHCM, khoảng độ 10-25% số này đổi nghề dời đi khu khác, nghe nói là làm ăn tốt hơn hay có công việc tốt hơn nên dời đi. Trong các khu đó khoảng 25 năm trước người Việt gốc Kinh rất hiếu học, sáng trưa đều thấy hình ảnh họ vác cặp sách đi học.
        Nhìn chung người Việt siêng học hơn, người Việt gốc Hoa siêng làm hơn. Trong vài khu cũ mình từng biết và vài chỗ mình từng làm việc, người Việt có phần học cao hơn, vì thế nên ăn nói có phần bài bản hơn, người Hoa siêng làm hơn, ít chữ nghĩa hơn ăn nói ít bài bản hơn nhưng lại thật thà hơn.
        Người Việt phần nhiều định hướng rất rõ, 1 là làm quan, 2 là làm nhân viên văn phòng để hướng đến chức quản lý giám đốc làm thuê. Nhiều người không có cơ hội làm quan nên lái sang làm nhân viên văn phòng, mình biết có vài người sẵn sàng bỏ số tiền tương đương xe hơi Nhật để được làm tay sai vặt cho các viên chức nhỏ địa phương, có người chờ 4-5 năm chỉ để có cơ hội làm công chức (chắc không ai nghĩ họ ngốc?). Người Hoa gốc Việt ý thức rõ bản thân không làm thì không ai giúp, nên họ làm việc tập trung hơn.
        Về tài chính 25 năm trước quan chức nhỏ địa phương, người Việt gốc Hoa, người Việt gốc Kinh thì người Việt gốc Kinh có phần nhỉnh hơn nhiều. 25 năm trôi qua một số các chức địa phương lên rất nhanh, loáng 1 cái là mua 3-5 căn nhà (ở địa phương bé tẹo đã thế này), người Việt gốc Hoa bắt kịp người Việt gốc Kinh.
        Đó là các khu không kinh doanh, còn những bạn ở khu An Đông, Chợ Lớn, có phần phát triển tốt, từ 1 sạp nhỏ giờ đây họ sở hữu trung bình khoảng 2-5 căn nhà. Có một điều là một số người gọi những người làm ăn ở An Đông, Chợ Lớn là dân kinh doanh hạng 2, hạng 3, còn dân kinh doanh hạng nhất họ đã đi lâu lắm rồi, nếu không thì không biết họ phát triển đến mức nào? (dân hạng nhất nghe nói là thời gian trước đã bỏ của chạy lấy người?, một số người quay lại nghe nói rằng hệ thống các cây xăng, các khu đất vàng, các rạp chiếu bóng, các quan hệ giao thương khối FDI, các quan hệ xuất nhập khẩu, … là “của ai đó”?).
        Về làm ăn người cỡ độ 500 tỷ đổ xuống 0,5-1 tỷ, người Việt gốc kinh giỏi dùng thủ đoạn ngắn, người Việt gốc Hoa giỏi dùng thủ đoạn đường dài. Còn những người giàu khủng, người Hoa gốc Việt kín tiếng nên không rõ họ thuộc thành phần nào, người Việt Nam phân luồng khá rõ vào những doanh nghiệp xuất thân “trong nhà”, những doanh nhân thân với phái “trong nhà”, nhóm 2 là liên doanh với FDI tách ra, với nhóm “trong nhà” hay liên doanh do các trí thức cao học vị cao “cõng rắn cắn nhà gà”, “hiến kế độc ác hại chủ” được trả công khủng và hậu hĩ cho “kế ác” rồi tách ra, nhóm các công chức lớn hùm hạp hay ở sau “chỉ tay”, nhóm 3 là nhóm các liên kết với nhóm “trung gian cửa sau”, “nhóm có quyền ký”, nhóm các người làm khoa học nắm kỹ thuật công nghệ tách ra “ôm theo” cơ sở dữ liệu cực kỳ quý báu của “nhóm trong nhà” ra làm riêng, còn nữa là các nhóm khác.
        Có một ý kiến là sưu tầm nho nhỏ mà mình rất thích: “những người trung lưu hay trí thức, được “định hướng” làm này làm kia, quản lý cái này cái kia kiểu “triều đình”, không cần biết họ xuất thân ở đâu, nghèo khổ cỡ nào, chỉ biết rằng sau “định hướng” chắc chắn họ sẽ trở thành đại gia của Việt Nam”, theo mình thì thành phần này không phải là ít, đọc báo cáo tài chính và tiểu sử doanh nghiệp của các công ty cổ phần lớn và lịch sử của các doanh nhân lớn Việt Nam, tinh ý một chút sẽ thấy phần đông số họ có “điểm chung khó người bình thường nào có”, phần còn lại rất ít. Mình nhớ có chuyện cười chuyện đùa giỡn thế này: Có một anh quan hệ rộng, định mua đất ở Phú Mỹ Hưng khi khu đó chỉ là đầm lầy, anh ta không biết có nên dồn tiền lớn vào đó không, sau đó anh ta nghĩ ra một cách là đến thăm quan lớn “triều đình”, quan lớn nói khu này được quy hoạch thành khu đô thị hạng đặc biệt, anh ta nghe thế liền đi chạy tiền để dồn hết vào mua đất đai nhà cửa khu đầm lầy, sau này anh ta thành một trong những triệu phú đô la trẻ tuổi rồi sau nữa trở thành đại gia công nghệ Việt Nam và được giới trẻ và truyền thông Việt Nam “phong thánh” (mình nghĩ tại sao người ta lại dễ “phong thánh” người khác như thế). Có một anh bạn làm công tay bất động sản nghe khu Phú Mỹ Hưng cũng góp vui: Một ngày nọ anh ta lái ô tô chờ sếp đến khu đầm lầy Q7, sếp nói có bao nhiêu đất sếp sẽ mua hết, sau này sếp sẽ trở thành đại gia, nghe xong anh bạn nghĩ ông sếp này bị thần kinh nặng, sau này ông sếp gom đất khu đầm lầy Q7 (Phú Mỹ Hưng) có trở thành đại gia không chắc ai đó cũng đoán ra. Theo mình đây là cách thành công “kỳ quái”, nếu được “phong thánh” cũng là kiểu thánh kỳ quái, với các tín đồ kỳ quặc về quan điểm sống.
        Bây giờ người Việt gốc Hoa nghèo vẫn nhiều lắm, nhưng cái mức nghèo của họ không bi đát như 25-30 năm trước và không bi đát so với người Việt gốc Kinh trước kia. Lưu ý rằng người Việt gốc Hoa ở Việt Nam khác với người Trung Quốc gốc Hoa ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét